Người phụ nữ khuyết tật 'không đầu hàng' số phận

21/06/2017 10:31 GMT+7

Mới lên 3 chị bị sốt bại liệt. Vào lớp 1 được ba, mẹ cõng đến trường nhưng chị chỉ theo được đến hết tiểu học. Nhưng với những nỗ lực phi thường, chị đã vượt qua được số phận.

Đó là trường hợp của chị Mai Thanh Nhàn, 39 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMSX Thanh Nhàn, trụ sở tại ấp Thái Hòa, xã An Thái Đông, H.Cái Bè, Tiền Giang.
“Gia đình tôi rất nghèo. Ba tôi làm thợ cắt tóc, mẹ chỉ ở nhà chăm con. Tôi là chị của 3 đứa em, 2 trai, 1 gái. Do nghỉ học quá sớm nên khi có điều kiện là tôi tiếp tục học Anh văn, vi tính. Nhưng điều kiện ở nông thôn, hoàn cảnh khuyết tật, nên việc học rất khó khăn. Mỗi khi tôi đi học thì ba mẹ hoặc chú, cô phải thay phiên cõng”, chị Nhàn chia sẻ.

Từ hai bàn tay trắng, chị Mai Thanh Nhàn đã lập công ty, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Năm 2004, chị tổ chức cơ sở gia công đan lát lục bình, thu hút khoảng 200 lao động, nhưng thấy không hiệu quả nên sau đó thì nghỉ. Trong khi đó thì từ 2006, chị bắt đầu mở xưởng may.
Hỏi khởi đầu như thế nào? Chị Nhàn kể: “Tôi lên mạng tìm thông tin rồi viết thư gửi cho Giám đốc Công ty Dệt Phong Phú (TP.HCM) nói về hoàn cảnh, khả năng tổ chức một xưởng may nhỏ và muốn có cơ hội hợp tác bằng hợp đồng gia công”.

tin liên quan

Cụ già 82 tuổi cụt hết tay chân vượt lên nghịch cảnh
Trên rẻo đất không đầy 10 m2, mọc lên một túp lều xơ xác. Chủ nhân của nó là cụ Nguyễn Thị Kiên, 82 tuổi, bị khuyết tật bẩm sinh, hai bàn tay và hai bàn chân chỉ có vài ngón, không hoạt động được, nhưng vẫn lạc quan vui sống.

Đọc xong, ông giám đốc chuyển thư xuống nhà máy. Hai ngày sau, người phụ trách gia công mời chị tới trao đổi. “Thật ra lúc đầu phía công ty không muốn ký hợp đồng vì chưa tin vào năng lực của tôi. Vì lúc ấy tôi hoàn toàn chưa có tay nghề và kinh nghiệm gì về may mặc”, chị Nhàn cho biết.
Tuy vậy, phía công ty vẫn để hở một cánh cửa, rằng nếu chị chuẩn bị được các điều kiện ban đầu như nhà xưởng, mua sắm thiết bị, tuyển được lao động, thì sẽ ký hợp đồng.

Thế là chị tiến hành ngay việc xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị với chi phí ban đầu gần 400 triệu đồng. Trong đó, chị “gõ cửa” Ngân hàng chính sách xã hội và được hỗ trợ vay một nửa, 200 triệu đồng. Số còn lại chị huy động từ người thân cùng với vốn tích lũy khi làm gia công đan lát lục bình. Chị nói vui: “Chấp nhận cho vay nhưng tôi nghĩ là mấy chú cũng phập phồng. Vì lỡ tôi làm mất vốn thì việc truy cứu trách nhiệm với người khuyết tật cũng hơi khó”.
Do có người quen ở Công ty CP Sao Mai (Đồng Tháp), sau khi tuyển được lao động, chị nhờ giúp đỡ bằng cách gửi 30 người tới học nghề. Và sau 4 tháng chuẩn bị, cuối năm 2006 chị chính thức khai trương xưởng may.
Chị Nhàn tâm sự: “Hợp đồng gia công đầu tiên không lớn, nhưng được vậy là quá mừng. Nhờ sự tạo điều kiện của Công ty Dệt Phong Phú nên khởi đầu thuận lợi. Bắt đầu từ doanh số mỗi tháng vài chục triệu đồng, xưởng may ổn định và phát triển dần”.

Không chỉ vượt khó, tạo lối thoát cho riêng mình. Hiện công ty của chị Nhàn sử dụng gần 100 lao động địa phương, có việc làm ổn định, với thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/tháng. Doanh số lúc cao nhất đạt từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng một tháng.
Khởi đầu từ hai bàn tay trắng, năm ngoái chị đã mua thêm thửa đất trị giá 5 tỉ đồng để mở rộng xưởng may, đồng thời nhập 200 thiết bị chuyên dùng với giá bình quân từ 5-15 triệu đồng mỗi thiết bị. Để duy trì việc làm cho công nhân, có những hợp đồng dù không có lợi nhuận, chị vẫn chấp nhận.

Giữa tháng 4.2017, khi dự hội nghị biểu dương người khuyết tật tỉnh Tiền Giang, thấy có ông chồng cõng vợ đi họp đang ngồi nghỉ mệt ở ghế đá, chị Nhàn tới gần hỏi thăm và gửi cái danh thiếp.
Cách nay hơn một tháng người đó điện thoại, cho biết gia đình ở huyện Tân Phú Đông, hoàn cảnh nghèo, mỗi ngày người chồng phải cõng vợ đi chặt sả thuê. Gặp lúc mưa gió, rất khó khăn.
Chị Lê Thị Hóa vui vì có việc làm ổn định, không còn phải nhờ chồng cõng đi chặt sả thuê.
Nghe vậy, chị kêu vợ chồng cùng đứa con gái 15 tuổi (đã nghỉ học) dọn tới công ty. Chị bố trí chỗ ở, cấp xe lăn cho người vợ, tạo điều kiện việc làm phù hợp cho cả vợ chồng. Đứa con gái thì bắt đầu học nghề. Người phụ nữ khuyết tật đó tên Lê Thị Hóa, năm nay 40 tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.