Người Việt học mẹ Nhật chăm con vì 'sợ trẻ béo phì'

09/04/2017 20:03 GMT+7

Vì biết tính con háu ăn, nên mẹ Yurri ưu tiên những món ăn như salad và các loại rau xanh ra trước, sau đó mới cho bé ăn cơm cùng củ quả hầm hay cà-ri nấu kiểu Nhật.

Kì nghỉ xuân lần này, chúng tôi quyết định sang Tokyo thăm gia đình người bạn và cũng để cho nhóc nhà tôi được gặp bạn Yurri lần đầu. Minh và Yurri sinh cùng ngày, chỉ chênh nhau có 4 tiếng nên tôi rất hồi hộp khi hai cậu bé gặp nhau, mặc dù vẫn biết sự phát triển của trẻ là hoàn toàn khác nhau.
Tôi chịu khó đọc sách dạy nấu ăn cho bé để con đủ chất, nhưng từ khi Minh được 12 tháng, bé bắt đầu chọn lựa những món ăn khoái khẩu và không ăn những thứ khác, ví dụ thích ăn cơm rang, hoa quả có thể ăn trừ bữa.
Tôi hay đi làm vào giờ con ăn bữa tối nên mọi thứ đều phó thác cho chồng. Sau một thời gian, bé thành quen, hay ăn các bữa lăt vặt, thậm chí bỏ luôn cơm.

tin liên quan

Mẹ Việt lý giải vì sao phụ huynh Nhật cho con tự đến trường từ nhỏ
  Sau vụ việc đau lòng bé Nhật Linh học sinh lớp 3 bị bắt cóc và giết khi đang tới trường, hẳn nhiều người Việt Nam đặt dấu hỏi tại sao phụ huynh bên Nhật hay cho con mình tự đến trường dù bé còn nhỏ? Sau đây là lý giải của một bà mẹ Việt đang sống bên đó.
Vợ chồng tôi ở nhà cô bạn vài ngày, sau đó đi trượt tuyết ở Minakami. Nơi nổi tiếng là khu nghỉ dưỡng lí tưởng cho gia đình có trẻ nhỏ và người thích trượt tuyết.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Yurri (17 tháng tuổi) là một cậu bé rất điềm đạm nhưng vô cùng "háu ăn". Việc đầu tiên khi cậu từ trường về nhà là xách ngay chiếc ghế ngồi sẵn sàng chờ mẹ mang đồ ăn tối. Bố cậu còn hay nói đùa thế này: "Yurri không biết mệt, Yurri chỉ biết đói".
Mà phải công nhận, Yurri ăn nhiều thật. Ngồi tự xúc ăn mà không rơi vãi chút nào ra ngoài khiến tôi ngạc nhiên vô cùng.
Tôi biết, có rất nhiều phương pháp hướng dẫn con ăn như BLW (ăn dặm kiểu Baby Led Weaning) để con tự cầm nắm và ăn nhưng tôi vẫn theo phương pháp truyền thống là xúc cho con ăn rồi tự nhủ: "Đến năm Minh hai tuổi sẽ để bé tự ăn".
Bé Yurri tự xúc ăn thành thạo Ảnh: NVCC
Với mức độ ăn của Yurri, cậu có thể ăn ngang với suất của một người lớn. Và nếu bố mẹ cứ tiếp tục hỗ trợ, Yurri sẽ ăn không ngưng miệng.
Trong trí tưởng tượng của bạn sẽ là một cậu bé múp míp nhưng ngược lại, Yurri chỉ ngang chừng các bé cùng tuổi. So với trẻ em Việt nam có khi còn bé hơn, nhưng mẹ Yurri không cho bé ăn nhiều và giữ cân bằng dinh dưỡng.
Vì biết tính con háu ăn, nên mẹ Yurri ưu tiên những món ăn được liệt kê là thứ trẻ con không thích như salad và các loại rau xanh ra trước, sau đó mới cho bé ăn cơm cùng củ quả hầm hay cà-ri nấu kiểu Nhật.
Điều đặc biệt là trong các món hầm cũng có rất nhiều nấm hay hành tây, hành lá, rồi sau đó cho bé ăn một bát hoa quả. Tuyệt đối không lạm dụng thực phẩm chứa dầu mỡ, khoai tây chiên hay đồ ăn nhanh. Cho con ăn đúng giờ nên bé đủ bữa và không ăn vặt hàng ngày.
Khi ở khách sạn, tôi thường dùng buffet cho bữa sáng và tối nên hay để ý các trẻ khác. Hầu hết các trẻ tầm 5-6 tuổi trở lên đều tự đi lấy thức ăn cho mình. Các cháu lấy rau xanh hay salad vào đĩa của mình rất độc lập và tự giác như thể đó là thói quen không thể thiếu trong bữa ăn thường ngày.
Tôi ngẫm thấy, nhiều trẻ ở Việt Nam, một là rất lười ăn khiến bố mẹ lo lắng con còi, hai là mập quá ký và nghiện các đồ ăn nhanh khiến khi bé lớn hơn, bố mẹ lại tìm cách phanh tốc độ ăn của con lại.
Cô bạn tôi bật mí bí quyết nhỏ giúp bé ăn cân bằng hơn là để những món bé không thích ra đầu tiên, sau đó mới đến những món bé thích. Một thời gian sau, bé quen dần và sẽ bớt chê những thứ bé không thích nữa.
Thậm chí những món khoái khẩu, bạn cũng không phải nấu thường xuyên cho bé và nấu đi nấu lại nhiều lần trong tuần làm lệch lạc về dinh dưỡng cũng như mất sự đặc biệt của món ăn.
Tỷ lệ béo phì của trẻ em Việt những năm gần đây ngày càng tăng cao. Béo phì từ bé thì tỷ lệ này ở tuổi trưởng thành cũng cao hơn và kéo theo một số bệnh tật liên quan.
Sự cân bằng dinh dưỡng và đa dạng các món ăn, hạn chế đồ ăn nhanh cho bé từ nhỏ là cách giảm thiểu tối đa cho sự kén ăn hay bệnh béo phì của trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.