Nhà máy giấy Lee & Man “đè” dự án trồng rừng: Lựa chọn sai lầm

01/07/2016 08:14 GMT+7

Bài Nhà máy giấy Lee & Man “đè” dự án trồng rừng đăng trên Thanh Niên ngày 30.6 đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Bài Nhà máy giấy Lee & Man “đè” dự án trồng rừng đăng trên Thanh Niên ngày 30.6 đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Rất tiếc !
Một cơ hội cho hàng triệu người dân ĐBSCL lại bị vuột mất khi dự án trồng rừng của Nhật rất khả thi như thế lại bị Nhà máy giấy Lee & Man “đè” mất. Trong 2 phương án này, thì dự án của Nhật đầu tư đã tính hết những mối lợi đem đến cho người dân các tỉnh ven sông Hậu. Nhưng không hiểu sao lại nảy sinh ra cái dự án đe dọa làm “chết” ĐBSCL như thế. Ai sẽ có lợi khi cho phép Lee & Man đầu tư? Tiếc quá!
Nguyễn Dũng
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Bỏ lợi tìm hại
Những mối lợi cho người dân và nền kinh tế mà các chuyên gia phân tích trong bài báo khi đồng ý cho Nhật đầu tư là rất rõ ràng. Còn những nghi vấn đối với Lee & Man khi đầu tư nhà máy giấy là hoàn toàn có cơ sở. Không thể nói nhập khẩu nguyên liệu vào VN rồi đặt nhà máy sản xuất giấy, vì giá thành sẽ rất cao. Bài toán này theo tôi có vẻ như đi ngược với nguyên lý kinh tế sơ đẳng. Vậy Lee & Man cần gì ở ĐBSCL? Tại sao lại bỏ lợi tìm hại như thế?
Ngọc Huy
(H.Bình Chánh, TP.HCM)
Nguy hại quá !
ĐBSCL đang đối diện với rất nhiều diễn tiến xấu về biến đổi khí hậu và đặc biệt là nguồn nước sông Mê Kông bị chặn dòng, gây ra quá nhiều hệ lụy cho cuộc sống người dân. Bây giờ lại phải đối mặt với một nhà máy giấy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như vậy, thì làm sao dân sống nổi. Trong khi Thủ tướng và các bộ ngành, địa phương đang hạ quyết tâm để chuyển dịch cơ cấu kinh tế ĐBSCL, thì các tỉnh ven sông Hậu lại phải đối phó với các nhà máy “lạ lùng” này. Nguy hại quá!
Trần Giả
(H.Định Quán, Đồng Nai)
Phải kiên quyết
Bất kể một dự án nào, bất kể của nhà đầu tư trong hay ngoài nước mà có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nguồn nước thì phải kiên quyết rút giấy phép. Một đất nước luôn cổ súy cho việc bảo vệ môi trường, và khuyến khích mọi người dân, kể cả trẻ nhỏ phải làm cho môi trường trong lành xanh sạch hơn, thì không lý gì lại để tồn tại những nguy cơ tổn hại môi trường. Chúng ta muốn phát triển kinh tế, nhưng không có nghĩa là bất chấp, là đánh đổi cả môi trường sống của người dân.
Nguyễn Văn Trung
(TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
 
Tôi xin cảm ơn những chuyên gia, nhà báo đã có những phân tích sâu sắc về “hiện tượng Nhà máy giấy Lee & Man” trong thời gian qua. Ở ĐBSCL có Trường đại học Cần Thơ và nhiều trường đại học khác quy tụ nhiều thầy cô, đồng thời là chuyên gia về môi trường rất giỏi. Hy vọng các vị sẽ lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ môi trường ở khu vực này. Phát triển kinh tế phải bền vững. Đừng hy sinh mọi thứ bằng mọi giá để kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế rồi hủy hoại môi trường.
Võ Thị Phương Mai
(Q.8, TP.HCM)
Với ĐBSCL, tài nguyên nước là vô cùng quan trọng. Dòng Mê Kông đang cạn dần do đầu nguồn bị chặn làm thủy điện. Dòng chảy bị thay đổi, cá tôm thưa dần. Đã vậy, nguồn nước còn bị ô nhiễm bởi nhà máy giấy nữa thì vựa lúa, vựa trái cây của cả nước liệu có còn không? Hãy cùng nhau góp sức bảo vệ ĐBSCL!
Trần Văn Lời
(TP.Long Xuyên, An Giang)
An Phong - Duy Khang
(thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.