Người Việt đi giữa Dhaka: Những sắc màu đối lập

Thầy tôi, Giáo sư địa lý Sherman Silverman, từng bảo, Bangladesh là một trong những nước sở hữu rất nhiều cái nhất: nghèo nhất, đông dân nhất, mật độ dân số cao nhất và ô nhiễm nhất thế giới.

Nhưng đó là nơi đáng để một lần đến thăm viếng trong đời thay vì tới các nước phương Tây giàu có.
Lịch sử Bangladesh khá phức tạp. Suốt thời kỳ bị Anh đô hộ, Bangladesh thuộc Ấn Độ. Vào năm 1947, trước khi trao trả độc lập sau cuộc cách mạng bất bạo động của lãnh tụ Gandhi, người Anh cũng kịp tác động để chia cắt phần đất hai bên hông theo đạo Hồi của Ấn thành nhà nước Đông và Tây Pakistan.
Đến năm 1971, sau cuộc chiến đẫm máu kéo dài với phía Tây, phần phía Đông của Pakistan đứng lên giành độc lập và trở thành nhà nước Bangladesh hiện tại.
Theo lời thầy chỉ dẫn, mất gần… 16 năm và sau 3 giờ bay từ Bangkok của Thai Airways, tôi mới đặt chân đến thủ đô Dhaka của Bangladesh. Bạn nên xin visa trước khi đến đây nếu không muốn chen lấn với vài trăm người để đóng tiền lệ phí qua một cửa sổ bé tí, rồi tiếp tục xếp hàng để mòn mỏi đợi hải quan cấp visa nhập cảnh.
Và muỗi. Những con muỗi to gần bằng lũ châu chấu bay mọi lúc mọi nơi. Nó không tha bất kỳ ai, sang hèn hay nghèo khó. Phòng khách sạn bốn sao của tôi cũng đầy nhóc muỗi. Trước khi cho tôi vào phòng, bạn lễ tân bảo chờ xíu, để chạy lên, xịt gần hết một chai thuốc diệt muỗi. Suýt nữa tôi lên cơn suyễn vì cái mùi kinh hãi đó.
Dhaka: Những sắc màu đối lập 1
Mặc dù từng là thuộc địa của Anh nhưng Bangladesh sử dụng chủ yếu tiếng Bengal. Tiếng Anh đứng thứ hai, nhưng rất khó để giao tiếp và gặp các bảng hiệu chỉ đường bằng thứ ngôn ngữ quốc tế này. Cách tốt nhất là book sẵn tour và có tour guide dẫn đường.
Dhaka cũng không an toàn cho lắm. Kể từ sau vụ các tay súng tấn công khách du lịch quốc tế ở quận Gulshan, nơi được coi là giàu có, dành cho giới thượng lưu và du khách quốc tế, thì hầu hết các khách sạn đều có an ninh bảo vệ cẩn thận.
Gần 20 triệu người trú ngụ ở Dhaka đã biến nó thành đô thị chật chội của sự đối lập. Khoảng cách giàu nghèo được phân định một cách rạch ròi.
Trái ngược với các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn giàu sang là những khu ổ chuột rách nát, cũ kỹ, hôi hám - nơi cư ngụ của hàng triệu người nghèo khó. Bên cạnh hàng ngàn chiếc xe đời mới đắt tiền là những chiếc xe buýt, ô tô mục nát.
Bạn dễ dàng gặp những chiếc rickshaw ba bánh (như xích lô), phía trước có một người đàn ông khắc khổ đang gò lưng đạp tới. Dhaka được coi là thủ phủ của rickshaw, với hơn 400.000 chiếc lưu thông mỗi ngày, qua mặt cả Delhi hay Mumbai của Ấn Độ. Hàng triệu phương tiện không hàng lối, cứ tìm thấy chỗ trống là chen vô càng làm cho giao thông thêm phần hỗn loạn.
Nhưng Dhaka lại là một thành phố lắm sắc màu và vô cùng thú vị. Để bù lại sự hỗn loạn về giao thông, người ta đã sơn xanh đỏ tím vàng những chiếc xe buýt, ô tô hay rickshaw cũ kỹ. Đi giữa phố xá bụi bặm, đông đen, không bực mình mà vui cả mắt. Người Bangladesh cũng vô cùng thân thiện. Họ luôn lịch sự chào hỏi, cười đùa và nhường tôi đi trước ở mọi nơi.
Trên đường phố đông đúc, tuyệt nhiên không thấy một người phụ nữ nào buôn bán. Đó là việc của đàn ông. Phụ nữ ở nhà nội trợ, chăm con, hay làm công nhân trong các nhà máy dệt.
Những gã đàn ông xứ này, từ cậu trai trẻ lên mười, tới chàng thanh niên đôi mươi, hay ông già sáu chục, mặc kệ nắng mưa, bụi bặm, vẫn miệt mài đội lên đầu những lồng sắt đựng vịt gà, chen chúc chào mời bánh trái, áo quần hay giày dép.
Dhaka: Những sắc màu đối lập 2
Ảnh: Hữu Tài
Dhaka còn là thành phố của những đền thờ Hồi giáo với hơn 700 mosque chen chúc trong dân cư. Abdullah, cậu hướng dẫn viên 25 tuổi nhưng còi xương như mới lên mười, nhanh nhảu dẫn tôi qua các bãi rác, len qua những người vô gia cư, hay vài cặp vợ chồng ăn xin đang ngồi đếm tiền, để vào đền Baitul Mukarram lớn nhất nước. Giữa trưa nắng đổ lửa, ngôi đền được xây từ năm 1968 không cần mở điều hòa mà vẫn mát lạnh.
Thánh đường Bagerhat được xây dựng từ thế kỷ 15 với 60 mái vòm bằng đá trên nóc vẫn hiên ngang soi bóng giữa thủ đô. Thánh đường Ngôi sao (Star Mosque) được trang trí bằng những ngôi sao xanh từ gốm sứ mát lành. Các chức sắc tôn giáo mặc áo choàng trắng, tươi cười khi biết tôi là người Việt, sẵn sàng chụp chung mấy tấm hình và bảo nhớ đến thăm đất nước đẹp xinh của chúng tôi một lần nữa nhen!
Đền thờ đạo Hindu Dhakeshwari Temple nằm khuất sâu trong hẻm, được các tay súng bảo vệ phòng ngừa các cuộc tấn công của các phần tử quá khích. Ẩn sâu trong lòng phố xá cũ kỹ là nhà thờ của người Armenia được xây dựng từ năm 1781 vẫn trơ gan cùng mưa nắng.
Cổng đóng kín, dường như không có người đi lễ. Họ đã rời khỏi Dhaka, để về New Dhaka an toàn hơn. Người giữ nhà thờ chỉ chúng tôi các ngôi mộ nằm rải rác khắp nơi của các thương gia châu Âu đến đây giao thương và xác thân bao nhiêu năm vẫn chưa tìm về cố quốc.

