Người Sài Gòn đi chùa lễ Phật đản: 'Cầu bình an vượt qua dịch Covid-19'

Đại lễ Phật đản năm nay, nhiều ngôi chùa tại TP.HCM vắng người đến thắp hương vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 . Riêng những người có đến chùa đều kín mít khẩu trang, giữ khoảng cách, nhiều người đứng ở cổng chùa lạy Phật.

Thưa thớt người đi chùa

Theo ghi nhận của Thanh Niên sáng 26.5, ngày lễ Phật đản (tức ngày 15.4 âm lịch), nhiều ngôi chùa lớn ở TP.HCM như Việt Nam Quốc Tự (Q.10), chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3), Pháp viện Minh Đăng Quang (Q.2)... vẫn mở cửa nhưng người đi chùa thưa thớt chứ không đông đúc, chen lấn như mọi năm.

Chùa Phước Viên chỉ cho một số người vào chùa còn lại chủ yếu lạy Phật ở ngoài cổng chùa

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

9 giờ sáng, Việt Nam Quốc Tự vẫn rất vắng người. Trước khi vào bên trong, Phật tử sẽ được đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn tại cổng. Một bảo vệ ở chùa cho biết: “Những năm trước người đi chùa quá tải, xe đậu dài chật cứng, năm nay giảm rất nhiều. Hôm nay các thầy làm lễ nội bộ trong chánh điện để hạn chế việc tụ tập đông người”.

Người Sài Gòn đi chùa lễ Phật đản mùa Covid. Thực hiện: Duy Phú

Tương tự, chùa Pháp Hoa (Q.3) cũng yên tĩnh. Mặc dù lượng người đi lễ Phật, tắm Phật trong ngày đại lễ có tăng hơn vài ngày trước nhưng so với khi chưa xuất hiện Covid-19 thì không đáng kể.

Pháp viện Minh Đăng Quang đóng bớt 1 cánh cửa lớn và không để xe du lịch lớn vào chùa

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Người đến chùa phải thực hiện khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Tại chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh), người dân chủ yếu gửi xe và lạy Phật ở trước cổng chùa rồi đi về thay vì vào bên trong như mọi năm. Bảo vệ ở chùa cũng cho biết lượng người đến chùa ít hơn nhiều so với mọi năm, nếu thấy bên trong đã có một số người rồi thì sẽ nhắc nhở những người ở ngoài để hạn chế vào bên trong.
Riêng chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3), người đến chùa nhiều hơn, tất cả phải rửa tay sát khuẩn trước khi vào. Ngoài đặt bảng nhắc nhở khách, chùa còn phát loa khuyến khích Phật tử đeo khẩu trang, giữ khoảng cách để đảm bảo phòng dịch.

Người đến chùa Vĩnh Nghiêm thắp nhang, cầu bình an ngày lễ Phật Đản

Ảnh: Thanh Khương

Bà Trần Thị Yến (67 tuổi, ngụ Q.10) ngồi trên chiếc xe lăn, được người thân đẩy vào bên trong Việt Nam Quốc Tự để thắp hương. Bà cho biết vì gần nhà nên cứ mỗi ngày rằm và mùng 1, bà đều đến đây như một thói quen suốt 40 năm qua.
“Tôi thì đi nhiều chùa lắm, nhưng chùa này đối diện nhà, gần nhất nên tôi đi thường xuyên hơn. Chân tôi bị liệt từ nhỏ, phải ngồi xe lăn nên di chuyển có chút bất tiện. Nhưng mà tôi quen đi chùa rồi, nhất là hôm nay lễ Phật đản nên lại càng phải đi để thể hiện lòng thành kính đối với Đức Phật”, bà tâm sự.

Người đến lễ Phật trong khuôn viên Pháp viện Minh Đăng Quang

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Mùa dịch, bà nói mình có chút lo lắng khi đến những nơi công cộng. Tuy nhiên, theo bà Yến, dịp lễ năm nay số người đến chùa tương đối ít, ai cũng mang khẩu trang và giữ khoảng cách nên bà thấy yên tâm hơn.
“Đi xong là tôi tranh thủ về sớm chứ không nán lại đâu. Đi chùa vào thời điểm dịch bệnh này nên lại càng phải mang khẩu trang, xài nước rửa tay nhiều lần”, bà Yến tự nhắc nhở mình.

Lạy Phật ở cổng chùa

Để phòng dịch, nhiều người chọn cách bái Phật, cầu nguyện từ ngoài cổng chùa. Thay vì vào chùa để thắp nhang, bà Trần Thị Vinh (65 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) khép chiếc xe đạp vào một góc, đứng trước cổng chùa chắp tay cầu nguyện. Bà nói mùa dịch nên bà khá lo lắng, không dám vào bên trong vì sợ tập trung đông người.

