Nhiều người dân TP.HCM chờ ngắm ‘siêu trăng máu’ tuyệt đẹp qua… livestream

26/05/2021 19:25 GMT+7

Dịch Covid-19 cộng với thời tiết không thuận lợi khiến nhiều người dân ở TP.HCM cho rằng khó có thể ngắm trọn vẹn hiện tượng siêu trăng máu hiếm gặp . Nhiều người chờ đợi chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú này qua… livestream.

Theo NASA, tối 26.5, bầu trời Việt Nam sẽ xuất hiện cả siêu trăng máu và nguyệt thực toàn phần hiếm gặp. Đây là sự kiện được người người yêu thiên văn chờ đợi nhất trong năm.
Theo đó, siêu trăng xảy ra khi mặt trăng ở vị trí gần trái đất trên quỹ đạo đúng ngày trăng tròn, trông to hơn trăng tròn thông thường. Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi mặt trời, trái đất và mặt trăng xếp thẳng hàng, mặt trăng rơi vào vùng bóng tối phía sau trái đất và biến thành màu đỏ nên được gọi là “trăng máu”.
Trong tối nay quan sát từ trái đất, mặt trăng lớn hơn khoảng 14% và sáng hơn 30%. Lần siêu trăng này còn được biết đến với tên gọi Trăng Hoa do các bộ lạc bản địa châu Mỹ đặt, đây là thời điểm các loài hoa mùa xuân nở rộ khắp nơi. Nó cũng có tên gọi là Trăng Trồng Bắp hay Trăng Sữa.

Bầu trời TP.HCM chiều 26.5 nhiều mây khiến nhiều người lo ngại sẽ không ngắm được “siêu trăng máu”

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Nguyệt thực tối nay có thể quan sát được ở một vùng rộng lớn gồm Thái Bình Dương, phần phía Đông của Châu Á, Nhật Bản, châu Úc và phía Tây của Bắc Mỹ. Hiện tượng này kéo dài hơn 5 tiếng, bắt đầu lúc 15 giờ 47 phút (giờ Hà Nội) khi mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối của trái đất và chuyển sang màu đỏ nhạt. Khi vào giai đoạn toàn phần của nguyệt thực, thời điểm mặt trăng chìm hẳn vào bóng tối màu đỏ như máu bắt đầu từ 18 giờ 25 và kéo dài 14 phút 30 giây. Hiện tượng “siêu trăng máu” này sẽ kết thúc vào lúc 20 giờ 49 phút.
Tại Việt Nam, các tỉnh thành đều có thể quan sát được hiện tượng này nhưng không phải khu vực nào cũng có thể quan sát được vì nó xảy ra khi mặt trăng vừa mới mọc, còn đang rất thấp ở đường chân trời. Dù vậy, người yêu thiên văn vẫn có thể quan sát tốt nhất từ sau 18 giờ 30 phút ở phía đông, khi mặt trăng đã nhô lên khỏi đường chân trời.
Riêng tại TP.HCM, dự báo nguyệt thực đạt cực đại từ 18 giờ 18 phút và kết thúc vào 18 giờ 25 phút.
Do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn, Hội Thiên văn Hà Nội khuyến cáo người yêu thiên văn không nên tập trung đông người. Hội đang tổ chức livestream hiện tượng “siêu trăng máu” cho những người đam mê thiên văn trên khắp cả nước qua fanpage trên Facebook.

Ngắm “siêu trăng máu” qua livestream là lựa chọn của nhiều người dân TP.HCM trong thời điểm này, khi thời tiết không được thuận lợi và dịch bệnh diễn biến phức tạp

ẢNH: CAO AN BIÊN

Dù chưa đến thời điểm siêu trăng máu xuất hiện, tuy nhiên nhiều người dân ở TP.HCM đã “hóng” để được xem hiện tượng kỳ thú này. Thay vì ra công viên ngắm trăng như mọi khi, anh Thiên Phú (22 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) lại chờ xem “siêu trăng máu” qua livestream.
“Nhà tôi không có sân thượng, nên bị khuất tầm nhìn không thể ngắm trăng được. Nãy nhìn ra ngoài thấy cũng nhiều mây lắm, nghĩ chắc cũng khó. Trong mấy hội yêu thiên văn có chia sẻ những đường link phát trực tiếp hiện tượng này, nên tôi quyết định coi luôn ở phòng cho lành. Vừa tránh tụ tập nơi công cộng mùa dịch, vừa ngắm nhìn trọn vẹn”, anh Phú cho biết.
Tương tự Phú, anh Nguyễn Hữu Gia Nguyễn (26 tuổi, ngụ Q.4) cũng cho biết mình sẽ xem “siêu trăng máu” tối nay qua livestream. Nhìn trời nhiều mây, anh dự đoán khu vực của mình khó có thể ngắm trọn vẹn hiện tượng này.
“Cứ chờ coi sao, nhưng trước mắt cứ mở livestream thì chắc ăn hơn. Lát tôi nhìn ra ngoài thử, nếu ổn thì tôi vẫn lên sân thượng coi. Dù sao ngắm trực tiếp vẫn chân thực hơn”, anh Nguyễn bộc bạch.

Bạn Hồ Nguyệt Thảo háo hức chiêm ngưỡng “siêu trăng máu”, tuy nhiên trời nhiều mây khiến Thảo lo lắng

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Bạn Hồ Nguyệt Thảo (16 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) biết tới hiện tượng siêu trăng máu nhờ một người bạn trong lớp. “Mình vốn là người yêu thiên văn nên thực sự rất háo hức tới tối để được ngắm mặt trăng to tròn và đẹp. Tuy nhiên, nãy giờ mình đứng ở Nhà thờ Đức Bà thấy trời khá nhiều mây nên sợ rằng sẽ không được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn thú vị này. Mình đã chờ đợi khá lâu, nếu không được xem thì e là hụt hẫng lắm”, Thảo chia sẻ.
Trong khi đó, anh Hồ Nhật Nam (29 tuổi, ngụ Q.8) cũng có chung tâm trạng mong chờ. Anh nói rằng mình đã bỏ lỡ siêu trăng 2 lần vào đầu năm nay nên lần này muốn ra ngoài sớm một chút.
“Thấy bạn bè chia sẻ thông tin về siêu trăng máu từ vài ngày trước khiến tôi thích thú vô cùng. Mấy hôm nay trời mưa suốt nên chỉ lo tối nay không được chiêm ngưỡng hiện tượng này. May sao hôm nay không mưa, nhưng mây nhiều quá, không biết tối nay trăng có to và sáng hơn không. Nếu không chắc về mở điện thoại lên coi quá”, anh Nam cho biết.
Theo NASA, nếu bỏ lỡ lần nguyệt thực toàn phần hôm nay thì đến tháng 5.2022, người dân mới có thể chiêm ngưỡng lại hiện tượng này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.