Án oan từ những chiếc xe lăn

24/06/2014 09:29 GMT+7

Từ việc mua xe lăn cho người khuyết tật mà bà Nguyễn Thị Lộc (50 tuổi, P.3, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) cùng 2 người khác bị khởi tố, xét xử chịu oan trong nhiều năm qua…

Từ việc mua xe lăn cho người khuyết tật mà bà Nguyễn Thị Lộc (50 tuổi, P.3, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) cùng 2 người khác bị khởi tố, xét xử chịu oan trong nhiều năm qua…

Năm 2006, bà Nguyễn Thị Lộc - khi ấy là Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN P.3, kiêm thủ quỹ Hội Chữ thập đỏ (CTĐ), cùng Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội CTĐ của phường là Trần Văn Song (55 tuổi), Lê Bá Long (59 tuổi) bị khởi tố, truy tố tội “tham ô tài sản”; đến tháng 3.2008 thay đổi thành tội “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” vì bị cho là đã nâng khống tiền mua 8 chiếc xe lăn cho người khuyết tật chiếm đoạt chênh lệch 11.460.000đ. Ngày 28.9.2009, TAND TP.Đà Lạt tuyên phạt ông Song và ông Long mỗi người 15 tháng tù, phạt bà Lộc 12 tháng tù cho hưởng án treo. Tuy nhiên sau đó, tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm và trả hồ sơ để điều tra lại. Đến ngày 12.3.2012, Cơ quan CSĐT công an TP.Đà Lạt đã đình chỉ điều tra các bị can nêu trên vì hành vi không đủ căn cứ cấu thành tội “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Bà Lộc bức xúc: “Trong suốt quá trình bị khởi tố, điều tra, xét xử tôi đã chịu rất nhiều thiệt thòi và mất mát rất lớn về tự do cá nhân, kinh tế, uy tín danh dự của bản thân và gia đình. Thời gian ấy tôi bị nghỉ việc và không thể xin được công ăn việc làm nào khác;  tinh thần, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có lúc tuyệt vọng nghĩ đến cái chết... Khi được đình chỉ điều tra, tôi có làm đơn gửi TAND TP.Đà Lạt yêu cầu xin lỗi công khai, khôi phục việc làm và bồi thường các khoản tổng cộng hơn 660 triệu đồng. Sau nhiều lần thương lượng còn hơn 270 triệu đồng, rồi cuối cùng còn gần 110 triệu đồng, nhưng đến nay tôi vẫn chưa được giải quyết việc nào cả”.

Ông Đào Chiến Thắng, Chánh án TAND TP.Đà Lạt, cho biết, 3 người trong vụ án này đều có yêu cầu bồi thường, nhưng chỉ có bà Lộc yêu cầu được xin lỗi; riêng ông Song có yêu cầu bồi thường khác nên phải thụ lý thành vụ án riêng và sắp tới sẽ xử. Ông Thắng thừa nhận cũng có sự chậm trễ vì phải thương lượng nhiều lần. Hơn nữa vào tháng 5.2013, TAND TP.Đà Lạt có gửi TAND tối cao công văn kèm hồ sơ, đề nghị thẩm định bồi thường đối với trường hợp của bà Lộc và ông Long. Nhưng TAND tối cao trả lời nội dung đề nghị thẩm định của TAND TP.Đà Lạt chưa đúng, nên phải thương lượng lại, đến tháng 7.2013 mới xong. Ngày 9.5.2014, Bộ Tài chính có văn bản gửi TAND tối cao thống nhất bổ sung dự toán năm 2014 của TAND tối cao từ nguồn chi quản lý hành chính để bồi thường cho bà Lộc, ông Long. “Đến nay tiền bồi thường vẫn chưa về nên chúng tôi chưa thực hiện được, khi chi tiền bồi thường xong chúng tôi sẽ tổ chức xin lỗi công khai bà Nguyễn Thị Lộc. Riêng việc xử lý trách nhiệm của người gây ra oan sai, chúng tôi đang đợi chỉ đạo của TAND tối cao để thực hiện”, ông Thắng nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó bí thư Đảng ủy P.3 (TP.Đà Lạt), cho biết ngày 13.6.2014, phường mới nhận được văn bản của TAND TP.Đà Lạt đề nghị tạo điều kiện và xem xét khôi phục quyền lợi cho người bị kết án oan trong vụ án này. “Tuy nhiên việc này cũng rất khó, bởi các chức danh của 3 người nói trên đều do đại hội bầu, nhiệm kỳ cũng đã hết, chúng tôi đang chờ chỉ đạo giải quyết từ cấp trên”, bà Thanh cho hay.

  Gia Bình

>> Xin lỗi công khai người bị kết án oan sai
>> Quốc hội quyết định giám sát án oan
>> Án oan và xin lỗi
>> Ba ngành bắt tay cam kết giảm án oan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.