Nhậu... ghi ta

23/10/2013 03:00 GMT+7

Đó là những cuộc gặp cuối tuần của một nhóm bạn, khi nhà này, khi nhà khác. Có mồi , có 'men' nhưng khá nhẹ nhàng vì thay cho 'khẩu lệnh' một hai ba… dzô là tiếng ghi ta êm êm ngòn ngọt.

 Nhậu... ghi ta
Minh họa: DAD

 

Giọng ca dĩ vãng

Những cuộc nhậu như vậy bắt đầu từ dạo anh Khâm mang cây ghi ta từ Sài Gòn về. Anh kể, tao có thằng cháu, con gái nó nằng nặc đòi mua oóc gan (organ), thải cây ghi ta này. Cây đờn còn mới, kêu hết sẩy. Thằng cháu biết tao là tay ghi ta hồi trẻ, nói chú lấy về dợt le với thím. Tao ưng bụng lắm nhưng giả đò màu mè, nói chú gần “lục thập” rồi, hổng biết chơi đờn có bị tiếng đời dị nghị không đây. Con vợ thạc sĩ văn chương của nó nói đờn không có tuổi. Đờn không làm tóc xanh lại nhưng làm trẻ trung tâm hồn. Với lại chú ôm đờn chớ ôm… gì mà sợ. Đời cần đờn nhưng đôi khi đời vẫn nói xấu đờn. Kệ! Hơi đâu.

“Tao cầm đờn dạo một hơi “Về miền Trung, miền thùy dương bóng dừa ngàn thông”… Hai vợ chồng nó hát theo, hay lắm. Vậy là tụi nó gầy luôn bữa tiệc rửa giùm đờn cho chú. Vợ chồng nó trẻ mà hát nhạc xưa hay ác chiến. Tao cũng xổ một mớ bô lê rô. Tụi nó… đưa tao lên mái nhà, nói ngón nghề của chú có dáng dấp “cung đàn xưa”, tiếng hát của chú thuộc“giọng ca dĩ vãng” mà ngọt hổng cơ quan nào chịu nổi. Trời ơi, tao nói bữa đó dzui gì đâu”, Khâm kể.

Anh chơi ghi ta từ thuở biết nhớ… người dưng. Thời học sinh không đồng xu dính túi. Vậy mà anh dám… phỉnh em N., “tài vụ” lớp 12A, đưa hết tiền quỹ để anh mua đờn. Cuối năm học thì vụ này “bể”. Bạn học xuề xòa với nhau, anh và N. được “tha bổng”. Hôm liên hoan ra trường, anh cho cả lớp một đêm bập bùng ghi ta đáng nhớ. Rồi chiến tranh, cả làng tứ tán chạy giặc. Anh thôi ghi ta từ đó.

Giờ nhìn anh cười cười, săm soi cây đờn còn mới tinh, mình vọt miệng nói anh rửa rồi mà cây đờn còn dính bụi tùm lum. Anh nói: “Mày yên chí, tối nay tao rửa nữa. 7 giờ. Mày “loa” nhé. Đứa nào tới trễ miễn tiếp. Chơi mà lề mề thì làm hổng có ra trò trống gì đâu”.

Nhóm phí: một con gà

Nhóm bạn hồi đó đứa nào cũng tập tành vài miếng ghi ta để... tán gái giờ quên gần hết. Ngón tay anh nào cũng sần sùi, thô ráp, bấm hợp âm sai lên sai xuống mà vẫn nói “đưa đờn tao làm chút”. Anh Khâm chọc quê, nói: “Tụi bay chỉ giỏi cầm ly, còn cầm đờn cứ như cầm khúc củi. Coi tao nè”.

Công nhận anh bỏ đờn đã lâu mà rảy rảy, búng búng, bùm bùm, chách chách nghe rất mùi tai. Anh em chuyền tay nhau cây ghi ta. Mỗi bản nhạc gợi lên một kỷ niệm. Bài này là “ruột” của thằng A. lúc nó tán con B. Bài kia là “vía” của thằng C. khi nó cua con S…

“Ai cũng tự uống, tự đờn, tự hát và tự… rống. Không nghe cãi lộn, chỉ nghe tiếng đờn… hiu hiu. Thấy mấy ông trẻ ra, nghệ sĩ lắm”, chị Nhiên, vợ anh Khâm, lần đầu khen anh em nhậu. Chị nói mỗi tuần làm một chút vầy thấy hay hè. Nhậu vậy vợ nào nhăn nhó? Còn cái kiểu chiều nào cũng “hú”, uống vô rồi to tiếng lớn lời thì nghỉ đi.

Anh Khâm âu yếm nhìn vợ, búng nhẹ mấy khúc “Ngày xưa hoàng thị” rồi “nổ”: “Bài này là bí kíp tán tỉnh của tao. Em ôm cặp đi qua nhà trọ, tao ôm đờn rỉ rả: “Em tan trường về, anh theo rề rề” là em lịm hồn ngay. Thừa nhận ghi ta ma mị thật, mà cũng nhờ chất giọng “sát gái chi ca” của tao nữa. Có đứa vờ hỏi “em” là ai. Anh nói mày hỏi thiếu… i ốt thế? Không là bà xã tao bây giờ thì ai vô đây?”.

Một bữa anh Khâm gọi điện nói tụi mình có uy lắm mày à. Con vợ thằng Dậu cuối xóm nói mấy anh cho chồng em gia nhập nhóm nhậu đờn ca với. Em xin nộp “nhóm phí” một con gà. Để ở ngoài, ổng uống linh tinh, chửi bậy bạ, em mang tiếng quá.

Trần Cao Duyên

>> Phụ cấp ăn nhậu
>> Chồng đi nhậu
>> Thuê người đẹp đi nhậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.