Người Sài Gòn ở gần các khu phong tỏa, cách ly Covid-19, cần chuẩn bị gì?

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
09/06/2021 08:04 GMT+7

‘Nếu một ngày đi làm về thấy gần nhà giăng dây phong tỏa thì phải làm sao?’, ‘Lỡ đâu ngày mai là đến lượt nhà mình’,... là những bình luận được nhiều người quan tâm bên dưới các thông tin phong tỏa tại TP.HCM những ngày qua.

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, địa chỉ những khu vực phong tỏa cách ly lấy mẫu xét nghiệm ở TP.HCM liên tục được cập nhật và chia sẻ trên mạng xã hội. Ở gần khu vực bị phong tỏa, tâm lý chung của nhiều người là lo lắng liệu những người ở nơi bị phong tỏa có từng tiếp xúc với mình hay không. Không ít người thắc mắc nếu ở gần bên khu vực phong tỏa cách ly thì phải chuẩn bị những gì để phòng khi khu vực của mình cũng "bị căng dây". 

Nghĩa tình ở khu Sở Thùng: Chợ 0 đồng trong "hẻm nhặt rác" bị phong tỏa vì Covid-19

Cần tìm hiểu kỹ thông tin về nơi bị phong tỏa

Kể lại câu chuyện của mình, chị Nguyễn Thị Tứ (ngụ P.24, Q.Bình Thạnh) cho biết gần nơi chị ở có nhiều địa điểm bị phong tỏa và khoanh vùng cách ly. Đặc biệt, một siêu thị nhỏ trên đường Vũ Tùng gần chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) bị giăng dây cách ly ở gần nhà chị nhất.

Nhiều chung cư với hàng trăm hộ dân sinh sống phải tạm thời phong tỏa vì liên quan đến các ca nhiễm Covid-19

Ảnh: CTV

Chị tâm sự thường ra vào nơi đây để mua đồ nên khi nghe tin nơi thường đến bị phong tỏa thì hơi sốc và bất ngờ. “Hôm đó bạn cùng phòng ở quê gọi điện thoại hỏi thăm là có biết chỗ gần nhà đang bị phong tỏa hay không thì mình cũng ngỡ ngàng vì không hay biết gì”, chị chia sẻ.
Trở về nhà, chị Tứ bắt đầu tìm hiểu thông tin siêu thị bị phong tỏa vào thời gian nào và đọc kỹ các bản tin để xem khung giờ người nhiễm bệnh đi siêu thị có trùng với thời điểm chị đến hay không.
Thở phào nhẹ nhõm, chị cho biết bản thân đi mua sắm vào thời gian khác với khung giờ lực lượng chức năng tìm kiếm nên không thuộc diện phải khai báo y tế để xét nghiệm Covid-19 và thực hiện cách ly.

Khu vực phong tỏa vì có người liên quan đến các ca nhiễm Covid-19 từng đến

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Sau đó, chị Tứ được chủ nhà trọ thông báo thông qua nhóm chung và cũng nhắc nhở thời gian này hạn chế cho bạn bè đến nhà. Theo chị Tứ, sống gần khu vực phong tỏa một trong những điều quan trọng nhất là cần phải có một ít lương thực. Nếu không may nơi ở trở thành địa điểm phong tỏa không đi đâu được thì vẫn có cái để ăn. 
Chị tâm sự thêm: “Mọi người cũng không nên hoang mang quá vì sợ thì cũng không làm được gì. Nên cứ giữ tinh thần thoải mái, bình tĩnh để cùng chung tay chống dịch. Mình cũng hạn chế tiếp xúc với người ngoài kể cả bạn bè nhiều nhất có thể”.
Tương tự, chị P.T.S.M (24 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) kể lại đang trên đường đi làm về thì thấy chung cư gần nhà bị giăng dây phong tỏa. Bên trong, người dân đang được tập trung để lấy mẫu xét nghiệm. Vài ngày sau, lại thêm 2 chung cư gần đó bị phong tỏa.
“Vì tính chất công việc phải đi ra ngoài nhiều nên cũng khá lo lắng nhưng lúc này bình tĩnh là quan trọng nhất. Nếu nơi mình ở cũng bị giăng dây cách ly phong tỏa thì mình cũng sẵn sàng chấp hành để chung tay phòng dịch Covid-19”, chị nói.
Ở gần khu vực bị phong tỏa, chị M. cho biết đã chuẩn bị tinh thần từ trước nên không lo lắng nhiều. Chị tâm sự ngoài chuẩn bị tinh thần thì những người ở gần nơi phong tỏa cũng nên tìm hiểu thêm về lịch trình di chuyển của những người nhiễm bệnh trong khu vực phong tỏa để theo dõi tình hình. Tự theo dõi sức khỏe của bản thân và hạn chế gặp người ngoài nhiều nhất có thể.

Quỹ vắc xin Covid-19 của Việt Nam đã có hơn 7.400 tỉ đồng

Sẽ bất ngờ nhưng nên ổn định tinh thần

Còn đối với anh Nguyễn Vũ Thành (ngụ Q.Gò Vấp), điều những người ở gần khu vực phong tỏa cần nhất là nên ổn định tinh thần trước vì khi nghe tin nơi ở bị phong tỏa thì ai cũng sẽ bất ngờ.

Nhiều người bất ngờ nghe tin phong tỏa nhưng vẫn bình tĩnh chấp hành để phòng dịch

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Anh chia sẻ vì theo dõi tình hình dịch Covid-19 từ đầu nên cũng lường trước sẽ có thể tiến hành giãn cách xã hội trước sự lây nhiễm phức tạp của dịch bệnh. “Tuy cũng có chuẩn bị trước nhưng tôi nghĩ sẽ chỉ phong tỏa một số phường có ca nhiễm chứ không nghĩ là cả quận Gò Vấp. Thời điểm đó ở TP.HCM địa điểm phong tỏa còn ít nên ngỡ ngàng lắm. Nhưng đây là tình hình chung nên mình phải chấp hành”, anh nói.
Anh Thành thuê nhà trên đoạn đường Lê Quang Định giáp với Q.Bình Thạnh nên chốt ngăn giữa hai quận được đặt cách nhà anh chỉ vài trăm mét. Có kinh nghiệm từ lần giãn cách xã hội trước, anh không dự trữ thực phẩm mà chỉ mua đồ dùng cần thiết.

Người dân khu cách ly Covid-19 thi trồng táo, quên căng thẳng ngày dịch

“Mình biết vẫn có thể ra ngoài mua những nhu yếu phẩm nhưng đây là thời điểm mà phải hết sức cẩn thận, hạn chế tiếp xúc. Trong ngày đầu phong tỏa thì tôi chỉ tranh thủ lúc tối ra mua chút đồ, tiếp tục theo dõi thông tin và điều chỉnh cảm xúc của mình theo hướng lạc quan là tình hình dịch sẽ ổn định và mọi thứ lại trở lại bình thường”, anh cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.