Nhật ký Blouse trắng - Kỳ 5: Những đứa con đặc biệt

12/11/2015 08:10 GMT+7

“Đâu rồi, Bảo, Ân đâu rồi, lại đây bác xem nào” - thầy thuốc ưu tú, bác sĩ nhi khoa Nguyễn Ngọc Lợi rất vui mừng khi thấy những đứa con đặc biệt của mình trở về ngôi nhà cũ.

“Đâu rồi, Bảo, Ân đâu rồi, lại đây bác xem nào” - thầy thuốc ưu tú, bác sĩ nhi khoa Nguyễn Ngọc Lợi rất vui mừng khi thấy những đứa con đặc biệt của mình trở về ngôi nhà cũ.

Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ nhi khoa Nguyễn Ngọc Lợi (giữa) kiểm tra sức khỏe cho các bé sơ sinh - Ảnh: Thúy HằngThầy thuốc Ưu tú, bác sĩ nhi khoa Nguyễn Ngọc Lợi (giữa) kiểm tra sức khỏe cho các bé sơ sinh - Ảnh: Thúy Hằng
Hết lòng chăm sóc trẻ sinh non
Đó là Giang Thiên Bảo và Giang Thiên Ân, cặp song sinh chào đời ngày 5.12.2014 khi mới 24 tuần tuổi, lần lượt nặng 500 - 600 gr, trường hợp sinh non ít tháng, nhẹ cân nhất VN. Nhờ sự chăm sóc không quản ngày đêm của Thầy thuốc Ưu tú - bác sĩ nhi khoa Nguyễn Ngọc Lợi và các y bác sĩ của trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh thuộc Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bảo và Ân đã được xuất viện sau 93 ngày. Hai em bé nặng lần lượt 2.250 gr và 2.350 gr, đã bú mẹ được trong niềm hạnh phúc dạt dào của cả gia đình.
“Năm 2010, chúng tôi cứu sống một bé sơ sinh 500 gr, song đó là trường hợp mang thai tự nhiên, 25 tuần. Còn trường hợp Ân và Bảo là thụ tinh trong ống nghiệm, 24 tuần. Trong y học, tuổi thai chỉ hơn nhau 1 ngày đã là sự khác biệt, ở đây là 1 tuần. Áp lực của chúng tôi là làm sao phải cứu được cả hai cháu bé. Đó là lương tâm, là trách nhiệm. Đến ngày các cháu ra viện, người nhà mừng vui, chúng tôi vẫn còn... nín thở”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi nhớ lại những ngày căng thẳng của gần 1 năm về trước.
Gắn bó với Bệnh viện Phụ sản trung ương 11 năm, song Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Ngọc Lợi theo đuổi công việc của một bác sĩ nhi khoa đến nay đã 34 năm. Bác sĩ Lợi vẫn nhớ rõ những bệnh nhi đặc biệt, sinh non, nhẹ cân... chào đời và cất những tiếng khóc đầu tiên trong vòng tay mình.
Đến bây giờ, cháu bé tên Gái, chào đời khi thai mới 25 tuần tuổi, ngày mới chào đời nặng 500 gr vẫn là một bệnh nhi đặc biệt của bác sĩ Lợi. Ông kể, ngày mẹ cháu bế cháu vào bệnh viện lúc 5 tuổi, ông ngỡ ngàng. Bé Gái ngày nào lọt thỏm trong bàn tay của ông giờ đã là một bé gái mũm mĩm, trắng trẻo. 5 tuổi, cháu nặng hơn 20 kg. “Chắc chắn ngày cháu đi lấy chồng hay những dịp trọng đại trong đời, bố mẹ cháu vẫn gọi đến tôi như một người cha đặc biệt”, bác sĩ Lợi xúc động.
Ngày đêm bận rộn
Khoảng 12 giờ trưa một ngày tháng 11, trong căn phòng rất nhỏ ở cuối hành lang của Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản trung ương, những nữ bác sĩ và y tá đang dùng bữa trưa gọn nhẹ. Cơm có tôm, rau, lạc rang, canh dưa chua, những bát cơm ăn vội vàng để mỗi người có thêm vài phút tranh thủ chợp mắt.
Trên đường đến phòng kiểm tra sức khỏe các em bé, bác sĩ nhi khoa Nguyễn Thu Hoa, gắn bó với công việc nhi khoa 24 năm kể lại một kỷ niệm hồi mấy tháng trước: “Một bệnh nhi bỗng nhiên tím tái, cháu phải đưa vào thở máy, bố cháu quá hốt hoảng và ngất xỉu, chúng tôi vừa phải cấp cứu cả bố và con”.
Công việc chăm sóc, điều trị những em bé sinh non, thiếu tháng, thiếu cân ở Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh khiến 23 bác sĩ, 50 y tá và nhiều kỹ thuật viên ở đây lúc nào cũng bận rộn túi bụi. Trung bình, mỗi ngày ở đây chăm sóc khoảng 200 bé sơ sinh, đa phần là các bé dưới 1.500 gr, các bé được sinh ra trong điều kiện đặc biệt, nhiều ca là hy hữu. Nhiều cháu bé có mẹ bị sản giật, rau tiền đạo, HIV, suy tim, suy gan, suy thận, mẹ bị bại liệt từ 3 tuổi nhưng vẫn sinh con, những bà mẹ 46 tuổi vẫn sinh con hay hy hữu là mẹ bị tai nạn giao thông phải cấp cứu khẩn cấp để cứu con.
Theo Thầy thuốc Ưu tú - bác sĩ nhi khoa Nguyễn Ngọc Lợi, em bé sinh non dưới 32 tuần tuổi luôn luôn có nguy cơ bị đe dọa bệnh võng mạc, nếu không can thiệp sớm dễ bị mù. Trẻ sinh non, cân nhẹ, nhiều bệnh nhi bị nhiễm trùng máu do mẹ bị viêm nhiễm vùng kín trong quá trình mang thai...
“Tất cả những vấn đề trên là những thách thức với các y bác sĩ. Trung tâm làm việc 24/24 trong 365 ngày. Vì để trẻ ngừng thở 18 giây là vấn đề sinh lý nhưng để các cháu ngừng thở 20 giây đã là vấn đề cấp cứu”, theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.