Người Sài Gòn tơi tả vì dịch, chung tay mong giãn cách lần này sẽ là lần cuối

09/07/2021 08:04 GMT+7

Chưa kịp ‘hồi phục’ sau những đợt dịch Covid-19 , lần này, dịch đã kéo dài bước sang tháng thứ 2 khiến người giàu hay người nghèo ở TP.HCM cũng 'tơi tả'. Do đó, mọi người đều ủng hộ và mong TP.HCM giãn cách lần này sẽ là lần cuối. Trên mạng xã hội, nhiều người còn lạc quan khi sáng nay đồng loạt đăng tải: "Mùng 1 Tết năm Covid", ở nhà mừng năm mới...

Từ 0 giờ ngày 9.7, TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong 15 ngày để phòng chống dịch Covid-19. Trước đó, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp như giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng, Chỉ thị 10 của UBND TP, tạm dừng 3 chợ đầu mối và nhiều chợ truyền thống,… Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm mới liên tục tăng kỷ lục.
Đợt dịch Covid-19 lần này kéo dài từ sau kỳ nghỉ lễ 30.4 – 1.5 đến nay đã hơn 2 tháng, nhiều người dân TP.HCM dù giàu hay nghèo cũng đang vất vả gồng gánh mong qua được đợt dịch này. Do đó, khi TP.HCM có thông báo giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ai cũng mong đây là lần cuối.

Người bán vé số rơi nước mắt trong nỗi lo thất nghiệp dài ngày vì Covid-19

Làm mọi cách để cầm cự

Chị Nguyễn Thị Tính (40 tuổi, Q.Tân Phú, chủ quán bún đậu mắm tôm) cho biết, cứ qua mỗi đợt dịch, doanh thu của quán lại giảm càng sâu hơn so với ngày thường. Nếu như đợt dịch đầu tiên, không được phục vụ tại chỗ nhưng các đơn mang về vẫn còn liên tục, thì đợt dịch thứ 4 này, số đơn hàng giảm thấy rõ.
“Tôi lấy 20 – 30 kg bún nhưng có nhiều ngày bán tới 9 – 10 giờ tối vẫn không hết. Anh bỏ mối đậu nói, với số lượng đậu tôi lấy là còn tương đối, chứ nhiều quán cùng bán bún đậu đã cắt giảm thê thảm”, chị kể.

Người Sài Gòn xếp hàng chờ nhận cơm hỗ trợ tại Gò Vấp

Ảnh: Vũ Phượng

Theo chủ quán bún đậu, những ngày này, chủ mặt bằng đã giảm 1/3 tiền nhà nên chị cũng nhẹ được phần nào các khoản chi. Hơn nữa, ở quán đều là người nhà, không thuê nhân viên nên mới có thể tiếp tục cầm cự được trong đợt dịch này.
Chủ một chuỗi quán ăn hơn 10 cửa hàng tại TP.HCM cũng thở dài chia sẻ: “Đợt dịch này rất phức tạp, tôi phải cho nhân viên ở lại quán, bao ăn luôn để vừa hỗ trợ nhân viên vừa đảm bảo phòng dịch. Mặt bằng dù đã được giảm nhưng cũng ngót nghét cả tỉ mỗi tháng, bán online phải liên tục "tung" chương trình khuyến mãi mới mong có dòng tiền để xoay. Thêm một lần giãn cách nữa, mong rằng sẽ là lần cuối để còn có cơ hội bù lỗ, chứ giờ là phải đi mượn nợ, cầm cố tài sản mà duy trì cửa hàng rồi”.

Ra đường ngày TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân cần trình giấy tờ gì?

Vay nợ khắp nơi

Chị Thúy Hường (24 tuổi, Q.Phú Nhuận, tiếp viên của một hãng hàng không) cho biết, từ cuối tháng 4, sau đợt cách ly vì vừa bay chuyến quốc tế về đến nay, chị chưa có một chuyến bay nào tiếp theo. Điều này đồng nghĩa với việc, 2 tháng trời, chị không kiếm được một ngàn nào.

