Người Việt ở châu Phi ngày Tết: Chuyện em bé gốc Việt, chiếc bánh chưng thịt lợn Kenya

26/01/2020 09:25 GMT+7

Năm nay, tôi và ba con đón Tết Việt ở Kenya (Đông Phi) trong khi chồng tôi làm việc cho một dự án y tế nhân đạo ở Sudan. Tuy gia đình “ly tán” nhưng tôi thấy may mắn khi có cơ hội hưởng chút không khí Tết.

Thiên thần gốc Việt chào đời cận Tết

Đây là lần thứ hai tôi quay trở lại Kenya, sau quãng thời gian gần 5 năm từng sống tại đây vài năm trước, nhưng là lần đầu tôi thấy Tết Việt ở châu Phi ấm áp và ý nghĩa đến thế, có lẽ bởi hai “sự kiện” đặc biệt được diễn ra trước thềm Tết Nguyên Đán, cách Việt Nam tới 5 múi giờ và một đại dương.

Đầu tiên là sự chào đời của bé Maya Trương, thiên thần nhỏ gốc Việt, vào đúng 2 tuần trước Tết. Bé là con đầu lòng của mẹ người Sài Gòn, bố đến từ Đức. Chúng tôi đã cùng hồi hộp mong chờ sự ra đời của Maya từ mấy tháng nay, cuối cùng thì ai cũng thở phào khi mẹ con bé vượt cạn thành công với sự hỗ trợ của ê-kip người Phi.

Thật xúc động khi chứng kiến những giọt nước mắt của David, ông bố trẻ mới 32 tuổi. Anh đã túc trực bên người vợ thân yêu của mình trong suốt hành trình đón con, đã khóc cùng những cơn đau của Mai vì thương vợ, khóc vì hạnh phúc vào khoảnh khắc Maya chào đời, khi được tận tay đỡ và cắt dây rốn cho bé.

Phải nói đây là sự kiện vui nhất đối với cộng đồng người Việt nhỏ bé của chúng tôi ở Nairobi, sự kiện đã góp phần mang lại một cái Tết của tình đoàn kết cho tất cả mọi người.

Người Việt ở châu Phi: Chuyện chiếc bánh chưng và em bé gốc Việt1
Người Việt ở châu Phi: Chuyện chiếc bánh chưng và em bé gốc Việt2

Không khí tết cổ truyền vẫn hiện hữu

Sự kiện thứ hai là việc gói bánh chưng tại nhà của Ngọc, mà muốn đến đó là cả một hành trình bởi giao thông Nairobi thường hỗn loạn, lại hay ùn tắc.

Để đến được nhà Ngọc đúng giờ, người lái taxi xin phép tôi cho anh chạy tắt qua Kibera – khu ổ chuột lớn nhất Kenya, vốn được coi là rất nguy hiểm– để tiết kiệm thời gian. Tôi tặc lưỡi đồng ý, dù gì thì hãng taxi mà tôi sử dụng đã được một số tổ chức nước ngoài lựa chọn vì độ an toàn cao.

Gói bánh chưng bằng thịt lợn Kenya và lá... chuối châu Phi

Để chuẩn bị cho buổi gói bánh, chúng tôi đã phải cùng “gom” nguyên vật liệu rồi góp gạo thổi cơm chung. Mai đặt mua gạo nếp, tôi và Lệ lùng mua thịt ba chỉ, Ngọc gom củi, sắm đỗ xanh Ấn Độ và “thu mua” lá chuối của các nhà hàng xóm.

Gạo nếp ở đây không thơm như nếp ở Việt Nam, thịt lợn của Kenya cũng không mềm và ngon như thịt lợn Việt, nhưng cũng an toàn và rất sạch. Lá chuối vừa to, vừa dày lại… nát bươm sau trận mưa xối xả của đêm trước, lạt được dùng từ cuộn dây nhựa màu đỏ cho đúng màu của Tết. Tuy vậy, chúng tôi động viên nhau rằng việc “muốn làm”, muốn giữ truyền thống để các con có cơ hội được đón Tết, hiểu về Tết mới là điều quan trọng.

