Người Sài Gòn thận trọng hơn khi uống cà phê sau vụ cà phê pin

An Huy
An Huy
20/04/2018 09:39 GMT+7

Thông tin một cơ sở chế biến cà phê ở Đắk Nông vừa bị cơ quan điều tra xử lý khi pha tạp chất, nhuộm đen cà phê bằng pin Con ó khiến nhiều điểm bán cà phê ở TP.HCM ế ẩm, bởi khách không dám uống.

Cà phê cóc ế ẩm sau vụ cà phê nhuộm pin Con ó
Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã kiểm tra và xử lý một cơ sở sản xuất cà phê bằng cách thu mua vỏ và hạt cà phê vụn về pha tạp chất, dùng pin Con ó đập dẹp, lấy lõi than bên trong pha với nước nhuộm đen cà phê tại thôn 13 xã Đắk Wer, H.Đắk R'lấp.
Thông tin cơ sở này đã hoạt động từ nhiều năm qua, lượng cà phê bẩn tung ra thị trường trước đó không hề nhỏ, khiến hàng loạt các điểm kinh doanh cà phê cóc trên địa bàn TP.HCM trở nên ế ẩm, bởi người dân không dám dùng loại thức uống này, sợ đưa chất độc vào người.
Trao đổi với báo Thanh Niên, bà Lê Thị Hà (51 tuổi) bán cà phê cóc trên đường Cây Trâm (Q.Gò Vấp) cho biết, thời gian trước mỗi ngày bà bán từ 20 - 30 ly cà phê sữa, đá. Thế nhưng, 2 ngày gần đây, lượng khách ghé mua cà phê ở quán bà giảm hẳn dù giá bán không thay đổi và rất rẻ chỉ từ 10.000 - 12.000 đồng/ly cà phê.
“Hai ngày nay tôi thấy lạ sao những khách quen mua cà phê của tôi mỗi ngày không ghé, khách vãng lai mua đem đi cũng ít, mỗi ngày chỉ bán hơn 10 ly. Tôi hỏi đứa cháu thì mới biết có vụ phát hiện cà phê bẩn nhuộm bằng lõi than pin ở Tây Nguyên cách nay mấy ngày. Tôi mua cà phê ở mấy cơ sở cà phê rang xay nguyên chất, có nhập hàng lung tung ngoài thị trường đâu mà mọi người sợ không dám uống. Tình hình này, không biết tôi bán ế đến bao giờ đây”, bà Hà thở dài.
Cơ quan chức năng phát hiện cơ sở trộn pin vào cà phê Ảnh: Phan Bá
Bên cạnh đó, anh Nguyễn Văn Tuấn (42 tuổi) chủ một quán cà phê cóc trên đường Phan Văn Hớn (P.Tân Thời Nhất, Q.12) cũng cho biết, hai hôm trở lại đây, anh bán cà phê giảm hẳn so với những ngày trước đó, dù bán giá bình dân chỉ với 12.000 đồng/ ly cà phê đá và 14.000 đồng/ ly cà phê sữa.
Đa số khách vào quán anh Tuấn, cứ 10 người thì hết 8 người gọi các loại thức uống như: nước chanh, dừa, nước đóng chai…, khác hẳn so với gọi cà phê như trước đây. “Tôi sợ khách hiểu lầm bán cà phê bẩn nên có giải thích, cà phê của tôi nhập trực tiếp từ một công ty uy tín ở Đắk Lắk nhưng khách vẫn e dè. Tôi biết mọi người cũng lo sức khỏe cho mình nên họ có quyền nghi ngờ cà phê bẩn và không uống. Tôi phải chịu thôi chứ giải thích sao được”, anh Tuấn chia sẻ.
Nhiều người hiện hoài nghi về nguồn gốc cà phê ở các quán cà phê nguyên chất, Khi hàng chục tấn cà phê nhuộm pin Con ó trước đó đã tung ra thị trường ẢNH: AN HUY
Đề phòng vì lo sức khỏe bản thân
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, hiện đa phần người tiêu dùng chỉ hạn chế mua cà phê ở các quán cóc không thương hiệu, lề đường và nhỏ lẻ, còn những cơ cở kinh doanh cà phê thương hiệu hoạt động lâu năm, việc bán cà phê vẫn diễn ra bình thường.
Anh Đào Công Chiến (35 tuổi) chủ một chi nhánh cà phê M.L.N trên đường Thăng Long (Q.Tân Bình) cho biết, việc bán cà phê tại quán hiện vẫn diễn ra đều đặn, khách quen hay vãng lai đều uống cà phê bình thường, không có gì xáo trộn. Thậm chí, còn có nhiều người tới quán và kêu cà phê hơn.
“Tôi nghĩ, trước nạn cà phê bẩn đang xảy ra tràn lan trên thị trường, không chỉ cà phê nhuộm pin Con ó mà cả cà phê được pha bằng hóa chất được báo chí và cơ quan chức năng phanh phui vừa qua, người tiêu dùng cũng dè chừng trước khi mua uống vào bụng. Nếu lo ngại, mọi người có thể mua cà phê thương hiệu và tự pha chế ở nhà để thưởng thức”, anh Chiến chia sẻ.
Nhiều người không dám thưởng thức cà phê cóc ven đường vì sợ không đảm bảo vệ sinh ẢNH: AN HUY
Bên ly nước cam ép tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp), anh Nguyễn Văn Tứ (25 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) chia sẻ, công việc của anh thường đi nhiều ngoài đường, nên mỗi lúc khát nước anh đều ghé một quán cóc bên đường mua một ly cà phê đá uống cho tỉnh táo làm việc.
Thế nhưng, sau vụ phát hiện cà phê bẩn nhuộm pin Con ó, thói quen giải khát của anh hai ngày trở lại đây cũng thay đổi bằng các loại nước đóng chai, dừa tươi hoặc nước cam...
“Đi ngoài đường, dù buồn ngủ và thèm ly cà phê mát lạnh nhưng thật sự tôi không dám uống nữa. Nếu thưởng thức cà phê, tôi sẽ chọn những quán quen hoặc uy tín dù giá có mắc hơn nhiều lần. Dù biết chỉ một phần rất nhỏ cà phê bẩn được bán trên thị trường, nhưng đề phòng và lo sức khỏe bản thân là tốt hơn, vì làm sao biết đâu là cà phê bẩn và sạch khi quan sát bằng mắt thường”, anh Tứ cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.