30 năm dạy học ở đảo

02/12/2014 12:17 GMT+7

Một tai nạn không may xảy ra trên đường đi dạy khiến cô Mai Thị Trái bị chấn thương cột sống. Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và những cơn đau hành hạ nhưng cô vẫn quyết tâm bám đảo, mang kiến thức đến với học sinh. 30 năm dạy học trên đảo cô chưa hề bỏ lớp một ngày nào.

30 năm dạy học ở đảo
Ngày ngày, vượt qua những cơn đau nhức buốt, cô Trái vẫn đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho học sinh - Ảnh: P.K

Điểm Trường mầm non - tiểu học Tân Hiệp (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An, Quảng Nam) rợp bóng cây xanh nằm giữa những nếp nhà dân đơn sơ. Lớp học ghép của cô Trái có nhiều lớp như lớp 1, lớp 2. Mang trên người chiếc nẹp bó lưng, cô Trái đi từng bàn theo dõi và kiểm tra kết quả làm bài tập toán của học sinh lớp 2. Xong. Cô tiếp tục tiến đến dãy bàn học bên cạnh kiểm tra lỗi chính tả tiếng Việt của học sinh lớp 1. Đôi môi luôn mở nụ cười, giọng cô nhẹ nhàng giảng giải cho học sinh mắc lỗi. Thấy yên tâm với kết quả mà học sinh vừa tiếp thu, cô tiếp tục ra thêm một bài tập khác rồi tiến sang phòng học bên cạnh tiếp tục bài giảng cho học sinh lớp 5. Thấy chúng tôi băn khoăn, cô Trái cho biết: “Năm học này cô được phân công giảng dạy học sinh lớp ghép hai trình độ 1-2, còn lớp 5 là do cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc đảm nhiệm nhưng vì trong thời gian nghỉ thai sản mà không có giáo viên dạy thay nên nhà trường phân công giảng dạy thêm lớp 5 này. Mỗi buổi dạy hai lớp nhưng là do tổ chức cho học sinh học hai buổi/ngày nên buổi sáng dạy lớp ghép 1-2 chính, còn dạy phụ đạo cho học sinh lớp 5 và đến buổi chiều thì ngược lại”. 30 năm gắn bó với nghề trên đảo, cô Trái đã dạy cho hàng trăm đứa trẻ trên đảo biết cầm cây bút viết từng con chữ vững vàng. Cô nói những kết quả đó là món quà mà những người giáo viên có thể làm được để giúp các em vùng hải đảo vững bước hơn trên hành trình chinh phục con chữ, đánh đuổi cuộc sống nghèo khó.

Là người dân gốc đảo Cù Lao Chàm nhưng cô lấy chồng ở đất liền, hiện gia đình sinh sống ở Cẩm Thanh (TP.Hội An). 30 năm dạy học ở đảo cũng chừng đó năm không biết bao nhiều lần về nhà rồi ra đảo, vừa dạy học, vừa chăm lo, sắp xếp việc gia đình. Mang thân phận “một cảnh hai quê” lại cách trở sóng gió nhiều lúc muốn về thăm chồng con cũng không được, việc hiếu nghĩa bên gia đình chồng cũng chưa trọn vẹn, nhiều lúc khiến cô không khỏi tủi thân, lạc lỏng. Cô tâm sự: “Mỗi ngày đến trường được học sinh hỏi thăm, trò chuyện khiến cảm giác bệnh tật của mình nguôi ngoai dần và cũng chính vì các em mà mình đã suy nghĩ lạc quan hơn”.

Phan Khải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.