Ám ảnh cái chết 'xấu'

06/06/2015 10:27 GMT+7

“Cha mẹ qua đời, căn nhà cũng bị cả làng phá tan để đuổi... ma. Những ngày tháng tới, em không biết mình phải sống sao...”, Lê Hồng Phấn, học sinh Trường THCS nội trú Trà Cang (H.Nam Trà My, Quảng Nam) nghẹn ngào khi nói về hoàn cảnh của mình.

“Cha mẹ qua đời, căn nhà cũng bị cả làng phá tan để đuổi... ma. Những ngày tháng tới, em không biết mình phải sống sao...”, Lê Hồng Phấn, học sinh Trường THCS nội trú Trà Cang (H.Nam Trà My, Quảng Nam) nghẹn ngào khi nói về hoàn cảnh của mình.

Ám ảnh cái chết “xấu”Bốn đứa con của vợ chồng anh Thiên, chị Thôi trong căn nhà rách nát vì bị dân làng phá bỏ để đuổi “ma” - Ảnh: Hoàng Thọ
Phá nhà… nguyên chủ tịch xã
“Thua lệ làng”
Ông Nguyễn Đỗ Trí, Phó chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, sau cái chết của chị Cúc, nguyên chủ tịch xã, chính quyền huyện đã về vận động, tuyên truyền nhưng cả làng không chịu nên đã phá nhà của chị Cúc.
“Để thay đổi nhận thức của đồng bào là điều không dễ vì đó là tập tục đã ăn sâu vào suy nghĩ của từng người. Đặc biệt là đối với già làng, họ rất sợ cái chết “xấu”. Chúng tôi phải vận động, tuyên truyền từng bước mới mong thay đổi được...”, ông Trí nói.
Chiều trên xã Trà Cang thâm u, mây giăng kín khắp các triền núi. Phấn một mình ngồi nơi bậc cửa khu nội trú nhà trường, mắt nhìn xa xăm. Từ một “thiếu gia” xứ núi, ở trong một gia đình có điều kiện, Phấn bỗng chốc trở thành kẻ “vô gia cư” khi cả cha lẫn mẹ lần lượt qua đời.
Khi còn sống, mẹ Phấn - bà Nguyễn Thị Kim Cúc là Chủ tịch UBND xã Trà Cang. So với đời sống đồng bào Xê Đăng nơi đây, gia đình Phấn được xem là khá giả nhờ vào đồng lương của mẹ và công việc nương rẫy của cha. Tháng 8.2013, mẹ Phấn đột ngột qua đời vì lâm bệnh nặng. Hai chị đi lấy chồng xa, anh trai đi học ở Đà Nẵng nên Phấn ở với cha. Trước tết Ất Mùi khoảng nửa tháng, cha em tử vong trong một vụ tai nạn giao thông. Và bi kịch bắt đầu khi cái chết  của cha Phấn kéo theo cảnh “tan cửa nát nhà”.
Theo tập tục của người Xê Đăng, cái chết của cha lẫn mẹ Phấn là cái chết “xấu”. Khi trong làng có những cái chết tương tự thì già làng và cả cộng đồng sẽ đuổi “con ma xấu” đi bằng cách phá căn nhà của người đã chết, bất chấp việc thân nhân của người xấu số sẽ sống ở đâu. Nhà không còn đến một tấm phên nhưng vì thương cha mẹ nên Phấn vẫn ở lại và ngủ giữa sàn. Phấn bảo em không sợ ma chết “xấu” vì đó là người thân của em nhưng không ai cản nổi vì cả làng đã quyết.
“Em không sợ nhưng cả làng sợ thì phải chịu thôi. Rồi không biết những ngày tháng tới, em sẽ sống sao nữa…”, Phấn ngậm ngùi.
Đốt nhà đuổi… ma
Đau lòng nhất là cái chết vì lá ngón (loại lá có độc tính mạnh) của 2 vợ chồng Hồ Văn Thiên (30 tuổi) và Hồ Thị Thôi (29 tuổi, tại nóc Măng Lâng, thôn 3, xã Trà Tập) vào cuối tháng 5.2014, đẩy 4 đứa con nhỏ dại vào cảnh mồ côi. Vì lâm bệnh nặng, trong cơn túng quẫn, chị Thôi lên rừng tìm cây lá ngón mang về nhà ăn. 10 ngày sau, trong cơn say và chán nản vì nhớ vợ, anh Thiên cũng vào rừng bứt lá ngón để tự vẫn.
