Nhà sưu tầm báo chí có một không hai

19/06/2005 22:09 GMT+7

Trốn vợ mỗi ngày khoảng 10 lần, mỗi lần nửa giờ đồng hồ... suốt hơn 20 năm qua như vậy chỉ để làm một chuyện: đọc hàng đống sách, báo, tạp chí rồi cẩn thận cắt dán, lưu lại những tin, bài hay theo một chủ đề chọn sẵn. Giờ đây, khi đã bước vào buổi xế chiều, ông dược sĩ già ấy nói với chúng tôi rằng niềm vui lớn nhất mà ông vừa tìm thấy là đã có nơi chịu nhận giữ khối tư liệu báo chí đồ sộ ấy để cho các thế hệ mai sau sử dụng.

Bí mật của người vợ

Biền Vũ là bút hiệu khi ông viết bài cộng tác cho một vài tờ báo liên quan đến lĩnh vực thuốc, sức khỏe, còn "tên cúng cơm" của ông là Bùi Văn Quế, năm nay 65 tuổi, có một tiệm thuốc tây ở đường Trần Huy Liệu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ông kể rằng, thời còn là đứa trẻ con ông đã vừa đi học vừa phải phụ giúp gia đình. Cha ông lúc đó là chủ tiệm giặt ủi Long Thành tại số 89 Thạch Thị Thanh, Q.1. Hằng ngày, sau giờ học thì "nhiệm vụ" của cậu thiếu niên Quế trong tiệm giặt ủi là "ngồi chơi và chờ nghe sai việc vặt". Ngồi chơi thì chán, cậu loay hoay với những tờ nhật trình để xem hình và đọc những chuyện vui. Một hôm, những người thợ ủi đồ trong tiệm đề nghị: "Cậu chủ ơi, báo hôm nay có gì hay không đọc to lên cho nghe với". Nghe Quế đọc báo hôm trước, hôm sau những người thợ đã bắt đầu thấy "ghiền" và thế là họ quyết định không "sai vặt" cậu nữa mà dành nhiều thời gian để theo dõi tin tức thời sự hằng ngày qua giọng đọc của cậu. Quế trở thành "điểm báo viên" của tiệm giặt ủi như vậy và không ngờ sự việc này đã ảnh hưởng lớn đến những việc cậu làm sau này.

