Nhà xuống cấp nhưng vẫn dồn tiền xây nghĩa trang cho... người dưng

15/01/2018 09:32 GMT+7

Mặc căn nhà của gia đình đang xuống cấp, ông Trần Xuân Nghiêm (xã Nghi Vạn, H.Nghi Lộc, Nghệ An) vẫn dồn tiền để cất bốc và quy tập hàng trăm ngôi mộ vô chủ trên nhiều cánh đồng về khu nghĩa trang của địa phương.

Thuyết phục mãi, ông Nghiêm mới đồng ý kể cho tôi câu chuyện ông bỏ tiền cất bốc mộ người dưng, xây nghĩa trang cho họ. Ông nói, đây là việc làm xuất phát từ tâm, không muốn cho nhiều người biết.
Lo xây mộ người dưng hơn sửa nhà mình
Buổi chiều mùa đông lạnh giá, ông Nghiêm ngồi bên ấm chè xanh còn bốc khói đặt trên chiếc bàn trước hiên nhà, vui vẻ tiếp tôi. “Thôi, để tui kể cho chú nghe, chuyện cũng dài lắm”.
Theo lời ông Nghiêm, ngôi làng Thượng Lộc (xã Nghi Vạn) - nơi ông đang sinh sống, vốn là cánh đồng hoang. Tuy không phải là nghĩa địa, nhưng từ nhiều đời nay, nơi đây chỉ dùng vào việc chôn cất người chết của người dân trong vùng. Năm 1978, ông Nghiêm đi bộ đội về, lấy vợ rồi được xã cấp đất ra khu vực bãi hoang này làm nhà ở riêng. Nhiều người ở địa phương cũng được chính quyền cấp đất ở tại khu vực này.
“Lúc đó, nhiều người ra đây dựng nhà ở nhưng hết sức lo lắng, bất an bởi dưới lòng đất có rất nhiều ngôi mộ vô chủ. Nhiều hộ gia đình phải chấp nhận cảnh người sống “ở” cùng người chết. Trong đó, có hộ làm nhà xong rồi, ở được một thời gian thì nghi phía dưới có mộ nên đào nền nhà lên, phát hiện 2 - 3 ngôi mộ nằm ngay dưới chỗ đặt giường. Ngoài đồng thì nhiều mộ lắm, góc ruộng nào cũng có”, ông Nghiêm kể.
Thấy cảnh những ngôi mộ không người thân chăm sóc bỏ hoang lạnh bên những bờ ruộng ngập ngụa bùn, rồi ở góc vườn, rìa làng bị trâu bò xéo nát, ông Nghiêm có ý định sẽ cất bốc để quy tập về nghĩa trang của làng. “Họ đã chết nhưng không có nơi an nghỉ cho yên, không ai hương khói. Nhìn rất thương! Nghĩ vậy, nhưng do khó khăn quá, ăn chưa đủ nên tui chưa dám làm mà chỉ nuôi hy vọng một ngày nào đó mình sẽ làm được”, ông Nghiêm nhớ lại.
Năm 2013, con trai ông Nghiêm đang lao động ở nước ngoài gửi về cho vợ chồng ông 50 triệu đồng để sửa lại ngôi nhà đã cũ. “Có tiền, tui bàn với vợ khoan sửa nhà, mà nên làm nghĩa trang để cất bốc hài cốt những người đã khuất đang nằm nơi góc ruộng lạnh lẽo trước, còn nhà tính sau. Bà ấy ủng hộ. Bà ấy còn nói, nhà mình cũ nhưng vẫn còn ở được, người sống thì tự xây được nhà cho mình chứ người đã chết có ai tự xây mộ cho mình được mô. Thôi ông cứ lo việc của ông trước đi”, ông Nghiêm nhớ lại.
Xây nghĩa trang cho người dưng1
Khu nghĩa trang được xây dựng ngăn nắp, sạch sẽ Ảnh: K.Hoan
Sau hôm đó, ông Nghiêm đến từng nhà trong làng để thuyết phục, vận động người dân cùng đi bốc mộ với mình. Do không có tiền để trả tiền công nên ông Nghiêm nấu cơm mời những người làm cùng để trả ơn. Thấy việc làm có ý nghĩa, nhiều người dân trong làng ủng hộ ông. Ông Nghiêm bỏ tiền ra mua gạch, đá, xi măng, tiểu sành, chọn khu đất nằm cạnh nghĩa trang của làng để xây nghĩa trang riêng cho những ngôi mộ bỏ hoang. Địa phương cũng đã đồng ý cho ông xây nghĩa trang này.

