Người Việt kẹt ở Singapore về khu cách ly: Cảm phục người hùng thầm lặng

05/05/2020 13:43 GMT+7

Vừa phải nấu đồ chay, nấu theo thực đơn riêng cho người trị ung thư, mẹ bầu và em bé trong nhóm người Việt kẹt ở Singapore về cách ly, nhưng các anh bộ đội vẫn nhiệt tình mặc cho người ướt sũng mồ hôi.

Trùm lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít dưới trời nắng gay gắt, những người làm công tác trong khu cách ly ở Trung đoàn 932 (Trường Quân sự Cần Thơ cũ) vẫn tất bật với công việc của mình. Chính sự nhiệt tình, tận tâm của họ khiến những người Việt kẹt ở Singapore vừa về cách ly xúc động và biết ơn vô cùng.

Người hùng không tên

“Người hùng không tên” – đó là cách gọi chung của những người Việt đang ở trong khu cách ly với các anh bộ đội, vì lúc nào xuất hiện, họ cũng trong bộ đồ bảo hộ kín mít.
Chị Ngô Thị Thu Lý (33 tuổi) – người Việt kẹt ở Singapore sau thời gian đi chữa bệnh mở đầu câu chuyện rằng chị rất hạnh phúc khi được ở khu cách ly tại Cần Thơ này. Vì gần xung quanh có sông, đồng ruộng nên dù có nắng thì gió vẫn mát rượi, buổi trưa, mọi người thường lau sạch sàn rồi nằm xuống đất để tận hưởng không khí trong lành của vùng Tây đô.

Đúng giờ, họ lại đi đo nhiệt độ, sau đó dọn dẹp và khử khuẩn xung quanh

Ảnh: Thu Lý

Ngay khi nhận phòng, cả nhóm người Việt ai nấy đều mang theo những va li to nhưng không phải khệ nệ xách lên lầu mà chính các anh bộ đội là người mang đi xịt khuẩn rồi trả lên tận phòng.
Điều khiến chị Lý ngạc nhiên nhất chính là sự tận tụy của các anh bộ đội. Cứ đúng 6 giờ 30 sáng, các anh lại bắc loa đi thông báo đã chuẩn bị đồ ăn sáng xong, mời mọi người ra nhận. Rồi các anh đi dọn rác, khử trùng, đo nhiệt độ, chăm sóc, xem nhu cầu của mọi người cần gì.
Chị Lý kể: “Đoàn có người ăn chay nên các anh phải nấu đồ ăn chay, nhiều người ốm nên các anh phải đun nước sôi, có một số người đang trị ung thư ăn thực đơn riêng các anh cũng phải xử lý, các cháu nhỏ mẹ bầu thì cần ăn cháo, ăn bún, các anh phải làm đủ thứ món, cực kỳ vất vả. Nhìn các anh rất nỗ lực mà thương lắm”.

Công việc khá nhiều nhưng họ vẫn luôn tận tâm và nhỏ nhẹ với những người xung quanh

Ảnh: Thu Lý

Theo lời chị Lý, có hôm chị bị bệnh không ăn được cơm, các anh bộ đội đã hỏi chị thèm ăn gì rồi giữa trưa nắng chạy đi tìm mua về để chị ăn lót dạ rồi uống thuốc làm chị rưng rưng.

Quan tâm thầm lặng

Chị Lâm Thị Giàu (39 tuổi) cùng 2 con nhỏ cũng được trở về trên cùng chuyến bay với chị Thu Lý. Ở cùng khu cách ly, chị Giàu vẫn cảm thấy lâng lâng trong người và không biết dùng câu từ nào để diễn đạt cảm xúc của mình.
Chị Giàu cho biết, ngay khi nhận phòng ở khu cách ly, chị bất ngờ khi thấy có đầy đủ từ những thứ nhỏ nhất như: nước muối, dầu gội đầu, bột giặt, khẩu trang, nước rửa tay khô, xà phòng rửa tay, khăn giấy,…

Khi nhóm hơn 200 người về tới Cần Thơ, họ tất bật chuẩn bị sắp xếp hành lý, chỗ ở