Vào Đại học Dược Sài Gòn, Quế tiếp tục là một "con nghiện" tin tức thời sự và hằng ngày phải cắt giảm chi tiêu cho ăn mặc để dồn cho báo chí. Gặp những tin bài hay, Quế sợ mình đọc rồi lại quên mất nên lấy kéo cắt ra cho vào những bìa sơ-mi kẹp lại. Và "nhà sưu tầm tư liệu báo chí có một không hai" ở Sài Gòn đã ra đời từ đó. Nhưng rồi dù muốn hay không, khi có một người phụ nữ bước vào cuộc đời thì hệ thống trật tự vốn dĩ thường "lộn xộn" của người đàn ông cũng phải bị phá vỡ. Số phận của "nhà sưu tầm tư liệu báo chí" Bùi Văn Quế cũng không tránh khỏi quy luật đó. Trở thành người chủ của một gia đình 2 con, cái sự "nghiện sưu tầm" chẳng những không đem lại lợi ích kinh tế gì trước mắt mà còn tiêu tốn thời gian và tiền bạc, nếu không khéo sẽ là một "quả bom nổ chậm" có thể phá vỡ hạnh phúc gia đình bất cứ lúc nào nên dược sĩ Bùi Văn Quế bắt buộc phải "cai". Nhưng ông cũng chỉ "cai" được vài năm, sau đó thì tái phát lại và "nghiện" nặng hơn. Sự kiện đó xảy ra cách đây hơn 20 năm, trong một lần đến chơi nhà người cháu, ông thấy người cháu đang gom mấy chồng sách báo cũ định bán ve chai. Cảm thấy "ngứa ngáy" nên ông đã quyết định lén vợ, xin đống ve chai đó về cất giấu. Và cũng từ đó, ông trở thành một kẻ "ngoại tình" thường xuyên, liên tục cho đến nay và vẫn đinh ninh rằng "bà nhà chưa biết". Hôm đầu tiên tiếp xúc với chúng tôi ở kho tư liệu tại căn nhà trên đường Thạch Thị Thanh, cử chỉ của ông đã khiến chúng tôi phải sinh nghi và linh cảm một điều gì đó không bình thường. Đang thao thao thuyết minh những tư liệu về phong tục tập quán, đường sá, chùa chiền, chợ... trong tập Sài Gòn xưa và nay cho chúng tôi nghe thì vợ ông từ tiệm thuốc gọi điện sang tìm. Ông nhấc ống nghe bằng giọng rất ấp úng và ra hiệu cho chúng tôi tuyệt đối im lặng để đầu dây bên kia không phát hiện "có người khác" đang ở bên cạnh. Rồi đến lần hẹn thứ hai, khi chúng tôi cần ông giải thích thêm một số tình tiết chưa rõ trong tập tư liệu về lĩnh vực sân khấu cải lương thì ông... đổi hẹn 2 lần. Cuối cùng, khi chúng tôi có mặt đúng hẹn tại tiệm thuốc ở đường Trần Huy Liệu thì ông không mời vào nhà mà lại "móc" nhỏ: "Ra quán cà phê Bích Câu nói chuyện cho tiện". Đến quán cà phê thì chúng tôi không còn "nhịn" được nữa nên đã hỏi thẳng: "Hình như ông không muốn cho bà nhà biết chuyện ông đang làm?". Ông liền "chộp" lấy ngay: "Đúng! Đúng. Bà ấy không thích đâu, bà ấy rầy tôi chết, tôi đã giấu bà ấy mấy chục năm nay mà". Chúng tôi nói rõ quyết tâm "công khai hóa" mọi chuyện và sẽ trực tiếp đến gặp "bà nhà" để hỏi thêm thì vẻ mặt ông chùng xuống. "Nếu buộc phải vậy thì các anh ghé đi, nói rằng tôi bận đi công việc một chút, tôi sẽ tránh mặt ở đây" - ông nói với chúng tôi như vậy bằng một giọng rất buồn.

Sau hơn 20 năm sưu tầm, dược sĩ Bùi Văn Quế đã có một kho tư liệu đồ sộ, tập hợp trong 80 chuyên mục, bao gồm: 3.000 trang (loại khổ giấy A4) về đất nước Nhật Bản, 3.000 trang về đất nước Trung Quốc, 1.600 trang về Hàn Quốc, 800 trang về Thái Lan, gần 2.000 trang về nước Mỹ... Đặc biệt ông thích thú với "gia sản" mấy chục ngàn trang tư liệu về Sài Gòn (tổng cộng khoảng 200 cuốn, mỗi cuốn 200 trang), gần 30 cuốn tập hợp những tư liệu liên quan đến lĩnh vực sân khấu cải lương, cùng bộ sưu tập về dòng họ Bùi đầy thú vị...

Dược sĩ Quế bên chồng tư liệu - (ảnh: T.T)

Thế nhưng trái với những lo lắng của ông, "bà nhà" đã tiếp chúng tôi bằng cái nhìn rất nhân hậu và tiết lộ: "Tôi biết hết chứ, suốt cuộc đời ông ấy chỉ mê có mỗi việc đó thôi, không quan tâm và cũng không thích chuyện làm ăn. Dù có lúc cũng rất giận nhưng tôi biết đó là đam mê của ông, cũng có ý nghĩa riêng của nó, tôi rất tôn trọng"...

Duyên nợ với báo chí

"Bổn phận nhà báo các anh là phải kiếm cái để người ta đọc, còn tôi thì tìm kiếm thu thập tư liệu từ báo chí để cho con cháu mai sau có cái mà xem" - ông nói với chúng tôi như vậy và khẳng định rằng mình có "duyên nợ" với báo chí, sẽ làm công việc sưu tầm báo chí cho đến khi nào chết mới thôi.

