Nói một câu thật 'chất' về Quận mình đang sống: ‘Bình Thạnh kẹt xe quá xá!’

13/04/2021 12:14 GMT+7

‘Bình Thạnh kẹt xe quá xá’ - câu cửa miệng của nhiều người khi nhận xét về quận này. Với người dân Bình Thạnh, kẹt xe là điều gì đó rất thân quen, quen đến nỗi ám ảnh, không kẹt ngã ba này cũng khỏi nhúc nhích tại tại ngã tư, ngã 5 kia kia…

Nói chuyện kẹt xe là “thân quen” với người dân Bình Thạnh (TP.HCM) vì các con đường ở đây luôn đông đúc, trong hẻm nhiều khi cũng kẹt vì dòng xe ùn ùn tìm lối thoát. Với người mới vào TP.HCM, đi ngang Bình Thạnh sẽ thấy sao “ngộp thở” quá, nhưng với dân Bình Thạnh, đây như chuyện cơm bữa. Có lẽ vậy mà người ta hay đùa kẹt xe chính là “đặc sản” của Bình Thạnh. Thứ đặc sản gì mà lạ lùng, khiến người ta bực bội, khó chịu khi thưởng thức, hiếm hoi được ngày không kẹt xe lại thấy thiêu thiếu.

Nỗi ám ảnh

Mấy hôm nay, mạng xã hội chia sẻ những dòng trạng thái vui về kẹt xe ở Bình Thạnh như: “Bán kính 2km là có kẹt xe, sao người ta sống được ở Bình Thạnh hay vậy?”, “Đang mắc đi vệ sinh thì đừng vào Xô Viết Nghệ Tĩnh vì không biết khi nào bạn mới về tới nhà”,…

Phải chật vật lắm mới tìm được khoảng trống trên đường

Ảnh: Vũ Phượng

Chen nhau trên đường khiến nhiều người cảm thấy ngộp thở

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

Đó là mấy bạn trẻ chia sẻ vui vui cho xôm Facebook, nhưng mà nghĩ thấy cũng đúng thật. Ngoài hai con đường nổi tiếng kẹt xe trên, cứ đi gặp ngã ba, ngã tư hay đèn đỏ là kiểu gì chẳng gặp kẹt xe tiếp như ở đường Nguyễn Gia Trí, Ung Văn Khiêm, Lê Quang Định, Vạn Kiếp… Mang tiếng lâu lâu mới kẹt, nhưng không, nếu đi những con đường này mỗi ngày thì người viết xin khẳng định là bạn sẽ gặp cảnh kẹt xe thường xuyên.
Chỉ cần tại một ngã ba có vài xe cố chen ra là nguyên dòng phương tiện ở trục đường ưu tiên trở nên lộn xộn. Đèn đỏ cũng vậy, bên thì ráng vượt, bên thì còn 5 giây đã chạy, thành ra đủ loại xe xiên xỏ mắc kẹt ở giữa đường, và… lại kẹt.

Ô tô, xe máy như chung một làn

Ảnh: Vũ Phượng

Shipper mệt mỏi giữa dòng kẹt xe trên Xô Viết Nghệ Tĩnh

Ảnh: Vũ Phượng

Sau 1 ngày mệt mỏi với công việc, lại phải chen trong dòng kẹt xe về nhà. Đây có lẽ đúng là thử thách mà chỉ ai bắt buộc đi ngang con đường này mới hiểu

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

Ngồi nhìn những chiếc quạt được bao giấy kiếng nhưng vẫn đầy bụi, ông Trần Quang Nhật (57 tuổi, bán quạt trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) lắc đầu: “Ngoài việc kẹt liên miên, ồn ào tối ngày ra thì con đường này còn “cho” cửa hàng tôi một đống bụi bám vào đồ đạc. Mà nhà ở đây giờ biết sao được, lau bụi sống qua ngày vậy”.
Ông Nhật cho biết, kẹt xe cao điểm thì hai cữ một ngày còn xe đông giờ nào cũng có. Là người dân sống tại con đường này, nếu có việc cần đi ra ngoài, ông Nhật thường lựa giờ trưa để đi, vì sáng và chiều tối hễ bước chân ra đường kiểu gì cũng gặp kẹt xe, không nhiều cũng ít.
Tuy nhiên, những tài xế công nghệ thì chỉ biết thở dài khi ứng dụng nổ cuốc ở đây. Anh Mai Thành Đạt (21 tuổi, shipper) cho biết nghề của anh cần tốc độ, nhưng đơn nổ ở Bình Thạnh trúng giờ sáng và chiều tan tầm thì muốn nhanh cũng không được.

Xô Viết Nghệ Tĩnh là con đường ám ảnh của nhiều người vì kẹt xe như cơm bữa

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

Nếu không bon chen vào đây thì đi đường khác xa hơn, nhưng cũng chưa chắc thoát được kẹt xe

Ảnh: Vũ Phượng

“Mỗi lần nhận đơn thấy địa chỉ ở Xô Viết Nghệ Tĩnh là tôi “mệt” tới rồi, nhất là lúc tan tầm, biết là đường đang kẹt nhưng vẫn phải chạy vào. Thường đơn đã nhận chỗ khác rồi đến đường này giao thì khách hiểu nên kiên nhẫn đợi, còn nếu quán ở trong này nhiều khi khách đợi lâu quá lại hủy dẫn đến tốn thời gian, công sức của đôi bên”, Đạt nói.
Không như anh Đạt, ông Trần Kim Lý (55 tuổi, tài xế taxi công nghệ) thì chấp nhận bị đánh giá sao thấp, chấp nhận luôn tỷ lệ nhận cuốc thấp để bấm hủy chuyến khi hệ thống có phát cuốc đi vào Xô Viết Nghệ Tĩnh hay Đinh Bộ Lĩnh.
Ông Lý giải thích: “3 lần tôi có cuốc khách đi Xô Viết Nghệ Tĩnh, cả tiếng trời cứ nhích từng chút một muốn khùng luôn. Thôi hủy cho khỏe chứ nghĩ tới con đường không còn một khoảng trống là thấy nhức đầu rồi”.