Ảnh: Lâm Thị Giàu

Không gian sân rộng rãi cho mọi người thể dục buổi chiều

Ảnh: Lâm Thị Giàu

“Ngay sau bữa ăn đầu tiên, các anh đi từng phòng hỏi xem có ăn được thức ăn không. Còn bác sĩ hỏi thăm có cần thuốc gì không. Tôi chỉ nói vui là cần thuốc giảm cân vì đồ ăn ngon quá chắc tôi tăng cân sau 14 ngày mất”, chị Giàu kể lại.
Không chỉ vậy, mỗi phòng còn được phát cho một cuốn sổ tay để ghi vào đó những món mình cần mua rồi để vào một thùng ở bên ngoài. Các anh bộ đội sẽ tự mình đi mua đầy đủ không thiếu một món gì. Thậm chí cả băng vệ sinh các anh cũng không ngại ngần đi mua giúp!
“Các anh mua về đều có hóa đơn đầy đủ. Nhiều anh chị em thấy thương nên gửi phụ tiền xăng nhưng không bao giờ các anh ấy nhận. Tất cả càng làm chúng tôi thêm trân quý tấm lòng của bộ đội, sự đùm bọc của Tổ quốc”, chị Giàu xúc động tâm sự.

Hạnh phúc vì 'sống rồi'

Sau 40 ngày kẹt ở Singapore và chờ đợi trong vô vọng, đêm cuối cùng trước khi ra sân bay để trở về Việt Nam với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, chị không dám ngủ vì bao nỗi lo toan, sợ nhất là bị lỡ chuyến.

Tất cả đều được khử khuẩn khi xuống máy bay

Ảnh: Lâm Thị Giàu

Ở sân bay, chị Lý gặp nhiều người cũng cố ra sân bay vì hi vọng chuyến bay thừa chỗ thì sẽ mua được vé. “Lúc đấy mình check- in xong đi qua cửa an ninh, mừng cho mình, thương những người ở lại vô cùng, mình cũng không biết phải làm như thế nào. Cảm xúc lúc đó thật khó tả”, chị Lý xúc động nhớ lại.
Tới khi ngồi trên máy bay nhìn xuống thấy đồng ruộng quê hương, thấy kênh, thấy sông chị mới dám nghĩ “sống rồi, đã được về nhà rồi”. Chị cũng mong những người Việt đang ở lại các nước sẽ sớm được trở về. 

Khu cách ly rộng rãi với không gian thoáng đãng

Ảnh: Lâm Thị Giàu

 
Chị hạnh phúc nói: “Mình có nói với em đi cùng là nhìn thấy quê hương rồi, chưa bao giờ nhìn thấy ruộng lúa mà vui như thế, có lưu lạc ở đất khách quê người thì mới trân trọng cảm giác được quay về quê hương như thế nào. Mình giống như một đứa con đi lưu lạc xa và được trở về, hạnh phúc vô cùng”.
Còn chị Giàu, trong ngày nhận được thư của Đại sứ quán thông báo mua vé thì chị lại đang tất bật với những nồi thịt kho mắm ruốc để giúp đỡ những người Việt bị kẹt ở Singapore nhưng rơi vào cảnh túng thiếu, không tiền ăn uống. May mắn sau đó chị được một người hỗ trợ lấy vé giúp nên kịp đưa 2 con trở về Việt Nam. Dù đã về Việt Nam nhưng căn nhà ở đảo quốc sư tử, chị Giàu vẫn đang cho 3 người lao động Việt khác ở nhờ miễn phí trong thời gian chờ được hỗ trợ chuyến bay về nước.

Ở khu cách ly với sự chăm sóc tận tâm, ai nấy đều thầm biết ơn và hạnh phúc với những gì đang nhận được

Ảnh: Thu Lý

Chị Giàu đã có chồng là người Singapore, giấy tờ của chị chuẩn bị hết 89 ngày, con chị cũng đã gia hạn thêm một lần nữa và ở Việt Nam bé chuẩn bị vào học nên chị cố gắng đưa con trở về để chờ làm hồ sơ giấy tờ ở dài lâu.
“Trên máy bay, tôi vẫn lâng lâng vì đang được Tổ quốc dang tay đón về, giống như cảm giác như mẹ đang đón con về, được che chở mọi thứ. Khi về tới sân bay Cần Thơ lại cảm động hơn nữa mọi thứ được sắp xếp sẵn sàng hết rồi, chúng tôi chỉ làm vài thủ tục là về khu cách ly. Tôi mừng rơi nước mắt”, chị bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.