Người Nhật xây nhà ở Việt Nam

01/02/2017 10:02 GMT+7

Khi dự án Thong House của anh Nishizawa được công bố, nhiều người ví đó như nỗ lực tìm kiếm phong cách sống đương đại trong mô típ kiến trúc nhà phố phổ biến ở Việt Nam.

Từng làm ở văn phòng kiến trúc danh tiếng ở Nhật Bản, rồi vì yêu thích sự đa dạng cũng như những thử thách, kích thích sự sáng tạo trong thiết kế khi đặt trong những hoàn cảnh, thời tiết, văn hóa khác nhau mà kiến trúc sư Shunri Nishizawa đến Việt Nam và ở lại lập nghiệp.
Người Nhật xây nhà ở Việt Nam 1
Cách đây 7 năm, kiến trúc sư Shunri Nishizawa quyết định rời Công ty của Tadao Ando, kiến trúc sư rất nổi tiếng ở Nhật Bản, người từng đoạt giải Priztker, giải thưởng danh giá nhất của ngành (như giải Nobel của kiến trúc) vào năm 1995, để đến Việt Nam theo lời mời của một người bạn.
Việt Nam - Đến và ở lại
Thời gian đầu, anh Nishizawa cộng tác với Công ty kiến trúc Võ Trọng Nghĩa làm nhiều công trình như Binh Thanh House và gian hàng triển lãm Việt Nam tại Thượng Hải Expo… Sau đó anh quyết định tự mở văn phòng để theo đuổi ý niệm thiết kế của mình.

