Người vợ suy thận 'trốn' vào Sài Gòn sống bất cần: Tình yêu đi tìm, níu chị lại

09/07/2020 12:54 GMT+7

Cùng chồng nắm tay nhau qua bao bão giông vì suy thận tưởng chừng không thể sinh con, chị Bích thấy an ủi phần nào về cuộc sống viên mãn. Trong chị, khát khao làm mẹ chưa bao giờ nguôi ngoai.

23 tuổi: Suy thận và bế tắc 
Cuộc đời người phụ nữ trải qua vô vàn những nấc thang cảm xúc. Chị Hoàng Ngọc Bích (quê Hà Nội, hiện sống ở TP.HCM) bảo, đời mình giống như một cuốn tiểu thuyết nhiều chương. Tưởng chừng câu chuyện dài ấy đã là dấu chấm hết cách đây 20 năm. Vậy mà giờ ngồi nhìn đứa con gái, chị mỉm cười tự nhủ: “Tôi sai rồi, sau dấu chấm xuống dòng là những cung bậc dạt dào hạnh phúc tận cùng, để rồi tôi tự tin an ủi mọi người rằng đời mình bây giờ là những dấu ba chấm xuống dòng và viết tiếp những chương tiếp theo của cuộc đời mình. Đời tôi còn dài mà tôi chưa biết hồi kết".
23 tuổi, chị Bích sống trong niềm hạnh phúc của tuổi trẻ khi kết hôn với người bạn “thanh mai trúc mã” cùng chị cả một thời học trò sôi nổi. Cuộc sống hôn nhân mở ra vô vàn dự định, song bi kịch đổ ập đến. Chị mang thai đứa con đầu được 5 tháng thì bị nhiễm độc thai, phù phổi cấp và mất đứa con đầu tiên. Chị Bích nhớ mãi, đó là năm 2001.
Từ đó chị nhận thêm hung tin, mình mắc suy thận giai đoạn 2, đồng nghĩa căn bệnh tước đoạt quyền làm mẹ mãi mãi. Trong lúc tuyệt vọng, chị Bích đã lẳng lặng bước lên chuyến tàu rời Hà Nội, chị “bỏ trốn” vào Sài Gòn.
Ở tuổi 25, người con gái Hà thành nghĩ rằng cuộc đời mình là một dấu chấm hết, chị không chạy thận, sống bất cần và mong muốn làm những điều tự do, những điều mình thích.

Vực dậy khát khao được sống

Nào ngờ 6 tháng sau, người chồng vào Sài Gòn tìm chị, bằng tất cả yêu thương đã vực chị dậy. Mỗi ngày họ viết nên một câu chuyện cổ tích tại khoa Thận nhân tạo Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM). Chị Bích chạy thận, chồng đi làm cứ chiều tối lại gặp, chị khát khao được sống. 

Đứa con của chị Bích là niềm ủi vô bờ đối với người mẹ đã ròng rã 20 năm đối mặt sinh tử vì bệnh tật

ẢNH: NVCC

“Cuộc sống hai vợ chồng vui lắm, song thật sự thiếu đứa con nhà đôi khi trống vắng lắm”, chị Bích nhớ lại lúc đó. Năm 2007, chị Bích suy thận giai đoạn cuối, lại một lần nữa chị rơi vào tuyệt vọng. Rất may, lúc này mẹ chị xét nghiệm có chỉ số hòa hợp nên đã hiến cho chị một quả thận.
“Thực sự lúc đó trong mình vẫn ấp ủ, khát vọng có 1 đứa con mới tiến hành ghép thận chứ thật sự nếu chỉ để sống thôi mình không nhận quả thận ấy của mẹ”, chị Bích tiết lộ điều bấy lâu nay không nói.
Một tháng sau khi được ghép thận từ mẹ, quả thận bắt đầu đào thải, bác sĩ phải chiến đấu không ngừng nghỉ để giữ quả thận cho chị. Nếu lúc này thận hư, chị Bích coi như rơi vào cái hố sâu tận cùng của tuyệt vọng, bao ấp ủ trong chị coi như tan thành mây khói. May mắn đã đến khi chị rời viện trở về nhà sau nỗ lực của bác sĩ.

Cái nắm tay cứu rỗi

Bẵng một thời gian trở về cuộc sống bình thường, mỗi tháng chị Bích chỉ đến BV kiểm tra sức khỏe 1 lần thay vì chạy thận 3 lần/tuần như trước. Tình cờ một buổi sáng, chị Bích gặp lại bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, người điều trị cho chị. Trong lúc thân mật, vị bác sĩ nắm tay động viên bệnh nhân, nào ngờ cái nắm tay “định mệnh” ấy đã cứu sống chị Bích.
“Buổi sáng ấy, bác sĩ Thu nắm tay tôi và bảo: “Sao tay em nóng thế, em cần đi chụp X-Quang phổi kiểm tra ngay cho chị”. Ừ, thì bác sĩ bảo sao thì làm vậy, mình tin bác sĩ mình, song chụp phổi thấy vẫn bình thường và mình trở về nhà”, chị Bích nhớ mãi cái khoảnh khắc nắm tay ấy.
Hôm sau, chị được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng suy phổi, tấm phim chụp X-quang hôm nay lại khác, dường như con virut nào đó đã tấn công, ăn gần hết phổi, phổi trắng xóa. Bệnh nhân rơi vào hôn mê. Trong cơn hôn mê, chị Bích đã từng thấy mình đã rất gần với Thần chết.
Trong căn phòng ấy, chị và một bệnh nhân khác cùng bị nhiễm virut CMV (còn gọi là Cytomegalovirs, một loại bệnh thường gặp ở người sau ghép thận ở giai đoạn phải sử dụng thuốc miễn dịch liều cao) tấn công. Song, Thần chết đã đưa người bệnh kia đi còn chị ở lại.
Sau này tỉnh dậy, chị Bích mới biết rằng, bác sĩ từng thông báo gia đình phải sẵn sàng điều xấu nhất và dự liệu hậu sự cho chị. Bởi lúc đó, sống chết chia đều tỉ lệ 50/50.
Chị Bích biết rằng, cái nắm tay buổi sáng hôm ấy đã kịp thời cứu sống chị. Bởi, chính bác sĩ Thu là thư ký nhánh CMV của đề tài nghiên cứu “Phòng ngừa và điều trị một số bệnh virus trong ghép thận (Cytomegalovirus, virus viêm gan): nghiên cứu đa trung tâm” do giáo sư Trần Ngọc Sinh làm chủ nhiệm. Phát hiện kịp thời đó đã giúp chị sống sót.
“Những tháng ngày đằng đẵng nằm viện, niềm mơ ước nhỏ nhoi của mình chính là trở về cái giường của nhà mình”, chị Bích hồi tưởng.
Chị đã tìm đến BV Hùng Vương (TP.HCM) hỏi về khả năng mình mang thai hoặc mang thai hộ. Nhưng đáp lại là những cảnh báo nếu mang thai nguy cơ mất mẹ, thai chết lưu, nặng hơn là mất cả mẹ lẫn con và có sống thì trở lại với việc chạy thận cả đời...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.