Bà ấy còn nói, nhà mình cũ nhưng vẫn còn ở được, người sống thì tự xây được nhà cho mình chứ người đã chết có ai tự xây mộ cho mình được mô

Ông Trần Xuân Nghiêm

Một ngày đầu đông năm 2013, ông Nghiêm và gần 50 người dân làng Thượng Lộc vác cuốc, xẻng ra đồng. Họ chia nhau thành từng tốp đi tìm các ngôi mộ hoang trên bờ, dưới ruộng lâu nay để cất bốc. Bà Phạm Thị Dương, vợ ông Nghiêm, cùng những phụ nữ trong xóm nấu nướng, sửa soạn bữa trưa và bữa tối cho những người đi cất bốc mộ. “Ngày hôm đó, chúng tôi cất bốc được 30 ngôi mộ vô chủ, không xác định người thân. Tui rất mừng!”, ông Nghiêm nhấp ngụm nước chè xanh kể tiếp. Ông mua vải vóc, tự tay mình và người làng khâm liệm, thuê thợ xây mộ. Xây xong 30 ngôi mộ khang trang, bên ngoài ốp gạch men, 50 triệu đồng cũng hết.
Hết tiền, nhưng mộ vô chủ còn nhiều, vì vậy ông bàn với vợ gọi điện cho con trai nhờ “chi viện” thêm. Bấm điện thoại cho con trai ở nước ngoài, ông báo đã cất bốc, xây xong 30 ngôi mộ và đang cần khá nhiều tiền để cất bốc tiếp, vì trên các cánh đồng của làng Thượng Lộc và các xóm 8, 9, 10 trong xã còn nhiều mộ hoang, không ai chăm sóc. Con trai hiểu lòng ông nên ủng hộ ngay. “Nó nói con sẽ gửi tiền về và sẽ kêu gọi thêm người quen, bạn bè bên này đóng góp thêm. Cha cứ yên tâm mà làm”, ông Nghiêm kể. Hơn tháng sau, con trai gửi tiền về, ông lại tiếp tục nhờ người đi bốc mộ và lần này cất bốc được thêm 70 ngôi mộ.
Thấy mộ hoang ngoài đồng vẫn còn nhiều, một mình khó gánh vác hết công việc tốn kém này, nên ông Nghiêm đến bàn với anh trai mình là ông Trần Xuân Tiềm và người em là ông Trần Xuân Liêm cùng làm việc thiện và được cả hai người sẵn sàng giúp sức. Ba anh em ông Nghiêm góp tiền, kêu gọi con cháu hỗ trợ thêm cùng với người làng bỏ công cất bốc mộ, quy tập mộ về nghĩa trang. Mấy tháng sau, khu nghĩa trang đã có gần 500 ngôi mộ được cất bốc về đây chôn cất.
Ngủ ngon khi người dưng mồ yên, mả đẹp
Khu nghĩa trang của giáo xứ Thượng Lộc nằm ở cuối làng, chỉ cách nhà dân cái hàng rào. Phía tây nghĩa trang là khu mộ được ông Nghiêm chủ trì cất bốc từ những cánh đồng về đây chôn cất. Những dãy mộ không xác định được tên tuổi nên không gắn bia, được xây cất gọn gàng, ngăn nắp, ngay hàng thẳng lối. Trên nền bê tông rộng chừng 700 m2, cao cách mặt đất khoảng 25 cm là các dãy mộ. Mỗi hàng mộ có 22 ngôi, tổng cộng gần 500 mộ. Hơn nửa số mộ này đã được ốp gạch men, số còn lại được sơn màu xanh lá cây. Ông Nghiêm nói, khi làm đến đây thì tiền cũng hẻo dần nên không ốp gạch men được, phải dùng sơn nước.
Giữa khu nghĩa trang là một bàn thờ chung có một bát hương lớn và hai bình hoa để hai bên. Trong bình, những bông hoa vẫn còn tươi sắc. Ông Nghiêm nói, khi khu nghĩa trang nhỏ này hoàn thành, những nấm mồ hoang lạnh nằm khắp nơi trên các cánh đồng được đưa về đây yên nghỉ ở nơi cao ráo, dù không biết họ là ai, nhưng ông cảm thấy vui và ngủ ngon giấc.
Năm 2014, căn nhà cấp 4 cũ kỹ sắp sập, ông Nghiêm mới quay sang lo việc nhà mình. Ngoài tiền con trai làm lụng gửi về, ông phải đi vay tiền để làm lại ngôi nhà mới. “Nói thật, lúc đó khó khăn nhưng quá trình làm nhà, mọi việc đều rất thuận lợi. Tui nghĩ, có khi linh hồn những người mà tui đã xây mộ thương và phù giúp cho mình”, người đàn ông 62 tuổi nói.
Buổi chiều mùa đông, sắc màu tươi tắn của khu nghĩa trang như xua tan không khí ảm đạm, lạnh lẽo ở chốn hoang âm này. Ông Nghiêm len lỏi đi bên những dãy mộ. Dáng người đàn ông đã qua tuổi lục tuần cao gầy, rắn rỏi. Với ông, hạnh phúc là làm được một việc thiện gì đó cho người khác, kể cả người đã khuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.