Tình trạng này thường kéo dài từ 16 giờ 30 phút đến 20 giờ mỗi ngày

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

Bắt đầu từ 17 giờ hằng ngày, dòng người đổ về đoạn đường này ngày càng đông, có lúc tất cả đều chung cảnh “chôn chân”. Trời nhá nhem tối, hàng quán hai bên đường đã lên đèn, nơi nướng thịt, chỗ bán bánh, vài xe nước giải khát, tất cả đều ế ẩm như nhau.
Giữa dòng xe đang cùng nhau nhích trên đường, một chiếc xe máy bỗng cà giựt rồi chết máy, trong khi chủ xe đang loay hoay đạp trả số, tiếng còi xe bim bim từ phía sau, đoạn đường lại tạm thời tắc nghẽn cục bộ…

Chạy đâu cho thoát kẹt xe!

Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến Ngã 5 đài liệt sĩ) chỉ dài 1km nhưng chứa muôn vàn cảm xúc hỉ nộ ái ố của người Sài Gòn mỗi khi nhắc đến. Đặc biệt, giờ cao điểm hàng ngàn người với đủ các loại ô tô, xe buýt, xe máy,… chạy đan xen vào nhau, ai cũng muốn vượt lên, điều này chỉ càng khiến đoạn đường ùn tắc hơn.
Tiếng động cơ, còi xe đủ loại cùng với hơi nóng từ các pô xe thải ra làm người đi đường cảm giác như đang trong chảo lửa khổng lồ, mồ hôi cứ thế tuôn ra như mưa nhưng tiến không được, lùi cũng không xong, chỉ còn cách đứng đó chịu trận.

Người dân quá quen với cảnh kẹt xe trên các con đường này

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

Khói bụi từ xe cộ cũng như không khí ô nhiễm làm những gương mặt đang vật vờ vì một ngày làm việc mệt mỏi càng thêm phờ phạc, chán nản. Nhưng vì sao người dân vẫn chọn đi con đường này?
Chị Vũ Minh Thy (29 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) làm nhân viên truyền thông tại Q.3. Con đường đi làm của chị khá “gian nan” vì sáng kẹt chiều đi, tối kẹt chiều về. Chị Thy kể, sáng 7 giờ 30 chị ra khỏi nhà, bon bon trên đại lộ Phạm Văn Đồng thông thoáng, vừa qua cầu Bình Triệu để vào Đinh Bộ Lĩnh thì như hai thế giới.
“Đụng ngay cổng Bến xe Miền Đông là kẹt, nhích được vài trăm mét thì gặp đèn đỏ kẹt tiếp. Nặng nhất là đoạn từ cầu Đinh Bộ Lĩnh đến giao lộ với Bạch Đằng. Chiều về thì nguyên con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phải bon chen lắm tôi mới nhích đi được, chứ chạy xe hiền là bị người khác cướp mất khoảng trống hiếm hoi trên đường liền”, chị Thy ví von.

Kẹt xe Bình Thạnh là thứ "đặc sản" đặc biệt, thưởng thức thì bực, mà không có lại thấy thiếu

Ảnh: Vũ Phượng

Bon chen giành nhau từng cen-ti-mét mặt đường, cộng theo tiếng còi xe inh tai nhức óc, gặp hôm công việc không mấy suôn sẻ khiến chị Thy mồ hôi nhễ nhại, đầu óc quay cuồng. Dù vậy, chị vẫn chọn tuyến đường này để di chuyển vì “Bình Thạnh mà, chạy đâu cho thoát kẹt xe”.
Anh Hoàng Minh Dũng (35 tuổi, ngụ Bình Dương) làm nhân viên ngân hàng tại Q.1 nhận xét, từ Bình Dương đi trung tâm TP.HCM thì đường Đinh Bộ Lĩnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh là hai tuyến ngắn nhất vì đi theo đường thẳng.

Nhiều người than chịu hết nổi với kẹt xe ở Bình Thạnh, tìm cho mình một lối đi riêng...

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

Sau 2 năm tưởng chừng như quen với cảnh kẹt không lối thoát, trong cơn mưa to xối xả và giờ tan tầm, anh mất tới 45 phút loay hoay trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh tìm lối thoát. Anh ngao ngán nhớ lại: “Ám ảnh. Con đường có chia làn nhưng vào giờ cao điểm thì tất cả đều là làn ô tô thì phải, tôi đi sát lề vẫn bị lấn suýt té, lề đường cũng không còn khoảng trống để mà leo nữa. Tôi tự “giải thoát” cho mình bằng cách đi đường vòng qua Ngã tư Phú Nhuận rồi ra Phạm Văn Đồng. Vẫn không thoát hẳn được kẹt xe nhưng ít ra không còn phải lên ga, bóp thắng liên tục như cũ. Chấp nhận đi đường vòng để cho mình có chút không khí mà thở chứ Bình Thạnh kẹt xe quá xá mà”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.