Người Sài thành đi săn ở rừng Cần Giờ, có thể kiếm bạc triệu/ngày

Trác Rin
Trác Rin
28/04/2018 09:33 GMT+7

Thòi lòi to bằng cổ tay hay cá ngát nặng vài ký bắt được sau những lần đi săn ở rừng Cần Giờ (TP.HCM) giúp người dân có của ăn của để.

Mùa này, ngoài bẫy cá thòi lòi, người dân còn dùng tôm lùi (loài tôm chỉ đi lùi) làm mồi câu cá ngát, trúng có thể kiếm bạc triệu mỗi ngày.
Bẫy thòi lòi
Trời xế bóng, con nước ở rừng đước thuộc xã An Thới Đông (H.Cần Giờ) cạn chỉ còn vài cen ti mét. Lúc này, anh Phan Văn Hận (32 tuổi, quê Hậu Giang) lục đục mang đồ nghề ra đặt bẫy cá thòi lòi. “Mình tận dụng chai dầu ăn đã dùng hết rồi cắt ngang phần đáy cho nó cụp ra cụp vào được, sau đó buộc sợi chỉ nối phần đáy với phần cổ chai. Cá từ dưới hang bơi lên xuyên qua đáy chai sẽ nằm gọn trong đó”, anh Hận cho biết.
15 giờ, anh Hận lùng sục khắp cánh rừng để tìm hang thòi lòi. Đôi chân anh thoăn thoắt lội sình, bươn rễ đước khiến “thợ săn nghiệp dư” như tôi khá vất vả mới theo kịp. Thoáng thấy ổ kiến to tổ chảng nằm chình ình trên thân đước, anh Hận nói đó là dấu hiệu cây mục, phải né xa, tránh nguy cơ cây ngã trúng.
Phát hiện hang thòi lòi nào, anh Hận đặt phần đáy chai xuống rồi ấn từ từ cho đến khi gần ngập nắp chai, tiếp đó lấy sình bùn lấp kín. Anh thao tác thật nhanh để kịp đặt hết hơn 20 chiếc bẫy trước lúc con nước dâng cao. “Đi rừng lâu nay nên hễ thấy hang nó, tui biết liền. Nước cạn nó núp bên dưới, nước dâng cao cỡ đầu gối nó chui lên. Giá thị trường hiện giờ hơn 200.000 đồng/kg, giờ mà không lẹ tay coi như bữa nay thất thu”, anh nói.
Chiếc bẫy là chai nhựa được đặt xuống hang của thòi lòi, sau đó lấy bùn lấp và chỉ chừa lại miệng chai Ảnh: Trác Rin
Bẫy đặt xong, chúng tôi lên gò đất gần đó đợi giờ “thu hoạch”. Chừng 1 tiếng sau, nhắm thời cơ đã chín muồi, anh Hận bắt đầu thăm bẫy. Giữa không gian tĩnh mịch, những chú thòi lòi to bằng cổ tay người lớn rời hang đi kiếm ăn làm khuấy động cả góc rừng. Chúng rẽ nước bơi rất nhanh, thoắt ẩn thoắt hiện nên thường chỉ có cách đặt bẫy mới bắt được.
Người bạn đặc biệt
Hầu hết những người sống ở rừng Cần Giờ đều nuôi chó trên ghe. Với họ, chó là người bạn đảm bảo kẻ gian không dám bén mảng tới trộm cắp. Chó nhà anh Phát tên Lem. Lúc nhỏ, mới mang xuống ghe Lem bị muỗi chích te tua nên anh phải may áo cho nó mặc, tối ngủ còn giăng mùng. “Nuôi gần cả năm Lem mới cứng cáp, quen cuộc sống trên ghe. Tui có việc lên bờ, nó ở dưới này canh giữ. Giữa rừng nước hoang vu nên có ai bè bạn gì đâu, tui nuôi con Lem để cuộc sống bớt tẻ nhạt”, anh Phát nói.
Đang khom lưng lôi bẫy lên, anh Hận cho hay khoảng 50 - 70% số bẫy đặt sẽ có cá. Ngày nào siêng đi, anh kiếm được vài ký là chuyện thường. “Dính rồi! Dính rồi! Được một con to lắm nè! Thòi lòi nướng chấm muối tiêu chanh ăn ngon hết sảy đó”, anh Hận vui mừng cầm chiến lợi phẩm lên khoe.
Săn cá ngát lúc nửa đêm
Ngày bẫy thòi lòi, đêm xuống người dân Cần Giờ lại tất bật chuẩn bị “ra khơi” thả câu bắt cá ngát. Mồi là số tôm lùi “cây nhà lá vườn” mà họ đăng đáy (bắt) được. “Loài tôm này chỉ đi... lùi nên tụi tui đặt tên tôm lùi luôn. Nghề thả câu cũng vô chừng, bữa dính cả chục ký cá gỡ mỏi tay, bữa có vài ba con đủ kho ăn cơm thôi”, anh Đặng Thành Phát (37 tuổi, sống trên ghe ở rạch Lôi Giang, xã An Thới Đông) cho biết.
Anh Phát miệt mài gần một tiếng đồng hồ ngồi lựa, tách số tôm lùi trong mớ hải sản vừa kéo lưới đáy lên để làm mồi câu. Trời tối đen nhưng lũ muỗi và bù mắt (loại côn trùng hút máu) vẫn đi kiếm ăn không ngơi nghỉ. Tiếng đập “bốp, bốp” là thứ âm thanh duy nhất vang lên giữa rừng mỗi khi ai đó bị chúng tấn công.
Cá ngát dính câu được anh Đặng Thành Phát bắt lên
Lựa xong, công đoạn tiếp theo là móc mồi. Từ trong ghe chui ra để phụ chồng một tay, chị Phan Thị Lệ (33 tuổi, vợ anh Phát) nói: “Nhiêu đây hơn 500 lưỡi, thả câu dài cả cây số lận, để mình ổng làm biết chừng nào mới xong”.