tin liên quan

Làm mới không gian sống nhà bạn với kiểu nhà hộc kéo
Ngôi nhà mặt tiền nằm trên khu đất 470 m2 tại TP.Vũng Tàu với hơn 60% diện tích dành cho tự nhiên, 60% đó được đóng mở khéo léo thông qua những vách ngăn để con người có được cảm giác cây xanh ở khắp mọi nơi. 
Anh chia sẻ: “Lý do chính khiến tôi quyết định có một công ty thực hành kiến trúc của mình tại Việt Nam là vì tôi đã tìm thấy sự phong phú trong cuộc sống cũng như trong sinh hoạt tập quán của con người Việt Nam, có thể tạo nên những sáng tạo mới trong kiến trúc, điều mà tôi đã khó lòng tìm thấy được ở Nhật Bản. Đồng thời, tôi cũng nhận thấy rằng, sự phong phú ấy đang dần bị mai một khi hiện nay, các kiến trúc hiện đại, theo phong cách quốc tế hóa, được cổ súy rộng rãi. Tuy biết rằng những gì đang làm chỉ là những việc nhỏ, tôi vẫn mong có thể đóng góp phần nào để nhận biết được những yếu tố tiềm năng đó và đưa chúng vào kiến trúc và thiết kế, qua đó bảo tồn được bản sắc con người trong bộn bề các tạp niệm của lối sống hiện đại”.
Người Nhật xây nhà ở Việt Nam 2
Không đi theo một phong cách thiết kế nhất định, nhưng Shunri Nishizawa và cộng sự luôn xoay quanh 2 từ khóa quan trọng là Natural richness (sự phong phú tự nhiên) và Timeless (sự trường tồn).
Anh Nishizawa giải thích: “Nói vệ sự phong phú tự nhiên, chúng tôi dùng các vật liệu, kết cấu khác nhau tùy vào tính chất đặc trưng của vị trí xây dựng, chẳng hạn như kết cấu khung bê tông cốt thép dùng trong thành phố nhưng sẽ được kết hợp với kết cấu gỗ khi xây dựng công trình ở An Giang. Chúng tôi cố gắng cảm nhận hình thái nào của kiến trúc, màu sắc, vị trí… mà mỗi vật liệu có thể tương thích. Còn sự trường tồn tức là những giá trị thiết yếu có thể tồn tại qua một thời gian dài. Tôi nghĩ, chúng tôi sẽ đạt được các thiết kế đi cùng với thời gian một khi thực sự theo đuổi các yếu tố phong phú của tự nhiên”.
Người Nhật xây nhà ở Việt Nam 3
Nhà phố kiểu nhiệt đới
Khi dự án Thong House của anh Nishizawa được công bố, nhiều người ví đó như nỗ lực tìm kiếm phong cách sống đương đại trong mô típ kiến trúc nhà phố phổ biến ở Việt Nam.
Không đi theo lối mòn kiểu “nhà phố” với những trục cầu thang đặt ở vị trí trung tâm, không gian sống từ đó tiếp cận qua những lối hành lang hẹp và kết thúc bằng những căn phòng vây bởi tường và tường, nơi từng cá thể con người tự cô lập chính mình, Thong House cho người ta cái nhìn mới mẻ đầy sáng tạo với hình thức tổ hợp những khối chồng khối, tượng trưng cho những không gian phòng khách, phòng ngủ, bếp kết hợp một cách đầy chủ ý, đan xen giữa chung và riêng tạo nên tính liền mạch thông suốt.
Ngôi nhà khi đăng trên tạp chí kiến trúc Archdaily đã lọt vào top những ngôi nhà được xem nhiều nhất. Anh Nishizawa chia sẻ: “Khi thiết kế nội thất, tôi và kiến trúc sư Vũ Ngọc Tâm Nhi cùng đưa ra ý tưởng lấy họa tiết lá vùng nhiệt đới làm họa tiết khắc gỗ cho phần lam mặt bên công viên, phần nào mở tầm nhìn ra công viên và phần nào giữ tính riêng tư cho các không gian ngủ.
Họa tiết lá cũng được khéo léo nhắc lại bằng vật liệu đá mài trên sàn bê tông xoa, cũng như một số chi tiết trên vật dụng nội thất, làm tăng nét tinh tế và tính thống nhất giữa nội và ngoại thất của ngôi nhà. Thiết kế mong muốn mang chút trải nghiệm thú vị về phong cách sống mới trong xã hội hiện đại, vùng nhiệt đới. Hay nói cách khác, thiết kế được xem như một ví dụ cho sự giao thoa và tương tác lẫn nhau giữa cuộc sống một bên bàn cân mải cuốn theo đô thị hóa, hiện đại hóa và bên còn lại hướng về với thiên nhiên”.
Người Nhật xây nhà ở Việt Nam 4
Người Nhật xây nhà ở Việt Nam 5
Mặt đứng của Thong House cũng được xử lý đặc biệt, do vị trí căn nhà có một mặt giáp công viên nội khu, vì vậy, tại những không gian công cộng, các ô kính lớn được mở lấy tầm nhìn xanh về phía công viên. Các khối riêng tư được khoác lớp lam gỗ nhằm nhấn mạnh ý tưởng tổ hợp khối, đồng thời cùng với hệ cửa xoay và các vách lam gỗ xoay trong nhà có tác dụng cân chỉnh lượng nắng và gió một cách linh động.
Khi các cánh xoay được mở ra, ranh giới giữa trong và ngoài nhà dường như bị xóa nhòa, không gian sinh hoạt trở nên gần hơn với nắng, gió, mảng xanh. Yếu tố thiên nhiên vì lẽ đó trở thành một phần của chính căn nhà.
Văn phòng NISHIZAWAARCHITECTS của kiến trúc sư Shunri Nishizawa có rất nhiều kiến trúc sư trẻ. Anh tâm sự: “Sẽ tuyệt biết bao nếu ngày càng có nhiều tài năng kiến trúc nổi lên ở Việt Nam và có thể cùng nhau tạo nên những công trình ý nghĩa và có chiều sâu hơn nữa. Đó cũng là điều tôi chờ đợi ở nền kiến trúc tại Việt Nam trong tương lai”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.