Lướt qua tập Sài Gòn xưa qua sách báo của ông, chúng tôi gặp lại những trang thời sự của các bậc cha anh trong làng báo trước đây và cảm nhận mọi thứ như vẫn còn "nóng hổi". Từ Thị trường lúa gạo Sài Gòn thời Pháp (tác giả Nguyễn Phan Quang), Ngạch trật quan lại Sài Gòn (tác giả Lê Nguyễn), Đất Chợ Lớn sau khi tách khỏi Sài Gòn có giá hơn (tác giả P.Vial), Bóng bàn Sài Gòn với những ngôi sao vụt sáng (tác giả Anh Thuận)... đến Hệ thống tham nhũng của Ngô Đình Cẩn ở Sài Gòn (tác giả Đỗ Mậu), Người tiên phong đưa Sài Gòn mở cửa... Không phải ông "bê nguyên xi" tất tần tật những bài báo viết về một chủ đề nào đó để đưa vào bộ sưu tập theo từng chủ đề mà bằng góc nhìn của một độc giả khó tính và nhiều kinh nghiệm, ông đã chọn lọc và "gác" lại những bài mình tự cho là "không hấp dẫn". Và chính "dấu ấn biên tập" ấy đã làm tăng thêm giá trị bộ sưu tập của ông.

Ai cũng biết báo in là thứ rất mau "nguội" và mất giá. Những người bán báo dạo ý thức rất rõ điều đó nên rao rất to và sáng sớm ra thì phải lo vắt chân lên cổ chạy, nếu không sẽ phải "ôm sô", cụt vốn. Ngẫm lại "sự nghiệp cắt, dán" của mình, dược sĩ Quế cũng ý thức rằng "bây giờ những tư liệu này có thể là bình thường, không ai chú ý". Nhưng mục đích mà ông hướng tới là chuyện của "hàng chục, hàng trăm năm sau". Lưu lại những tấm ảnh đăng trên các báo về chuyện đường sá xuống cấp, sân trường biến thành sông sau một cơn mưa, rồi cảnh kẹt xe giữa trưa nắng... ông cũng chỉ nghĩ đến một điều là TP.HCM trong nhiều năm nữa chắc chắn sẽ không còn những cảnh ấy trong thực tế. Và chính vì điều đó mà những tư liệu của ông sẽ trở nên "có giá" cho con cháu sau này.

Dược sĩ Quế không có ý định mở một thư viện cá nhân, song những tư liệu của ông đã hấp dẫn nhiều người tìm đến tham khảo, tra cứu. Các sinh viên làm luận văn tốt nghiệp đi "săn lùng" tài liệu cuối cùng cũng được hướng dẫn đến nhà "chú Quế"; phóng viên làm chuyên đề ở TP.HCM cũng sang gặp ông để tìm kiếm tư tiệu... Phần lớn họ biết được ông là nhờ sự giới thiệu của các nhân viên Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM. Và giờ đây, "cái quan trọng" đối với ông là đã có một số nơi đồng ý tiếp nhận khối tư liệu khổng lồ đó để lưu lại phục vụ cho việc tra cứu chung của mọi người. Ông tâm sự: "Không còn chỗ để chứa nó nữa, cũng không biết rồi đây ai sẽ kế nghiệp mình, nhưng như thế thì đúng là tôi cũng quẳng được gánh lo". Trong một văn bản đánh máy đã cũ có tiêu đề Thơ và trả lời của các cơ quan gửi đến cho nhà sưu tầm Bùi Văn Quế, chúng tôi đếm được 30 tập tư liệu rất quan trọng mà ông sưu tầm đã được gửi bản sao đi tặng các nơi liên quan trong khoảng thời gian chưa đầy 3 năm. Chẳng hạn 2 bộ trong tập Sài Gòn xưa và 1 bộ HIV/AIDS; 2 bộ trong tập Cải lương xưa và nay; bộ 2 trong tập Kinh tế thế giới...

Có người cho rằng ông bị "cuồng tín" với việc sưu tầm báo chí, còn ông thì khẳng định báo chí là "cái duyên" của mình.

Ký sự của Võ Khối - Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.