Cha mẹ qua đời, 4 đứa con gồm Hồ Thị Vong (11 tuổi), Hồ Văn Võ (9 tuổi), Hồ Văn Vương (7 tuổi) và Hồ Thị Vân (4 tuổi) đang bơ vơ và chưa biết sống nhờ vào ai thì dân làng Măng Lâng kéo đến phá nhà của cặp vợ chồng đoản mệnh. Một thời gian người làng Măng Lâng đem đuốc tới đốt luôn căn nhà. Bốn đứa trẻ khóc ngất, ông nội Hồ Văn Suốt (84 tuổi) thương cháu nên đem tất cả về nhà cưu mang.
Bốn đứa trẻ khác người Ca Dong cũng bị mất nhà cửa vì cái chết “xấu” của cha mẹ (tại nóc Lấp Loa 1, xã Trà Tập, H.Nam Trà My) là con của vợ chồng Nguyễn Ngọc Sơn (43 tuổi) và Hồ Thị Xoa (36 tuổi). Một đêm đầu năm 2014, anh Sơn trên rẫy bắt được một con khỉ để làm mồi nhậu. Tàn cuộc, chị Xoa cãi cọ với chồng vì ghen anh Sơn có bồ. Hai bên xô xát, Sơn dùng con dao dài đâm vợ gục chết tại chỗ. Sau khi giết vợ, Sơn bỏ trốn vào rừng. Đến sáng hôm sau, người dân đi rẫy thấy anh treo cổ tự sát.
Với người Ca Dong, 2 cái chết liên tiếp của Sơn và Xoa là cái chết “xấu”. Để con ma khỏi ám trong làng, ngay sau khi mai táng cho cả 2 vợ chồng, dân Lấp Loa 1 kéo đến đập phá đồ đạc rồi đốt luôn căn nhà của họ. Bốn đứa trẻ mồ côi và mất luôn nhà cửa.
Tình người trong hủ tục
Thật khập khiễng nếu so sánh nỗi đau của những đứa trẻ mồ côi nhưng theo nhiều giáo viên tại xã Trà Cang thì hoàn cảnh của Phấn “có phần đỡ hơn” vì Phấn đã lớn và tự lo cho mình được. Dù vậy, thấu hiểu hoàn cảnh của em nên thầy cô giáo trẻ luôn xem Phấn là một người em; thầy cô giáo “luống tuổi” xem Phấn như con của mình để khỏa lấp dần nỗi mất mát của Phấn. Không còn chốn về, Phấn cũng coi các thầy cô giáo như người thân và khu nội trú học sinh như là nhà của mình.
Tội nhất là 4 đứa trẻ con của vợ chồng anh Thiên và chị Thôi. Sau cái chết của cha mẹ, các em được ông nội đem về nuôi dưỡng. Nhưng vì tuổi già sức yếu nên 2 đứa lớn phải theo ông lên rẫy để đào từng gốc sắn, 2 đứa nhỏ ở nhà lăn lóc nơi góc vườn, nhà bếp với những trò chơi ngây ngô. Thầy giáo Nguyễn Khắc Điệp, Hiệu trưởng Trường THCS nội trú Trà Cang kể sau khi nhà cửa bị đốt hết, 4 em nhỏ về sống với ông bà nội vốn rất nghèo khó. Cám cảnh nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp, giúp đỡ cho 4 cháu được tiếp tục đến trường và có cuộc sống tốt hơn.
“Sau khi gom góp được số tiền kha khá, tôi cùng với một phóng viên ở huyện đứng ra tổ chức xây nhà cho 4 cháu nhỏ. Chúng tôi đã mua một mảnh đất tại trung tâm xã để làm nhà. Bởi ông bà nội của các cháu đã già yếu, làm nhà gần trường sẽ có nhiều người quan tâm, giúp đỡ cho các cháu hơn”, thầy giáo Điệp nói.
Hôm chúng tôi đến, căn nhà trị giá hàng chục triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm đã được cất xong. Dẫn chúng tôi xem nhà, thầy Điệp trải lòng: “Rồi đây, chính các cháu sẽ là những người “chiến đấu” với hủ tục hà khắc một khi các cháu được giáo dục tốt, hiểu biết hơn. Căn nhà cho các cháu đi về cũng làm những người gieo chữ như chúng tôi cám thấy ấm lòng”.
Bốn cháu nhỏ con của vợ chồng anh Sơn và chị Xoa cũng nhận được sự đùm bọc từ các thầy cô giáo tại địa phương và của người thân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.