Người miền Tây giữ nghề chằm nón lá: Lớp trẻ đi làm khu công nghiệp hết rồi!

14/09/2019 13:41 GMT+7

Sau hàng chục năm tồn tại và phát triển, xóm làm nghề chằm nón lá ở khóm 6 (TT.Long Hồ, H.Long Hồ, Vĩnh Long) giờ chỉ còn những người lớn tuổi âm thầm giữ nghề truyền thống mà ông bà, cha mẹ truyền lại.

Được người dân địa phương chỉ dẫn, phóng viên tìm đến những gia đình đã gắn bó với nghề chằm nón lá suốt nhiều thế hệ. Từ xa, người viết đã thấy những phụ nữ tóc pha sương cặm cụi ngồi chằm nón.

Thời hoàng kim đã qua

Bà Nguyễn Thị Kim Loan (63 tuổi, ngụ H.Long Hồ, Vĩnh Long), gắn bó với nghề này đã 45 năm nay, cho biết năm 18 tuổi, bà lấy chồng và theo chồng về vùng đất này sinh sống và được cha mẹ chồng truyền nghề. Không ai biết nghề này có từ khi nào, người dân chỉ nghe kể rằng một người đàn ông tên Dố từ Huế vào đây lập nghiệp rồi truyền nghề cho bà con làm kế sinh nhai. Từ đó, đời trước truyền cho đời sau, nghề chằm nón được duy trì cho đến hôm nay.

Đàn ông phụ trách vót nan trúc để lên khuôn làm sườn nón

DUY TÂN

Lúc đầu, nghề làm nón chỉ được xem như nghề phụ để kiếm thêm thu nhập cho chị em phụ nữ những lúc nông nhàn. Về sau, những khi mất mùa, chiếc nón lá giúp người dân đủ ăn, đủ mặc và trở thành nghề chính của xóm này. Theo bà Loan, thời hoàng kim của nghề chằm nón lá ở H.Long Hồ là khoảng những năm 70 - 80 của thế kỷ 20, với hơn 300 hộ gia đình sinh sống bằng nghề này. 

Kiềng vành lên khuôn nón trước rồi kế đến là khâu kết lá

DUY TÂN

Hiện nay, do nhu cầu sử dụng nón lá không nhiều, sảm phẩm làm ra tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp… nên người trẻ không còn tha thiết với nghề, chỉ còn những người cao tuổi vẫn âm thầm giữ nghề.
“Ở đây chỉ còn người lớn tuổi, người mất sức lao động mới làm nghề, còn lớp trẻ đi làm ở các khu công nghiệp, thu nhập khá hơn. Già rồi, thay vì ngồi không, nội trợ thì người ta cũng làm để phụ kiếm thêm chút đỉnh để mua nhu yếu phẩm hàng ngày, cũng như lưu giữ nghề”, bà Loan nói.

Các công đoạn làm nón đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và tỉ mỉ mới có sản phẩm đẹp

DUY TÂN

Làm để giữ nghề chứ không vì thu nhập

Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan (57 tuổi) có hơn 40 năm gắn bó với nghề chằm nón, chia sẻ: “Để làm một chiếc nón là cả quá trình với khoảng 15 công đoạn, từ làm khung, chuốt vành, đan lá, chằm nón… và tất cả đều cần sự khéo léo, tỉ mỉ”.

Với thao tác chằm nón, từng mũi kim phải đều, khoảng cách giữa các mũi kim vừa phải

DUY TÂN

Nguyên liệu chính để làm nón là lá mật cật và trúc. Trước tiên, lá mật cật mua về phải luộc, sau đó vớt ra đem phơi nắng cho thật khô rồi tiếp tục phơi sương cho lá nở ra. Sau đó gom lá lại thành bó rồi bật lửa hơ, vuốt cho thẳng để khi chằm không bị co dúm lại. Khi vuốt phải canh độ lửa vừa phải, lửa yếu lá sẽ nhăn, lửa lớn lá bị khét. Công đoạn này phải làm từ lúc mặt trời chưa tỏa mặt người vì khi nắng lên cọng lá cứng rất khó vuốt.

Nức vành và thoa dầu bóng để nón bền, đẹp

ẢNH: DUY TÂN

Ở đây, đàn ông phụ trách vót nan trúc để lên khuôn làm sườn nón. Kiềng vành lên khuôn nón trước rồi kế đến là kết lá. Bước kế tiếp là xoay lá trên khuôn. Công đoạn này rất quan trọng, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới xoay lá đều, đẹp. Sau khi xoay đầu nón xong, người thợ dùng một cái vành, chụp lên bên ngoài khuôn nón để giữ cho lá nằm cố định, giúp người thợ chằm được dễ dàng.
Tiếp đến là thao tác chằm nón, từng mũi kim phải đều, khoảng cách giữa các mũi kim vừa phải. Cuối cùng là nức vành và thoa dầu bóng để nón bền, đẹp.

Sản phẩm đã hoàn chỉnh

ẢNH: DUY TÂN

Theo bà Lan, nón lá có 2 loại, nón đi ruộng và nón đi chợ. Nón đi ruộng được chằm chỉ thưa, chắc chắn hơn, vành rộng hơn. Còn nón đi chợ thì cọng lá được lựa chọn tỉ mỉ, đẹp, trau chuốt hơn rất nhiều. Giá mỗi chiếc nón đẹp dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/cái. Riêng nón thả (nón không thoa dầu, không nứt vành...) được bán với giá tầm 20.000 đồng/cái.

Du khách (phải) tham quan, trải nghiệm nghề chằm nón lá

DUY TÂN

“Dù ở tuổi xế chiều nhưng những phụ nữ như tôi vẫn mong được gắn bó với nghề chằm nón. Chúng tôi không còn quan trọng chuyện thu nhập mà trên hết sống được ngày nào thì vẫn cố để giữ gìn cái nghề truyền thống này”, bà Lan chia sẻ.
Hiện xóm chằm nón ở TT.Long Hồ, H.Long Hồ là địa điểm du lịch thu hút du khách trong nước và ngoài nước đến tham quan. Khách đến đây thích thú khi quan sát những đôi tay người thợ chằm nón thoăn thoắt, đặc biệt là được hướng dẫn tham gia các công đoạn làm nón. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.