Bà Nguyễn Thị Vinh (65 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cầu nguyện phía trước chùa vì sợ dịch bệnh

Ảnh: Cao An Biên

“Thực ra thì ngày nào tôi cũng đi làm đi ngang qua chùa này, nên ngày nào cũng ghé vào để thắp nhang bày tỏ lòng thành của mình, nó thành thói quen rồi. Nhưng từ lúc dịch bùng phát, tôi chỉ đứng ở ngoài thôi chứ sợ lắm, dịch mà vào đông sợ mắc bệnh lúc nào không hay”, bà Vinh quan ngại.
Bà nói rằng mùa dịch, thay vì đi chùa thì mọi người nên thắp nhang, cầu nguyện tại nhà để giữ an toàn cho mình. Bà Vinh tiếp lời: “Với tôi, tôi lòng thành đâu thể hiện ở việc đến chùa hay ở nhà, đứng ở ngoài hay ở trong, chỉ cần tâm lúc nào cũng hướng tới Đức Phật là được”. Sau khi cầu nguyện xong, người này nhanh chóng dắt xe ra khỏi chùa đến với chỗ làm.

Bảng nhắc nhở đeo khẩu trang được đặt trước cửa chùa Vĩnh Nghiêm

Ảnh: Thanh Khương

Chị Nguyễn Ngọc Huệ (29 tuổi, ngụ Q.10) đến chùa Vĩnh Nghiêm thắp hương trong dịp lễ năm nay, phần vì gần nhà phần vì từ trước đến giờ chị đã quen đến đây. Chị nói trước khi bước vào chùa, mình đã mang 2 lớp khẩu trang để phòng dịch.

Bà Trần Thị Trang (44 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) tranh thủ đi lễ chùa vào buổi sáng vì sợ buổi tối đông người

Ảnh: Thanh Khương

Bà Nguyễn Thị Kim Chi (56 tuổi, ngụ Q.10) bán nhang trước Việt Nam Quốc Tự buồn bã vì vắng khách

Ảnh: Cao An Biên

“Hôm nay thấy chùa vắng vẻ hơn so với những lần lễ trước đó. Hồi trước, tôi đến chùa cầu bình an cho gia đình, cho công danh sự nghiệp bản thân nhưng năm nay tôi cũng cầu nguyện thêm cho Việt Nam và thế giới cùng vượt qua dịch Covid-19, mọi người đều an lành và hạnh phúc”, chị Huệ mong muốn.
Vắng người đi chùa khiến người bán bông cúng, nhang phía trước các chùa rơi vào cảnh ế ẩm. Bà Nguyễn Thị Kim Chi, bán nhang trước Việt Nam Quốc Tự gần 20 năm, chia sẻ năm nay việc buôn bán trong dịp lễ Phật Đản khó khăn hơn. Bà tâm sự rằng mình nhớ lại khung cảnh chùa tấp nập người qua kẻ lại hồi chưa có dịch, lúc đó người ta mua nhang đông, bà bán “không kịp thở”. Chỉ vào chùa thưa người đến, bà nói: “Mấy chị em bán ở đây ai cũng nói hết, bình thường bán ế rồi, chỉ trông cậy vào mấy dịp như vậy mà cũng không khá hơn là bao. Sáng giờ nè, có bao nhiêu người mua đâu, còn y nguyên”.
Chia sẻ với Thanh Niên, Thượng tọa Thích Nhật Từ (trụ trì chùa Giác Ngộ, Q.10, TP.HCM) cho biết đã phát thông báo đến Phật tử chùa thực hiện đầy đủ các biện pháp 5K và hạn chế đến chùa. “Mọi năm cả ngàn người đến chùa nhưng năm nay vì dịch bệnh nên cũng khuyên Phật tử ở nhà và hạn chế đến chùa. Lễ thực hiện tại chùa cũng chỉ có 10 người tham gia là các Phật tử trong ban điều hành”, Thượng tọa cho biết.
Tương tự ở Pháp viện Minh Đăng Quang, số lượng người đến chùa cũng thưa thớt hơn. Hòa thượng Thích Giác Toàn (trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang) cho biết chùa khép hờ cửa và tất cả người đến chùa phải thực hiện đầy đủ việc đo thân nhiệt và khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn tại chốt bảo vệ trước cổng chùa. Phật tử cũng chỉ lạy Phật ở sân chùa chứ không dự lễ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.