Người Việt 'lạc' vào sa mạc cổ Paracas

31/12/2017 10:36 GMT+7

Trong hành trình khám phá Peru, tôi xuôi về phương nam để tìm lại vết tích xưa, dù còn nhiều di khảo cổ nằm rải rác đâu đó thật sâu trong lớp cát vàng sa mạc vẫn chưa được tìm thấy, để được đắm mình trong lòng sa mạc và lắng nghe tiếng… cát.

Với những người lữ hành vùng sa mạc, khi đi trong những hoang mạc nổi tiếng của thế giới, họ thường mất phương hướng bởi sự luân vũ của cát trong không gian rộng lớn chạy hút về phía chân trời. Nhưng ở sa mạc Paracas, những cơn sóng biển bạc đầu luôn hát lời tình ca nồng nàn bên những hạt cát vô ưu. Cô tiếp tân nhà trọ ở Lima bảo với tôi rằng: “Đến Paracas sẽ nghe được âm điệu Ooh và Aahs thật dễ thương của người địa phương mỗi khi hạ giọng để diễn tả sự đa dạng sinh học của các loài chim và các loại sinh vật biển”.
Từ xa, cây đèn nến Candelabra được người Paracas khắc lên mảng đá vôi nằm trên đụn cát cạnh hòn đảo Ballestas thoắt ẩn thoắt hiện. Paracas có nghĩa là “mưa cát” và cứ mỗi ngày, gió từ lòng mẹ Thái Bình Dương thổi vào, nhấc từng hạt cát bé bỏng mang lên đồi cao để tạo thành lớp lụa vàng, đỡ lấy cây đèn trời của thần Viracocha.
Candelabra vẫn là điều bí ẩn trong mắt của các sử gia lẫn các nhà khảo cổ học. Bởi đến nay, vẫn chưa xác định rõ ràng về ý nghĩa. Một vài người cho rằng, đèn ba ngọn được những người thủy thủ Tây Ban Nha vẽ lên từ thế kỷ 16 để đóng vai trò là ngọn hải đăng khi xuôi về phương nam Peru khai phá vùng đất mới. Tuy nhiên, sau khi phóng nguyên tố carbon để định vị tuổi đời, các nhà địa chất học cho rằng nét điêu khắc vào lớp đá vôi mịn có niên đại vào khoảng năm 200. Một số người khác cho rằng, Candelabra chính là ngọn đèn trời màu nhiệm của thần Viracocha đưa rước linh hồn người chết về cõi thiên thai bởi các nhà khảo cổ đã tìm ra nghĩa địa tập thể của người Paracas nằm cách đó không xa. Một vài người khác cho rằng, đèn ba ngọn là hình ảnh cây cà độc dược sinh trưởng trong lòng sa mạc Paracas để đánh dấu lối về. Thuở xưa, người Paracas đã đi dọc theo bờ biển Thái Bình Dương để giao thương tận nơi xa nhất thuộc tiểu bang California, Mỹ ngày nay, nên họ muốn đánh dấu để không lạc lối.
'Lạc' vào sa mạc cổ Paracas 1
Ảnh: Nguyễn Chí Linh
'Lạc' vào sa mạc cổ Paracas 2
Các doi đất là sự kỳ diệu của tạo hóa
Tôi may mắn khi được ghép tour chung với một gia đình người Mỹ cho chuyến đi vào vườn quốc gia Paracas. Chúng tôi ghé qua Bảo tàng đa dạng sinh học trước khi đến nghĩa địa cổ Cabezas Largas của người Paracas xưa.
“Bắt đầu từ Paracas kéo dài lên đến dãy núi Andes, Peru có 21 triệu ha rừng và sa mạc cần được bảo vệ bởi trong 117 khu sinh quyển đặc thù hiện nay của thế giới, quốc gia Nam Mỹ này đại diện cho 84 tiểu đặc khu. Cuộc sống trên quả địa cầu luôn là một điều bí ẩn và Paracas chính là một trong những mảnh đất bí ẩn đó. Nếu quả địa cầu kết thúc trong thảm họa và tôi được phép chọn một quốc gia để giữ lại sự sống cho loài người cũng như tái cấu trúc lại quả địa cầu, không một nghi ngờ trong suy nghĩ, tôi sẽ chọn Peru”, câu giới thiệu của nhà bảo vệ môi trường người Anh David Bellamy đã gây ấn tượng mạnh trong tôi khi tham quan Bảo tàng đa dạng sinh học Paracas.
Bảo tàng Paracas dần dần nhỏ bé và chỉ còn lại một vết đen tròn trên cát, khi tôi ven theo lối mòn đi về phía đầm lầy rong chơi theo những đôi cánh hồng hạc. Cộng đồng hồng hạc ở đây đông đúc đến mức tôi mường tượng ra bức tranh chim trời cá nước giữa sa mạc Paracas được dệt từ những đường thêu với các chấm hồng nho nhỏ đáng yêu.
Người hướng dẫn để chúng tôi rong chơi tự do ở nghĩa địa cổ Cerro Colorado. Một vài doi cát nhỏ chạy cong queo ra biển tạo nhiều hình thù lạ mắt, khiến du khách khao khát được một lần leo trèo qua những thanh chắn tạm bợ để có một vài tấm ảnh để đời. Những người lữ hành cho rằng các doi đất là sự kỳ diệu của tạo hóa, là nơi cát và biển giao nhau giữa vũ trụ bao la mà thần Viracocha từ trên thiên đường đã nhìn thấy và tạo ra cánh cổng trời cho linh hồn người Paracas đi qua.
Người Paracas cổ tin rằng đồi Cerro Colorado là nơi mình xuất phát cội nguồn khi thần Viracocha cai quản vũ trụ đã dùng những hạt cát đen tuyền phủ lên khung xương đá vôi trắng và sử dụng 70% lượng nước biển để tạo dựng hình hài người Paracas.
Bên trong các ngôi mộ hình bầu dục được khoét sâu vào trong vách núi nằm cheo leo bên biển, những viên gạch men trang trí đã mê hoặc các nhà khảo cổ. Những viên gạch hoa văn đơn sơ, bền bỉ màu nước men của nền văn minh Paracas hay thật sự của nền văn minh Topará nằm về phía bắc Lima vẫn là câu hỏi huyền bí đến tận ngày nay.
Nhiều sử gia cho rằng nền văn minh Topará hình thành trước Paracas. Khá nhiều người tin rằng, thần Viracocha đã nổi trận lôi đình khi nhà khảo cổ học Julio Tello phát hiện ra bí mật nằm trong lòng đá vào năm 1927, gom tất cả các mẫu vật quý giá gửi gắm vào lòng nhiều bảo tàng. Trong một phút tức giận không kiềm lòng, ngài trừng phạt người Peruvian bằng một trận động đất sống mái vào năm 2007, giật sập cánh cổng thiên đường, nhấn chìm mọi vết tích vào lòng đại dương.
Những câu chuyện liêu trai chí dị phảng phất hình dáng người Paracas xưa như thế cứ “quanh quẩn” trong tôi cho dù hành trình đã kết thúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.