Người Sài Gòn ngồi suốt ở đây: Chè 'khách nói thì nghe', chủ bán cả thanh xuân

Hoài Nhân
Hoài Nhân
22/03/2019 12:13 GMT+7

Bộ 3 quán chè của giới học trò quận 3 nay chỉ còn 2. Ra đời đầu tiên và trở thành địa chỉ "tụ tập" của nhiều thế hệ áo trắng, chè Kỳ Đồng không đổi nơi, không đổi chủ và đã tồn tại gần 40 năm.

Tôi vẫn thường nghe nhiều thế hệ học sinh những năm 80, 90 của các trường học khu vực quận 3 truyền tai nhau về bộ ba chè Kỳ Đồng, Yên Đỗ, Trần Quang Diệu (quán “Chè 85”). Cuộc sống phát triển, những địa chỉ này cũng đi theo sự đổi thay của năm tháng. Chè Yên Đỗ vì lý do gì đó đã không còn mở bán, còn hai cửa tiệm “anh em” đến nay tuổi đời cũng đã ngót nghét gần 40 năm.

Không đổi nơi, đổi chủ... chỉ đổi vị

Có mặt ở Q.3 trước “người đồng môn” Chè 85 (đường Trần Quang Diệu) 1 năm, chè Kỳ Đồng là một trong những địa chỉ bỏ túi một thời của những "tín đồ chè" các trường lân cận như tiểu học Kỳ Đồng, THCS Lê Lợi, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn, Marie Curie,…
38 năm không đổi chủ, đứng bán hiện tại vẫn là người “khai sinh” ra quán chè Kỳ Đồng - bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (SN 1955). Bà vốn gốc Sài Gòn, sinh ra và lớn lên tại căn nhà 16C Kỳ Đồng (Q.3), cũng là nơi quán chè yên vị suốt mấy chục năm nay.
Từ quán nhỏ xập xệ dưới mái hiên, nay chè Kỳ Đồng đã khang trang hơn nhiều. "Khi xây sửa quán và đặt tên, tôi không biết đặt gì, ông xã mới nói: Thôi đường Kỳ Đồng thì cứ chè Kỳ Đồng. Vậy là lấy luôn", bà kể HOÀI NHÂN
Ban đầu, bà Hoa chỉ bán rau má, sương sáo, cocktail và xi-rô, vài năm sau bà mới làm món chè thập cẩm để bán HOÀI NHÂN
 
Theo yêu cầu, bà bắt đầu mày mò làm thêm hàng chục loại chè khác HOÀI NHÂN 
Mở cửa từ 7 giờ 30 - 22 giờ, quán chè luôn đông khách HOÀI NHÂN
“Trước đó tôi làm kế toán kho cho một công ty, nhưng bấy giờ lương chỉ cọc cạch được 34 đồng/tháng. Năm 74 thì ba mất, cuộc sống gia đình cũng khó khăn hơn, nhưng mẹ tôi nhất định không cho thuê trọ vì nói cho thuê rất phức tạp. Thấy mặt bằng như thế uổng, tôi mới xin bà nghỉ làm để buôn bán. Một người chị họ gợi ý tôi bán các loại nước giải khát rau má, sương sáo, cocktail và xi-rô, thế là tôi bán thử”, bà Hoa nhớ lại.
Nhiều lần gặp bạn bè cũ, họ cứ hỏi "lúc rày mày làm gì". Tôi nói "bán chè". Họ cười "gì mà nửa thế kỉ cũng còn bán chè hoài, mày dùng cả thanh xuân để bán chè hả"
Bà Hoa - chủ quán chè Kỳ Đồng
Có một điều mà chỉ những người thế hệ trước ở Sài Gòn mới biết, đó là con đường Kỳ Đồng lúc bấy giờ là “thiên đường” lạc-xoong. Theo bà Hoa, những người mua bán đồ cũ tập trung về con đường này rất nhiều, hầu như cái gì cũng có! Các gian hàng bày bán trên những miếng bạt, từng ô từng ô trải dài từ đầu cho đến cuối đường.
Bà Hoa cho biết: “Nhờ những cuộc bán mua đó mà hàng nước của tôi mới dần ăn nên làm ra. Nhưng ban đầu cũng không phải chuyện dễ dàng đâu, bán từ sáng tới chiều chỉ được mười mấy ly. Phải kiên trì lắm mới trụ qua thời gian thử thách đấy được. Mình có cái mặt bằng là nhà mình nên cũng đỡ. Giá cả bấy giờ cũng như các hàng quán anh em Yên Đỗ, 85, chỉ độ đâu hào hai, hào rưỡi một ly, vậy nên học trò mới rỉ tai nhau tìm đến”.

