Anh hào hội ngộ lễ hội pháo hoa

02/04/2013 11:02 GMT+7

Đội Ý quyết bảo vệ cúp vô địch cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) 2013, trong khi đội Mỹ không để vuột khỏi chiếc cúp lần thứ hai, đội Nga lần đầu góp mặt đang là ẩn số còn Nhật Bản và Việt Nam đều không muốn dẫm chân tại vị trí thứ 3 như các kỳ DIFC trước.

Đội Ý (Công ty Parente Fireworks): Vô địch DIFC 2011 & 2012

Ý là đối thủ đáng gờm nhất tại DIFC 2013 bởi thành tích vô địch liên tiếp 2 năm qua. Đại diện đội Ý vẫn là Công ty Parente Fireworks, có truyền thống sản xuất pháo hoa hơn 100 năm do ông Romualdo Parente gầy dựng. Từ một xưởng sản xuất nhỏ ở đông nam nước Ý, ông Romualdo đã biến vùng đất nông nghiệp trở thành vùng công nghiệp pháo hoa mà trong đó gia tộc pháo hoa Parente chiếm vị trí số một. Đến năm 1951, hậu duệ của ông đã mở rộng “đế chế” pháo hoa ra vùng đông bắc. Hiện nay, cơ ngơi của Parente Fireworks gồm khu sản xuất rộng hơn 10ha, 20 phân xưởng và 16 nhà kho. Mỗi năm, Parente Fireworks thực hiện hơn 500 màn trình diễn khắp thế giới.

Đội Việt Nam (TP.Đà Nẵng): Trưởng thành

Anh hào hội ngộ lễ hội pháo hoa 11
Đội Việt Nam đã trưởng thành sau 5 kỳ DIFC - Ảnh: Nguyễn Tú 

Sau 5 năm thành lập, những pháo thủ mặc áo lính của Bộ chỉ huy Quân sự TP.Đà Nẵng đại diện cho Việt Nam tranh tài tại DIFC đã có những tiến bộ vượt bậc. Kỹ thuật bắn pháo thủ công trước đây đã được thay thế bằng hệ thống lập trình, điều khiển bằng máy tính hiện đại. Một hai năm đầu, các pháo thủ vừa mày mò nối dây, vừa nhờ vả và học lóm kỹ thuật của đội bạn khi cùng lắp đặt pháo tại Cảng Đà Nẵng, đến nay đội pháo hoa Đà Nẵng đã có thể đại diện cho Việt Nam tranh tài ở Lễ hội Pháo hoa Ánh sáng 2012 tại Vancouver, Canada và giành được giải nhì. Đó là chưa kể các đợt trình diễn pháo hoa đêm Giao thừa tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), trình diễn pháo hoa tại Champasak 2012 và Sekong (Lào) năm 2009. Trong 5 kỳ DIFC vừa qua, đội pháo hoa Đà Nẵng đại diện cho Việt Nam đạt 2 giải khuyến khích (2008, 2009), 3 giải ba (2010-2012) và năm nay đang quyết tâm cải thiện vị trí này.

Đội Nhật Bản (Tamaya Kitahara): Lão làng pháo hoa

Anh hào hội ngộ lễ hội pháo hoa
Màn trình diễn của đội Nhật Bản gây ấn tượng tại DIFC 2010 - Ảnh: Nguyễn Tú 

Tại  DIFC 2010, Tamaya Kitahara đã có màn trình diễn pháo hoa đậm chất Á đông và liêu trai mang chủ đề Truyền thuyết Ngũ Hành Sơn nhưng rất tiếc chỉ xếp vị trí thứ 3. Công ty Tamaya Kitahara có lịch sử hơn 400 năm sản xuất, trình diễn pháo hoa và chính thức mang tên Tamaya Kitahara vào năm 1982, từ đó, họ bắt đầu xây dựng pháo hoa trở thành nền công nghiệp giải trí mới của Nhật Bản và “tiến công” khắp thế giới với trung bình 150 màn biểu diễn pháo hoa hằng năm. Công ty này cũng đã 6 lần giành cúp cuộc thi pháo hoa diễn ra ngay tại quê hương của pháo hoa là Trung Quốc, 2 lần vô địch pháo hoa quốc tế tại Tây Ban Nha…

Đội Nga (Trung tâm Pháo hoa Khan): Thống lĩnh Đông u

Ngoài Việt Nam, Trung tâm pháo hoa Khan đại diện cho đội Nga cũng có tuổi nghề non trẻ so với những lão làng pháo hoa khác. Ra đời năm 1993, sau 20 năm, Trung tâm pháo hoa Khan đã trở thành đơn vị sản xuất và trình diễn pháo hoa hàng đầu tại đất nước này và đại diện cho Nga tranh tài với các cường quốc pháo hoa khác trên thế giới. “Vũ khí tối thượng” của Trung tâm pháo hoa Khan so với nhiều đơn vị trình diễn khác chính là kỹ thuật bắn pháo hoa dựa trên hiệu ứng Pyro Digit, một kỹ thuật sắp đặt, dàn dựng và bắn pháo tốc độ cao theo chuỗi dây chuyền nhằm tạo sự bất ngờ, phấn khích. Nhìn vào bảng thành tích của đội pháo hoa này, có thể thấy sự thống lĩnh của Trung tâm pháo hoa Khan ở các cuộc thi, lễ hội pháo hoa quốc tế khu vực Đông u.

Đội Mỹ (Melrose Pyrotechnics): Quyết tâm đoạt cúp

Anh hào hội ngộ lễ hội pháo hoa
Đội Mỹ quyết tâm đoạt cúp lần này - Ảnh: Melrose Pyrotechnics

 

Ý tưởng phát triển thành công ty pháo hoa của Melrose Pyrotechnics rất tình cờ. Năm 1960, cha của ông Mike Cartolano (Chủ tịch HĐQT Melrose Pyrotechnics hiện nay) là người hâm mộ đội bóng chày Chicago White Sox nên đã thực hiện màn trình diễn pháo hoa trên bảng tỷ số tại Melrose Park (bang Illinois, Mỹ) để cổ động cho đội này. 20 năm sau, Mike Cartolano đã đưa Melrose Pyrotechnics (lấy tên từ Melrose Park, nơi khởi nguồn màn trình diễn) trở thành một trong những công ty tiên phong công nghệ trình diễn pháo hoa theo nhạc bằng kỹ thuật điện tử. Melrose Pyrotechnics từng vô địch các Lễ hội pháo hoa thế giới Hanabi Nhật Bản 2010, Lễ hội pháo hoa âm nhạc quốc tế Thượng Hải 2007, Lễ hội ánh sáng quốc tế Quebec Canada 2006 và đang có tham vọng “phục thù” cho công ty đồng hương là Pyrotecnico của dòng họ Vitale bị vuột mất chức vô địch DIFC 2010.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.