Người người tất bật ở làng nhang Tết lớn nhất Sài Gòn

26/01/2017 14:02 GMT+7

Khoảng thời gian gần đến dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 cũng là lúc nhiều cơ sở làm nhang tại xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh, TP.HCM) tất bật ngày đêm lao động nhằm cung ứng hàng cho thị trường nhang tết cả nước.

Rộn ràng nhang tết
Dọc theo hai bên đường Mai Bá Hương (xã Lê Minh Xuân) những ngày này vàng rực màu nhang. Mọi người phải luôn tay dưới nắng rải nhang vừa làm và thu gom nhang khô vào nhà, chia thành thừng thiên (1.000 cây) đem giao công ty.
Một số hộ sản xuất tại địa phương cho biết đây là giai đoạn cao điểm chuẩn bị nhang cung ứng dịp tết và rằm tháng giêng sắp tới, thành thử gia đình nào cũng tất bật công việc.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, không khí làm nhang tại địa phương những ngày này rất nhộn nhịp. Có hộ gia đình, tất cả các thành viên đều làm việc hăng say từ sáng đến tối nhưng không hết việc. Với họ, đây là giai đoạn đắt hàng nhất trong năm trước khi bắt đầu kì nghỉ Tết Nguyên đán. Nhang là vật không thể thiếu trong mỗi gia đình, thứ mà người còn sống thể hiện lòng tôn kính với ông bà tổ tiên, cho không khí gia đình luôn ấm cúng.
VIDEO: Làng nhang Lê Minh Xuân rộn ràng trước tết - Thực hiện: An Huy
Là chủ hộ có truyền thống sản xuất nhang lâu đời, ông Huỳnh Văn Tính (51 tuổi, ngụ B1/5A Mai Bá Hương, H.Bình Chánh) chia sẻ, không biết gia đình khởi nguồn nghề làm nhang từ khi nào. Ông chỉ nhớ lúc nhỏ đã thấy cha mẹ se nhang ngày đêm. Sau này lớn lên, ông cũng tiếp tục nối nghiệp làm nghề cho đến nay.
Mỗi thiên nhang (1.000 cây) khi giao cho công ty, người làm được 5.000 đồng ẢNH: AN HUY
Theo ông Tính, những năm trước người dân ở địa phương làm nhang bằng cách se tay thủ công, cây nhang thành phẩm không đẹp, năng suất thấp. Một vài năm trở lại đây, máy móc hiện đại ra đời được người dân áp dụng nên cây nhang đẹp và năng suất cao hơn. Mọi thứ từ vật liệu đến công đoạn sản xuất đều do máy làm, con người chỉ việc đem nhang đi phơi nắng, chia thành bó.
Hàng ngày, ông Huỳnh Văn Tính lấy nguyên liệu gồm tăm và bột nhang từ một công ty tại địa phương về nhà. Tăm tre được ông nhuộm đỏ một phần và phơi khô. Bột nhang được ông rưới nước và keo cho vào máy trộn đều, sau đó bỏ cả tăm và bột vào từng bộ phận của “máy lười” vận hành. Ông chỉ việc đem nhang ra phơi trên các vỉ tre trước nhà cho khô và thu gom.
“Công việc này không nặng nhọc, nhưng mất nhiều thời gian. Khi sản xuất nhang, người làm phải luôn túc trực bên máy lười, cho tăm và bột vào liên tục. Nếu máy lười bị nghẽn tăm thì rút ra và cho máy tiếp tục chạy. Bên cạnh đó, cần một người đem nhang thành phẩm đi phơi nắng cho khô. Và một người bó nhang thành từng thiên 1.000 cây. Cứ mỗi thiên nhang giao công ty, tiền công của họ được 5.000 đồng, tính ra thu nhập một ngày cũng hơn 300.000 đồng”, ông Tính cho biết.
Lấy công làm lời
Cách đó không xa là cơ sở làm nhang Trương Văn Bảo, quy mô lớn với hàng chục nhân công làm việc. Do khối lượng nhang cần giao cho các đầu mối lên đến hàng tấn, nên nhân viên tại cơ sở phải miệt mài làm việc luôn trưa. Ai nấy đều tất bật vận hành máy lười và lấy nhang thành phẩm đem ra mảnh sân sộng phía trước xưởng phơi dưới nắng gắt.