Bán chè nuôi con du học

Trong ký ức của bà Hoa và nhiều lứa học sinh thời trước, vẫn còn hình ảnh giản dị của quán chè không tên ở một góc đường Kỳ Đồng. Vỏn vẹn 3 chiếc bàn nhỏ xíu với những chiếc ghế thấp lè tè, cạnh bên một chiếc bàn bày các nguyên liệu làm chè. Ấy vậy mà xe đạp của các cô cậu học trò đến ăn dựng tràn cả ra đường!
Còn câu chuyện về món chè đầu tiên được bà Hoa kể lại: “Bán nước đâu được vài năm thì một cô bạn thân mới chỉ tôi làm chè thập cẩm. Đó cũng là món chè đầu tiên tôi làm bán. Nhưng không phải giữ nguyên công thức của cô bạn, vì sau đó nghe khách góp ý, tôi mới nương theo để nêm nếp đường, sữa cho phù hợp khẩu vị họ hơn”.
Theo bà Hoa, chè của bà có một công thức “bí mật”, đó là… thực khách! Nói đơn giản, bà làm chè bình thường, nhưng thực khách đến ăn, góp ý thế nào thì bà lại nghe. Nếu nhiều người cùng góp ý như thế thì bà sẽ chỉnh sửa mùi vị cho thực khách dễ ăn hơn.
Chưa hết, các món chè sau này ra đời cũng là do câu chuyện của… thực khách, không phải chủ ý của bà. “Ví dụ người này ăn chè đậu đen, nhưng hỏi có chè đậu đỏ không, rồi nhiều người hỏi như thế, vậy là tôi làm chè đậu đỏ. Cứ vậy mà mày mò đến nay cũng vài chục loại chè rồi. Khách hàng là thượng đế mà”, bà cười.
Bà Hoa "tiết lộ" bí quyết nấu chè, đó là... theo yêu cầu thực khách! HOÀI NHÂN
Mỗi ly có giá từ 9.000 - 27.000 đồng HOÀI NHÂN
Nguyên liệu được bà lấy từ hàng chè thô lâu năm trong chợ Nguyễn Văn Trỗi HOÀI NHÂN
Cũng vì thế mà bà Hoa nhận ra được sự thay đổi khẩu vị của người ăn qua thời gian. Nếu ngày xưa, người ta chuộng vị chè ngọt đậm, thì nay đã ăn nhạt hơn nhiều, bà chỉ làm vị chè ngọt thanh. Nhưng bà cũng lý giải: “Do ngày xưa đối tượng chủ yếu đến quán là học sinh, còn nhỏ nên thích ăn đồ ngọt. Những lứa trẻ bây giờ chỉ chọn trà sữa máy lạnh, cà phê văn phòng, nên những người ăn giờ đa số là lớp học sinh xưa, nay đã thành cha mẹ, ông bà”.
Nói xong, tự bà Hoa cũng giật mình, hóa ra thời gian trôi nhanh đến vậy. Bà giờ đã là bà nội, bà ngoại của 4 đứa cháu! Con gái lớn của bà hiện đang học cao học ở New Zealand, rước cả gia đình nhỏ qua đấy sinh sống. Con trai kế phụ bà bán chè và truyền thông cho quán. Con trai út cũng từng đi du học và làm việc ở Singapore, trước khi trở về Việt Nam. Thế đấy, nhờ hàng chè này, mà bà đã nuôi 3 con học đại học, cao đẳng, rồi du học hẳn hoi!

Nhớ cái mô-tơ đuổi... ruồi

Những lứa học trò cũ ngồi lại quán vẫn hay kể chuyện xưa. Vô tình đến ăn, nghe tôi và bà Hoa ngồi trò chuyện, ông Lý Văn Được (50 tuổi, ngụ Q.7), vốn là một cựu học sinh trường Marie Curie, hào hứng góp vui. “Tôi đây này, ngày xưa ăn suốt, ba chục năm rồi mới có dịp quay lại đây. Chuyện xưa kể đến bao giờ cho hết! Mà nói chứ kỉ niệm có đẹp có xấu, tôi thì nhớ hoài cái mô-tơ đuổi ruồi quay quay suốt. Bị hồi xưa khúc kênh Nhiêu Lộc trên đây còn, nên các hàng quán khốn đốn lắm”, ông cười.
Ông Được cũng cho biết, ngày xưa tiêu chí hàng đầu của học trò là rẻ! Thời bao cấp khó khăn, ông và bạn bè thèm tô phở nhưng chẳng dám ăn. Những hàng quán quen thuộc khu này chỉ có một gánh bún riêu cua trong con hẻm và những hàng chè thế này. “Mà chè cô nấu thì béo nước cốt dừa, đậu mềm vừa phải, nói ngắn gọn là vừa ngon vừa rẻ, nên cả đám cứ kéo ra suốt. Có bữa nghỉ học cũng đạp xe từ nhà tận Thủ Đức vô ăn”.
Bà chủ quý khách mang chè giao tận tay người ăn HOÀI NHÂN
Ông Lý Văn Được trở lại quán chè sau mấy chục năm, nhớ mới ngày nào mình vẫn còn đạp xe ăn chè cùng bè bạn, nay đã trở thành một luật sư bước sang tuổi 50 HOÀI NHÂN
Khách ở quán chè đa phần là những cô cậu học sinh năm xưa HOÀI NHÂN
Những ký ức cũ xưa luôn khiến những thực khách bồi hồi HOÀI NHÂN
Cũng không hiếm những thực khách ăn chè từ đời mình, rồi lớn lên, sinh con đẻ cháu, rồi lại dắt con cháu đến ăn. Như bà Nguyễn Minh Thủy (59 tuổi, ngụ Q.3) chia sẻ: “Đúng là nhanh thật, giờ nhìn mấy đứa nhỏ ngồi ăn cứ thấy lại hình ảnh mình hồi xưa. Chỉ khác là lúc đó mình muốn ăn ly chè cũng phải đắn đo, dành dụm chứ không thoải mái được bây giờ. Ăn hoài, tự nhiên thấy quen miệng, gắn bó, kiểu đi đâu cũng không bằng”.
Với họ, khi càng lớn, càng vần xoay trong những đổi thay của cuộc sống, thì những gì thuộc về ngày cũ đều rất đáng để nhắc, để nhớ và để quay trở về.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.