Hơn 10 giờ đêm thì mọi thứ đều sẵn sàng. Anh Phát lên chiếc vỏ lãi rồi chèo tay đi thả câu. Anh đều đặn tay khua mái chèo, tay thả câu hết sức thuần thục.
Phía xa xa, ông Hai Làm (70 tuổi, ngụ xã An Thới Đông) cũng đang thả dây câu cá ngát. Ông kể mình vừa giữ rừng, vừa đánh bắt thêm ít tôm cá có tiền chi tiêu. Hằng ngày, ông kiếm được vài ký cá ngát. Cá nhỏ ông Hai Làm kho ăn cơm, cá to đem bán kiếm tiền trang trải và dành mua... vài xị rượu lai rai cho đỡ buồn. “Câu cá là thú vui của tui, đi gỡ câu cũng hấp dẫn lắm, lại có đồng ra đồng vào đỡ được phần nào”, ông chia sẻ.
Mờ sáng hôm sau, mọi người tất tả dậy đi thu dây câu. Việc này đòi hỏi sự cẩn thận cao nếu không muốn cá sổng mất. Với kinh nghiệm của mình, con nào dính câu anh Phát đã phát hiện cách đó vài chục mét. “Tui ngậm dây cước, tiếng cá vẫy vùng khi mắc câu cách vài chục mét tui đã biết. Lúc đó mình phải chèo từ từ, đặng canh lấy vợt vớt lên, mạnh tay xíu thôi cá sẽ sẩy ngay”, anh Phát cho biết.
Anh Phát cùng vợ móc mồi câu vào lưỡi
Hôm nay là một ngày bội thu, cá ngát dính câu lên đến gần 10 kg. Miệng cười tươi rói, anh Phát bảo nhiêu đây bán trên 1 triệu đồng, bữa nay vợ chồng anh có dư. “Con to nhất hơn 2 kg, nhỏ nhất vài lạng. Giờ hai vợ chồng tui lên bờ bán chứ để lâu cá chết họ không mua. Giá bán cho thương lái hơn 100.000 đồng/kg. Cá ngát mà nấu canh chua ăn hết chỗ chê”, anh Phát nói, rồi tức tốc nổ máy chiếc vỏ lãi, xé rừng thẳng tiến vào bờ.
200 hộ dân chăm sóc 34.000 ha rừng ngập mặn
Diện tích Cần Giờ khoảng 70.000 ha thì gần một nửa (khoảng 34.400 ha) là rừng ngập mặn. Toàn bộ diện tích này đều được giao khoán cho gần 200 hộ dân chăm sóc, bảo quản. Riêng xã An Thới Đông có khoảng 9.000 ha rừng ngập mặn. Vì thế, thủy hải sản ở đây cũng rất đa dạng.
Rừng Cần Giờ còn được xem là bức bình phong giữ cho TP.HCM và vùng phụ cận tránh gió bão, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Những năm qua, nhiều tổ chức quốc tế, địa phương trong nước đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm giữ rừng, góp phần quan trọng trong việc chống biến đổi khí hậu, sạt lở đất, phục vụ phát triển du lịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.