Ông Trương Hữu Thanh (58 tuổi, quê Long An) nhân viên tại đây cho biết, cơ sở hiện sản xuất ba loại nhang là áo, tùng và trầm. Tùy theo mỗi loại mà nhang có cách pha bột, keo và màu khác nhau. Theo đó, giá của các loại cũng dao động từ 30.000 – 70.000 đồng/1 thiên.
Tùy nhu cầu đặt hàng của các thương hiệu mà những cây nhang làm ra có kích cỡ khác nhau. Sau khi lấy hàng thô về, mỗi công ty sẽ có bí quyết xịt mùi hương làm thương hiệu độc quyền của mình.
Để làm ra cây nhang, người ta phải nhập tăm hương từ các tỉnh phía bắc về. Còn bột nhang được lấy ở một công ty tại Bình Dương. Tùy mỗi loại nhang mà tỉ lệ pha màu cũng khác nhau.
Em Lê Văn Nhân (12 tuổi, quê Sóc Trăng) phải nghỉ học cùng cha mẹ lên TP.HCM làm nhang mưu sinh ẢNH: AN HUY
“Mỗi năm, cứ đến dịp gần Tết Nguyên đán là các công ty liên tục đặt hàng cho cơ sở làm. Thành thử, mùa này công việc luôn bận rộn, các cơ sở kiếm người làm thêm không ra. Cũng may mấy nay ông trời thương, cho thời tiết nắng ráo nên sản xuất nhang luôn suôn sẻ, nếu mưa xuống không biết làm sao phải phơi nhang”, ông Thanh cho biết.
Được xem là địa chỉ làm nhang lớn nhất ở xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh), cơ sở của chị Lê Cát Bụi Thúy (40 tuổi, ngụ B5/1 Thích Thiện Hòa, xã Lê Minh Xuân) có đến 80 nhân công làm việc. Mỗi ngày cơ sở chị cho ra gần tấn nhang bỏ mối khắp các tỉnh thành từ Nam ra Bắc.
Chị Thúy cho biết, cơ sở chị hoạt động gần 20 năm nay. Ngoài mướn nhân công làm, chị còn giao nguyên liệu đến các hộ gia đình làm nhỏ lẻ. Nghề này hoạt động quanh năm, nhưng rầm rộ hơn vào dịp gần tết. Hàng nhiều và giá bán được hơn nên mọi người ai cũng tranh thủ.
Chị Nguyễn Thị Phượng (30 tuổi) đang gom những bó nhang đã khô tại cơ sở của chị Lê Cát Bụi Thúy ẢNH: AN HUY
Cơ sở hiện làm chủ yếu ba loại nhang quế, nhang áo và nhang tùng. Nhang làm ra được bỏ ở các công ty. Tùy thương hiệu mà các công ty có cách tạo mùi hương khác nhau để độc quyền sản phẩm.
Theo chị Thúy, cơ sở bán ra một thiên nhang áo giá 30.000 đồng, nhang quế giá 32.000 đồng, nhang tùng giá 34.000 đồng. Làm công việc này cũng khỏe, người làm chỉ việc cho tăm và bột vào máy lười, chạy ra nhang. Cực nhất là những hôm trời mưa nhang làm ra không có chỗ phơi và lâu khô.
Những ngày cận Tết Nguyên đán, người dân ở xã Lê Minh Xuân luôn tất bật công việc làm nhang cung ứng hàng tết ẢNH: AN HUY
“Trước đây mẹ tôi làm thủ công bằng cách se nhang tay, đem bán các mối ở chợ Đức Hòa (Long An). Thời gian sau này, gia đình mới vay vốn mở xưởng sản xuất nhỏ và phát triển dần thành quy mô lớn như ngày nay. Công việc này thu nhập thấp, chủ yếu lấy công làm lời. Là nghề tuyền thống gia đình nên con cái ráng theo. Giai đoạn này là lúc cao điểm, đơn hàng nhiều nên muốn tuyển thêm người làm cũng không có”, chị Lê Cát Bụi Thúy chia sẻ.
Làng nghề làm nhang ở xã Lê Minh Hưng (H.Bình Chánh) được xem lớn nhất Sài Gòn ẢNH: AN HUY
Những bó tăm hương được phơi khô sau khi nhuộm màu ẢNH: AN HUY
Nhiều nhân viên đang vận hành máy lười sản xuất nhang tại cơ sở chị Lê Cát Bụi Thúy ẢNH: AN HUY
 
Theo Hội nông dân xã Lê Minh Xuân, nghề làm nhang tại địa phương đã thành lập được 3 tổ hợp tác sản xuất nhang với hơn 150 hộ tham gia. Ngoài ra còn một số cơ sở khác cũng đầu tư trang thiết bị, máy móc sản xuất. Làng nghề làm nhang Lê Minh Xuân đã được UBND TP.HCM công nhận làng nghề truyền thống năm 2014.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.