Người nhặt ve chai nhận cơm trưa tại ATM lướt ống

Ảnh: Vũ Phượng

Trước đó, khi cắt các đường bay thương mại quốc tế, chỉ còn những chuyến bay đưa công dân về nước, mỗi tháng, chị Hường sẽ bay được vài chuyến trong nước, 1 chuyến quốc tế rồi cách ly 14 hoặc 21 ngày. “Tôi đăng ký ở ga Tân Sơn Nhất, đợt dịch này TP.HCM căng thẳng nên nhiều chuyến bay bị cắt giảm. 2 tháng qua, tôi đã dùng tiền tiết kiệm và mượn thêm người quen lo tiền nhà trọ. Lúc công việc ổn định, tôi có phụ gia đình nên tiền tiết kiệm không nhiều. Giờ có khó cũng phải tự tìm chỗ mượn chứ không thể để cha mẹ ở quê lo ngược cho mình được”, chị Hường bày tỏ.
Bà Trần Thị Châu (58 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) cho biết, mỗi ngày bà đi dọc các tuyến đường, vừa nhặt ve chai vừa kiếm chỗ phát cơm từ thiện để ăn qua bữa. Suốt mấy ngày qua, bà được nhận cơm trưa tại nhà thờ trên đường Lê Văn Sỹ, chiều thì nhận cơm tại một điểm trên đường Lê Văn Thọ.

Giới xe ôm công nghệ cũng gặp khó vì vắng khách.

Ảnh: Vũ Phượng

“Ve chai mùa này đâu có nhiều, bới hết mấy đống rác mà cũng được vài cái chai nhựa thôi, hàng quán nghỉ nhiều nên tìm ve chai đỏ mắt cũng không ra. Ngày không có dịch, tôi nhặt còn bán được 50.000 – 70.000 đồng, còn đợt này ngày được 20.000 đồng là may rồi, cơm mỗi suất 25.000 đồng nên đâu có dám mua, lo chừa tiền đóng nhà trọ”, bà Châu bộc bạch.
Do đó, khi nghe thông tin TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16, bà Châu và nhiều người nhặt ve chai khác lường trước được cảnh “đói” mấy ngày sắp tới. Dù vậy, họ vẫn ủng hộ và mong rằng xong đợt này, đường phố Sài Gòn nhộn nhịp trở lại để những người mưu sinh gắn với đường phố còn cơ hội kiếm cơm.

Một người dân bật khóc tại siêu thị 0 đồng khi được tặng phiếu mua hàng 400.000 đồng. Bà xúc động vì đã thời gian dài không dám bước chân vào siêu thị

Ảnh: Vũ Phượng

Chị Nguyễn Thị Bích P. (30 tuổi, tài xế công nghệ) cho hay, trong 3 đợt dịch trước, chị chật vật kiếm tiền nhưng vẫn đủ để đóng tiền nhà trọ, trả lãi ngân hàng đang vay trước đó. Đợt dịch này, không có khách chở, chỉ đi các đơn giao hàng, mua đồ ăn là chính nên số tiền kiếm được chỉ vài chục đến 200.000 đồng/ngày, chưa trừ các khoản phí.
“Tiền nhà trọ 1,5 triệu/tháng, tiền lãi ngân hàng 4 triệu/tháng, xoay không nổi, tôi phải mượn nợ khắp nơi để đóng các tiền này. Mà vay nợ giờ cũng khó, dịch mà ai đâu sẵn tiền vậy. Áp lực nợ đau đầu mất ngủ, nhưng còn có việc để làm là còn có hi vọng. Giãn cách tiếp cũng được, đằng nào đói thì cũng đói rồi, nợ cũng nợ rồi, chỉ mong dứt điểm để còn kiếm tiền. Kéo dài thêm vài tháng nữa chắc tôi ra đường ở thật”, chị P. cười méo xệch nói.

Bị phạt 2 triệu vì ra Công viên Gia Định tập thể dục giữa đại dịch Covid-19

Từ tối qua đến sáng nay, nhiều người dùng mạng xã hội ở TP.HCM cũng viết lên trang cá nhân bày tỏ quan điểm về chuyện TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày. Đa số các ý kiến đều ủng hộ quyết định này của TP trong bối cảnh dịch diễn biến căng thẳng. “Mỗi người cùng nhau nghiêm chỉnh chấp hành thì đây sẽ là lần cuối phải giãn cách”, chị T.T viết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.