Người nước ngoài bỏ rơi con nhỏ

21/03/2014 03:20 GMT+7

Hai cháu Sato M. (sinh năm 1998) và Sato D. (sinh năm 2002) đã có đơn đến Báo Thanh Niên và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản về hành vi chối bỏ trách nhiệm làm cha của ông Sato Isao, khi bí mật bỏ về nước…

 Người nước ngoài bỏ rơi con nhỏ
Minh họa: DAD

Chị Nguyễn Hoàng Lan, ở Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết năm 1997, chị kết hôn hợp pháp với ông Sato Isao rồi đưa nhau vào TP.HCM sinh sống. Sau khi sinh được đứa con đầu lòng thì ông Sato Isao bỏ về nước nên chị Lan đành trở về Hà Nội.

 
Đại diện Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM cho biết hiện nay các trung tâm bảo trợ xã hội chỉ tiếp nhận trẻ em Việt Nam mồ côi, bị bỏ rơi và lang thang cơ nhỡ. Trẻ còn cha mẹ (dù có điều kiện hay khó khăn) thì gia đình đều phải có trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng.

Năm 2001, ông Sato Isao ra Hà Nội xin lỗi gia đình nên chị đã quay lại TP.HCM ở với chồng. Đến năm 2002, khi chị Lan mang bầu chuẩn bị sinh cháu thứ hai thì ông Sato Isao lại bỏ đi, chị Lan lại ra Hà Nội sinh thêm một cháu trai.

Chị Lan kể tiếp: Tháng 5.2013, ông Sato Isao ra thăm và xin tôi cho hai cháu vào TP.HCM sinh sống. Vì không muốn ngăn cách tình cha con nên tôi chấp nhận. Sau đó, ông ấy thường xuyên thay đổi chỗ ở. Mỗi khi về Nhật lại mang các con tôi gửi ở ký túc xá khiến cuộc sống luôn bị xáo trộn và tinh thần bị tổn thương. Chồng tôi còn liên tục ép buộc hai con bắt tôi phải ly dị ngay lập tức, nếu không sẽ cho nghỉ học.

Cận Tết Nguyên đán vừa qua, ông Sato Isao âm thầm về Nhật bỏ hai con ở lại TP.HCM bơ vơ không người chăm sóc. Trước khi đi, ông vứt hết sách vở và đồ dùng của hai cháu ra ngoài hành lang khách sạn và đề nghị trường học chuyển sang trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng (!). Không còn cách nào khác, chị Lan phải xin nghỉ việc ở Hà Nội để vào lo cho con.

Hiện Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (Q.7, TP.HCM) đã cho hai cháu nghỉ học vì không ai nộp học phí.

Chị Lan cho biết đã nhiều lần liên hệ với Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM để nhờ giúp đỡ nhưng đều bị từ chối với lý do cả hai cháu chưa được nhập quốc tịch Nhật Bản.

Chúng tôi cũng đã liên hệ với Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM và được một đại diện cho biết lãnh sự quán không trả lời hay bình luận về những thông tin liên quan đến cá nhân của công dân họ…

Nên giải quyết ở tòa án

Chị Nguyễn Hoàng Lan do mâu thuẫn quá gay gắt không thể sống chung với chồng, theo quy định của luật Hôn nhân và gia đình, chị nên nộp đơn ra tòa án xin ly hôn, đồng thời đề nghị cơ quan tố tụng áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với ông Sato Isao như: không được đi khỏi nơi cư trú hoặc cấm xuất cảnh để đảm bảo cho việc xét xử.

Ngoài ra, chị cũng nên yêu cầu mức cấp dưỡng cụ thể  hằng tháng để đảm bảo cuộc sống nuôi 2 con nhỏ của chị đến khi trưởng thành. Nếu chứng minh được mức độ thiệt hại thì chị Lan cũng có thể yêu cầu tòa án xem xét việc bồi thường, trong đó có khoản nợ học phí gần 100 triệu đồng hiện nay của các con chị tại ngôi trường vừa theo học buộc phải trả.

Các cô gái Việt Nam lấy chồng nước ngoài nếu gặp trường hợp như chị Lan nhưng chồng bỏ hẳn về nước thì tòa án vẫn thụ lý. Tuy nhiên, thời gian tống đạt các giấy tờ có liên quan đến đương sự ở nước ngoài phải kéo dài khá lâu (khoảng 12 tháng), sau đó tòa sẽ xét xử vắng mặt.

Luật sư Trần Quốc Liêm
(Đoàn luật sư Bến Tre)

Lê Công Sơn

>> “Bỏ rơi” con 10 năm
>> Câu chuyện về những người cha bỏ rơi con
>> 'Cha mẹ bỏ rơi con ngày càng nhiều!'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.