tin liên quan

Indonesia đất nước vạn đảo
(TNTS) Indonesia được ghép bởi 2 từ: Indus - tiếng La-tinh nghĩa là Ấn Độ và Neos - tiếng Hy Lạp, nghĩa là những hòn đảo. Indonesia có 17.508 hòn đảo, trong đó hơn 6.000 đảo chưa có người ở.  Đây là quốc gia đa chủng tộc, đa ngôn ngữ và văn hóa nhưng tất cả thống nhất trong sự đa dạng theo khẩu hiệu “Bhinneka Tunggal Ika”.
Trường đại học Dhaka là niềm tự hào của dân Bangladesh vì bao tinh hoa của đất nước đã đi ra từ nơi này. Tuy là đất nước Hồi giáo, nhưng phụ nữ Bangladesh vẫn được tới trường, có chân trong chính phủ, làm thủ tướng lãnh đạo đất nước. Đầu hè, hoa thược dược, vạn thọ và mãn đình hồng khoe sắc khắp nơi.
Ashan Manzil hay còn gọi là Pink Palace (Cung điện hồng) nằm tĩnh lặng trên bờ sông Buriganga, được coi là điểm nhấn tuyệt đẹp giữa lòng phố xá Dhaka. Hơn 200 năm tuổi đời, Pink Palace đã chứng kiến bao sự thăng trầm, vật đổi sao dời của thời cuộc xứ này.
Nó từng là cung điện của các dòng tộc quyền uy, giờ trở thành viện bảo tàng quốc gia, trưng bày những vật dụng cũ ám đầy bụi bặm, Abdullah thuê người chèo ốm nhom, đen nhẻm để đưa tôi đi dọc dòng Buriganga, một nhánh của sông Hằng huyền thoại, trước khi đổ ra vịnh Bengal, trên chiếc đò mỏng dính.
Bangladesh là trung tâm dệt may của thế giới nên các dòng sông đều ô nhiễm nặng. Buriganga có màu đen kịt bởi hơn 60.000 m³ nước độc hại và hơn 4.500 tấn chất thải đổ vào nó mỗi ngày. Sông dài gần 18 km, là nơi vận chuyển hàng hóa lẫn con người (khi kẹt xe trở thành một vấn đề nghiêm trọng). Bỏ qua mùi hôi kinh hoàng và dòng nước đen đậm đặc, tôi tĩnh tâm nhìn cuộc sống trên sông diễn ra vô cùng nhộn nhịp.
3 Hai ngày hiếm hoi rảo bước khắp Dhaka, tôi để ý khuôn mặt đàn ông xứ này lúc nào cũng hiện lên nỗi dàu dàu khó tả. Những đôi mắt đen nhánh không thể nào buồn hơn, luôn né ống kính chụp hình, ám ảnh tôi nhiều ngày sau đó.
Tôi nhận ra những than thở, oán trách cuộc đời của mình trước những va chạm cuộc sống đều trở thành vô nghĩa khi đứng giữa lòng Dhaka rực nắng. Phải sống, bằng bất cứ giá nào cũng phải vươn lên giữa khổ nghèo và đói rách là cách mà Abdullah nói với tôi về người dân ở xứ sở của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.