Biên Hòa còn ngập ít nhất 10 năm nữa

12/08/2014 10:40 GMT+7

Từ nhiều năm trở lại đây, cứ hễ trời mưa lớn là nhiều nơi trên địa bàn TP.Biên Hòa (Đồng Nai) lại bị ngập sâu, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở 2 bên đường cũng như các phương tiện tham gia giao thông.

 Hễ trời mưa lớn là đường phố Biên Hòa trở nên ngập sâu
Hễ trời mưa lớn là đường phố Biên Hòa trở nên ngập nước

 

Nhưng TP.Biên Hòa cũng không biết làm gì hơn ngoài việc phải chờ vốn. Vì vào năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt Dự án thoát nước và xử lý nước thải với kinh phí lên tới 660 triệu USD (từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản) chung cho cả TP.Biên Hòa. Có điều từ khi phê duyệt đến nay dự án vẫn chưa triển khai thi công vì còn phải chờ phía Nhật Bản “rót tiền”.

 
Nhật Bản e ngại công tác giải phóng mặt bằng

Ngày 21.7, phía Nhật Bản gửi công văn cho UBND tỉnh Đồng nai thông báo thống nhất phương án lắp đặt hệ thống cống thoát và dẫn dọc sông Cái theo phương án của Trung tâm thoát nước Đồng Nai. Trong đó, kèm theo điều kiện, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để đặt tuyến cống dọc theo sông Cái phải hoàn thành trong thời gian 2 năm kể từ ngày hiệp định vay vốn của dự án được ký kết. Trong trường hợp công tác GPMB không đáp ứng đúng thời hạn thì sẽ áp dụng phương pháp khoan kích ngầm để lắp đặt nhằm đảm bảo tiến độ, áp dụng đối với ngay cả khi một khu vực được áp dụng phương pháp đào mở nhưng nếu công tác thu hồi đất không đảm bảo.

Nhiều nơi ngập lụt

Các điểm đen giao thông thường xuyên xảy ngập lụt nặng, cao hơn nửa bánh xe máy khi trời mưa to có thể kể tới là vòng xoay ngã năm Biên Hùng, đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn bệnh viên tâm thần và chợ Phúc Hải), vòng xoay Tân Phong, ngã tư Võ Thị Sáu - Phạm Văn Thuận, đường Đồng Khởi (đoạn trước Sở NN-PTNT), đường Huỳnh Văn Nghệ (đoạn gần Trường ĐH Lạc Hồng)… Và các điểm đen ngập lụt này xuất hiện ngày càng nhiều khiến người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn và ẩn chứa những hiểm họa. Ông Lê Văn Lâm, người chạy xe ôm trước cổng Sở NN-PTNT nói: “Cứ mưa xuống là ngập do đường xá không có hệ thống thoát nước. Nước ngập không biết chảy đi cứ đâu cứ thế tồn đọng trên mặt được. Khi ô tô chạy qua, tát cả vào mặt người đi đường hết sức nguy hiểm” 

Theo ông Doãn Văn Đồng, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa thì hệ  thống thoát nước của Biên Hòa được làm từ trước 1975, sau này đầu tư thêm một số đoạn, khả năng chỉ đáp ứng cho sinh hoạt cho 500-600.000 dân. Nhưng hiện tại tổng dân số của TP.Biên Hòa lên đến cả 1 triệu người, cộng với sự đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ khiến diện tích nước thoát bề mặt bị thu hẹp dẫn đến tình trạng quá tải.

Chờ ít nhất 10 năm nữa

Năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án thoát nước và xử lý nước thải cho TP.Biên Hòa với kinh phí lên đến 660 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản. Dự án này có khả năng xử lý, tiêu thoát được trên 52.000m3 nước/ngày/đêm. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa khởi động vì phía Nhật Bản vẫn chưa chuyển tiền. Nguyên nhân là do hai bên chưa thống nhất về việc lựa chọn công nghệ xử lý nước thải và phương án lắp đặt hệ thống cống thoát nước về nhà máy xử lý.

Ông Đỗ Bảo Nam, Phó giám đốc Trung tâm thoát nước Đồng Nai, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện dự án (thuộc Sở xây dựng) cho biết: “Nếu mọi việc suôn sẽ đến tháng 9 này, hai bên sẽ ký kết biên bản ghi nhớ. Sau đó cần mất đến 2 năm cho việc thiết kế, tư vấn và trình duyệt. Nhanh nhất phải đến năm 2024 thì toàn bộ dự án thoát nước và xử lý nước thải này mới hoàn thành và đi vào sử dụng”. Ông Trịnh Tuấn Liêm, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa nói: “Trong khi chờ đợi dự án của tỉnh, phía TP chữa cháy tạm thời và tránh cho tình hình ngập lụt tồi tệ thêm bằng cách cho lắp máy bơm nước ở những điểm ngập, nẹt vét mương cống nhưng chỉ giảm được thời gian ngập nước. Biện pháp xử lý triệt để hơn là thay hệ thống cống cũ nhưng như vậy thì kinh phí quá lớn vượt khả năng của TP.”

Lê Lâm

>> Khổ sở vì thi công gây ngập nước
>> TP.HCM thống nhất đầu tư 666 triệu USD chống ngập nước
>> TP.HCM: Đại biểu bức xúc về tình trạng ngập nước, cướp giật
>> Người Sài Gòn than trời vì mưa to, ngập nước
>> Lại tái diễn cảnh ngập nước, kẹt xe khủng khiếp
>> Khắc phục đường ngập nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.