Bệnh mãn tính

28/10/2014 10:29 GMT+7

Đó là “bệnh” nợ các loại bảo hiểm của chủ doanh nghiệp đối với người lao động. Hàng chục ngàn doanh nghiệp hiện vẫn đang nợ bảo hiểm xã hội với số tiền lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Từ nhiều năm qua, việc nợ các loại bảo hiểm của chủ doanh nghiệp luôn trong tình trạng “năm sau cao hơn năm trước”. Hiện ở nhiều địa phương, cơ quan bảo hiểm và chủ doanh nghiệp đã phải kéo nhau ra tòa. Đây là chuyện chẳng đặng đừng nhưng không còn cách nào khác nếu như không muốn quỹ bảo hiểm bị “vỡ” và người lao động không phải chịu cảnh “trắng tay” nếu đến tuổi nghỉ hưu hoặc khi ốm đau phải vào bệnh viện. Vì sao căn bệnh nợ nần này không những không được chữa trị dứt điểm mà còn lâm vào tình trạng mãn tính?

Trước hết, phải khẳng định rằng, con số nợ bảo hiểm của hàng ngàn lao động nói trên, phần lớn đều rơi vào các doanh nghiệp tư nhân. Có một thực tế khách quan là, trong những năm qua, nền kinh tế lâm vào cuộc khủng hoảng mà chưa có lối ra. Hàng trăm doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, không còn khả năng trả nợ vay ngân hàng, buộc phải đóng cửa nên việc đóng bảo hiểm cho người lao động đối với các doanh nghiệp này quả là điều “không tưởng”. Một thực tế khác, có doanh nghiệp chưa phải “rơi tận đáy” nhưng vẫn chây ì, không chịu đóng bảo hiểm theo luật định. Họ tìm đủ cách để thoái thác nhiệm vụ. Doanh nghiệp thua lỗ, buộc phải giải thể, không đóng bảo hiểm đã đành, thế nhưng vẫn có những doanh nghiệp, kinh doanh chưa đến nỗi phải “trắng bụng, lấm lưng”, hàng tháng họ vẫn trừ vào tiền lương của công nhân về các khoản đóng bảo hiểm nhưng không bao giờ họ nộp lên cơ quan bảo hiểm cả. Người lao động thì luôn “yên tâm” vì lương của mình đã được trích lại để đóng bảo hiểm rồi, cho đến lúc đụng đến quyền lợi khi nghỉ mất sức hoặc về hưu thì mới vỡ lẽ ra rằng, toàn bộ số tiền mà mình đóng góp hàng tháng từ lương lâu nay đã bị các ông chủ chiếm dụng.

Trên đây là chỉ khoanh vùng trong các doanh nghiệp đã ký thỏa ước lao động tập thể với công nhân hoặc đã thành lập được tổ chức công đoàn. Có một bộ phận rất lớn lao động còn lại, họ hoàn toàn không biết đến các loại bảo hiểm là gì, vì số lao động này chỉ “thỏa thuận miệng” với các ông chủ. Nghĩa là, người lao động sáng vác nón đi làm, chiều ngửa tay lấy tiền công nên không được thống kê vào số tiền nợ bảo hiểm đã đề cập trên đây.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ bảo hiểm kéo dài như đã nói trên, nhưng còn một nguyên nhân nữa vẫn thường né tránh, đó là sự thiếu nghiêm minh trong việc xử lý của cơ quan chức năng. Luật Lao động quy định, khi doanh nghiệp hoạt động sau 6 tháng thì phải thành lập tổ chức công đoàn, phải tiến hành đại hội và ký thỏa ước lao động tập thể; người lao động có quyền kiểm tra, giám sát đối với các chủ doanh nghiệp trong việc thực hiện các chế độ, quyền lợi của mình, trong đó có việc đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, các quy định trên đây thường bị bỏ qua, miễn sao có lương hàng tháng là được. Suy nghĩ có tính chất “ăn đong” ngắn hạn này đã phải trả giá.

Trà Ban

>> Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội 12.500 tỉ đồng
>> Chây ì ngàn tỉ đồng nợ bảo hiểm xã hội
>> 141 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
>> Khởi kiện 492 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
>> Công bố danh sách doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
>> Nợ bảo hiểm xã hội hơn 4.600 tỉ đồng
>> Công ty QLCTĐT Đà Lạt: Nợ bảo hiểm xã hội gần 670 triệu đồng
>> Doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội: Thiệt thòi thuộc về người lao động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.