Người Việt ở châu Phi: Chuyện chiếc bánh chưng và em bé gốc Việt3
Người Việt ở châu Phi: Chuyện chiếc bánh chưng và em bé gốc Việt4

Chúng tôi đang đón cái tết ấm áp với áo dài, bánh chưng

Để nhuộm xanh gạo nếp, Ngọc ngâm sẵn gạo với nước cốt rau chân vịt (spinach). Thịt ba chỉ phải cắt bỏ lớp bì vì lợn Kenya có bì rất dày và dai, sau đó ướp muối tiêu. Lá chuối được các cô giúp việc người Phi rửa sạch, lau khô rồi cắt sẵn thành những mảnh nhỏ. Vậy là nguyên liệu làm bánh đã sẵn sàng.

Do khí hậu toàn cầu đang biến đổi nên tháng 1 năm nay Nairobi lạnh cóng, thay vì nắng nóng như mọi khi. Vậy là để có thể ngồi gói được bánh chưng bên hiên nhà, chúng tôi phải nhờ Sam - anh thợ làm vườn của Ngọc – đốt củi sưởi ấm.

Ngọc mở nhạc Tết vui vẻ, thế là chúng tôi gói bánh chưng trong cái lạnh và nhạc Tết, cảm thấy cũng có chút gì giống với không khí Tết quê hương.

Có lẽ phải hơn 20 năm rồi tôi không gói bánh chưng, lại không có khuôn nên chiếc bánh không lấy gì làm vuông vức, thế nhưng vẫn… tự hào khi gói được chiếc bánh tương đối lành lặn, dù phải bó bằng rất nhiều lớp lá và nhiều dây.

Những người Phi và bạn bè người nước ngoài đến xem đều tò mò với những chiếc bánh màu xanh có dây buộc màu đỏ bắt mắt, họ trầm trồ khen ngợi khi chúng tôi trưng bày mâm hoa quả cùng bánh chưng và cả cành đào, cành mai (tất nhiên là bằng nhựa) mà Ngọc cất công mang từ Việt Nam sang.

Dù không có ngũ quả như ở Việt Nam, nhưng chúng tôi cố gắng chọn các loại quả có sắc màu phù hợp như dưa hấu, xoài, chanh vàng, đu đủ và cả những quả mận màu đỏ. Quả thực là khi bày xong, cỗ bàn trông cũng lung linh lắm đấy!

Người Việt ở châu Phi: Chuyện chiếc bánh chưng và em bé gốc Việt9

Chúng tôi phải rất cố gắng mới gom đủ nguyên liệu gói bánh

Người Việt ở châu Phi: Chuyện chiếc bánh chưng và em bé gốc Việt5

Món bánh chưng của Việt Nam thu hút cả người nước ngoài



Người Việt ở châu Phi: Chuyện chiếc bánh chưng và em bé gốc Việt6

Gói bánh chưng dưới hiên nhà trong tiếng nhạc xuân khiến chúng tôi cảm thấy không khác gì ở Việt Nam

Người Việt ở châu Phi: Chuyện chiếc bánh chưng và em bé gốc Việt7
Người Việt ở châu Phi: Chuyện chiếc bánh chưng và em bé gốc Việt8

Bánh chín, một món ăn ngon tuyệt hảo

Mất cả buổi chiều, chúng tôi gói được hơn 10 chiếc bánh rồi lập tức xếp bánh vào chậu nhôm (mà Ngọc mượn của hàng xóm) để luộc bằng củi ngoài vườn. Anh Jason, người chồng đến từ Anh của Ngọc, vừa từ công sở về lại nhận nhiệm vụ coi nồi bánh giúp vợ đến tận 10 giờ đêm.

Kết quả: Những chiếc bánh chưng gói bằng lá chuối châu Phi ngon và dẻo tuyệt vời.

Sáng mùng 1 Tết Nguyên đán, như mọi năm, anh Jason sẽ đánh thức vợ và các con dậy sau khi đã chuẩn bị sẵn áo dài để cả nhà chụp hình. Họ sẽ cùng lì xì cho con nít rồi gọi điện chúc Tết gia đình Ngọc ở Việt Nam. Quả đúng là nếu có gia đình ấm êm, hạnh phúc thì đâu cũng có thể là Tết.

Nairobi, Kenya 1.2020

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.