Người Việt ở Hawaii: Nước mắt cô gái ly hương, dựng không gian Tết ngay trong nhà

Hoài Nhân
Hoài Nhân
23/01/2020 12:12 GMT+7

Mưu sinh và lập gia đình nơi xứ người, chị Phương vẫn khóc ròng mỗi khi nhớ nhà, nhớ Tết quê. Chị mang những thứ thân thuộc nhất của Tết cổ truyền sang, lưu giữ những giá trị văn hóa đẹp của người Việt mỗi độ xuân về.

Nước mắt ly hương

Vì một số lý do gia đình, chị Trần Thị Loan Phương (41 tuổi) sang tận Hawaii để mưu sinh. Một mình lạc lõng nơi đất khách, chị tình cờ quen biết một người Mỹ gốc Nhật, chính là ông xã chị bây giờ.
“Mình vẫn còn nhớ cuộc ly hương cách đây 13 năm, hôm quá cảnh ở sân bay Hàn Quốc, mình nhớ nhà đến nỗi khóc không ngừng được. May mắn sang đây, mình gặp anh ấy, một người đàn ông rất tốt. Quyết định kết hôn, nhưng vì các thủ tục giấy tờ, mình không về Việt Nam được. Tụi mình tổ chức một tiệc cưới nhỏ và ấm cúng, chỉ có người thân bên chồng”, chị Phương kể về những ngày đầu tiên.
Dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng Tết năm ấy, chị Phương vẫn buồn và hụt hẫng. Chị kể, chiều nào chị cũng nước mắt ngắn dài, ngồi ngoài sân ngóng về hướng mà chồng chị nói ở đó là Việt Nam…

Chị Phương nấu các món truyền thống ngày Tết nơi xứ người

ẢNH: NVCC

Ông xã chị thích thú khi được vợ giải thích về các tập tục cúng Tết cổ truyền

ẢNH: NVCC

Hai con trai của vợ chồng chị Phương cũng hào hứng đón giao thừa Tết Việt

ẢNH: NVCC

“Chưa quen đường sá, không bạn bè, mỗi ngày mình chỉ biết làm bạn với cây cỏ và hướng mắt về quê mà nhớ mong. Mình kể với chồng là ở Việt Nam lúc nào cũng đông đúc vui nhộn, chỉ cần ngồi trong nhà cũng có người qua lại rao bán đủ thứ. Chồng mình thấy xót, muốn làm vợ vui, nên rủ thằng cháu đi qua đi lại cửa sổ vẫy tay với mình. Những ký ức đó chưa bao giờ mình quên được…”, chị bồi hồi.

“Giao thừa Việt Nam là lúc 4 - 5 giờ sáng ở Hawaii. Lúc ấy, mình cũng bày hương án cúng ngoài trời, chỉ chồng cách khấn vái và giải thích cho chồng tập tục tết Việt. Sau đó mình gọi điện về nhà chúc Tết mẹ, nhưng mẹ đi chùa không nghe máy được. Mình lại khóc nấc trong vòng tay chồng. Đó là cái Tết buồn nhất…”.

Chị Phương

Vợ chồng chị dựng hẳn một không gian Tết Việt trong sân nhà

ẢNH: NVCC

Cả nhà trong trang phục áo dài khăn đóng truyền thống

ẢNH: NVCC

Tết Việt ở Hawaii

Chị Phương cho biết, Hawaii ăn Tết Dương lịch cũng như toàn nước Mỹ. Mọi người quây quần ăn uống chúc mừng. Lễ, Tết ở Hawaii, đường phố vắng tênh vì mọi người đều tụ họp trong nhà. Tết rất ngắn, trẻ con được nghỉ đông từ trước Giáng sinh cho đến qua năm mới khoảng một tuần mới đi học lại. Nhưng người lớn thì vẫn phải đi làm bình thường, chỉ nghỉ duy nhất ngày mồng 1.
“Hawaii có một thông lệ ăn mừng năm mới thú vị, đó là tự đốt pháo đêm giao thừa, cả pháo dây lẫn pháo bông. Mặc dầu bị cấm nhưng cứ vui giao thừa là nhà nhà lại đốt. Cái Tết đầu tiên, mình ngỡ ngàng thấy toàn bang đồng loạt sáng rực, pháo bông ngợp trời. Nhà mình ở trên vùng cao nên nhìn xuống dưới thấy ngập trời pháo hoa! Lại thêm pháo dây, pháo chọi bọn trẻ con chơi, mùi khói pháo làm mình nhớ đến giao thừa tết Việt khi mình còn nhỏ…”, chị hào hứng kể.
 

Năm 2006, chị Phương phát hiện căn bệnh ung thư vú, phải bước vào đợt hóa trị. Nhưng chị vẫn lạc quan đội tóc giả đón Tết

ẢNH: NVCC

Gian nhà đề chữ thư pháp "Tết" nơi đất khách khiến bất kỳ con người xa quê nào thấy cũng ấm lòng

ẢNH: NVCC

Chị Phương cho biết, đến ngày cận Tết cổ truyền, chợ tấp nập mua bán hoa đào, mai Mỹ, trái cây ngũ quả, bánh mứt,... Cộng đồng người Việt ở Hawaii hàng năm vẫn có tổ chức hội chợ Tết ở công viên Waikiki. Cũng có sân khấu hát nhạc xuân, lân sư rồng, gian hàng bán những món ăn truyền thống... Mồng 1, mọi người cũng vào chùa ăn chay viếng Phật.
Những năm về sau, khi con trai lớn dần, chị có cơ hội về lại Việt Nam. Nhưng khi con tới tuổi đi học, chị lại không về được nữa. Vẫn “thèm” Tết Việt, năm nào chị cũng lui cui nấu nướng, làm mứt đem biếu bạn bè. Chị trang trí nhà cửa cho có không khí Tết, vì muốn các con có cảm giác gần gũi với Tết quê mẹ.
“Từ chiều đêm giao thừa, mình đã gọi video về nhà xem cảnh Tết, rồi cả nhà khóc với nhau. Mồng 1, mình chọn sẵn những bộ áo dài truyền thống cho chồng và hai con trai, rồi dạy các con khoanh tay chúc Tết ba mẹ. Hai đứa không nói được tiếng Việt nên cũng chỉ ngọng nghịu “Chúc mừng năm mới” và rồi được nhận lì xì", chị cười.
Rồi ngoại mất, mẹ và em trai lần lượt được bảo lãnh sang ở cùng vợ chồng chị. Nước mắt đã không còn vào những ngày Tết nữa. Nhưng nhớ Tết quê, cả nhà chị vẫn vui vầy đón Tết, cùng trang hoàng nhà cửa, cúng kiếng.
Cho dù ở đâu, Tết Việt vẫn ở trong tim những con người ly hương, xa xứ...

Chợ Tết ở Hawaii

ẢNH: NVCC

Giờ đây, Tết của chị Phương đã không còn nước mắt, vì mẹ và em trai cũng đã sang Hawaii

ẢNH: NVCC

Hai mẹ con chị Phương cùng lưu giữ cái hồn Tết Việt nơi xứ người

ẢNH: NVCC

Tết Việt luôn ở trong tâm trí bất cứ người con người xa xứ nào

ẢNH: NVCC

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.