Người mẹ nhận lại con gái sau gần 8 tháng lạc nhau vì... thầy bói

18/07/2016 20:02 GMT+7

Sau chuỗi ngày ròng rã lưu lạc, qua tay nhiều người bé gái sơ sinh bị mẹ vờ bỏ rơi cuối cùng cũng được trả về với mẹ.

Ngồi chờ ký biên bản hoà giải tại TAND Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, khuôn mặt chị Nguyễn Thị Huyền Trân tỏ rõ sự hạnh phúc khi được ôm và nựng đứa con gái đã lưu lạc gần 8 tháng trong lòng. Lấy tay xoa nhẹ đầu con, chị Trân nói: “Không ngờ mình nghĩ việc vờ bỏ con cho em nuôi giúp đơn giản mà lại thành ra phức tạp quá trời. Lúc này, tôi thực sự đã cảm thấy kiệt quệ sau hơn 8 tháng trời ròng rã đòi con”.
Kiện đòi con
Ngày 18.7, tại TAND Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ đã diễn ra buổi hoà giải xác định mẹ cho con và quyền nuôi con giữa chị Nguyễn Thị Huyền Trân, 35 tuổi, ngụ phường 6, TP.Sóc Trăng và Trung tâm công tác xã hội (CTXH) Cần Thơ. Trước đó, ngày 13.4, Toà đã thụ lý đơn của chi Trân khởi kiện Trung tâm CTXH Cần Thơ để xác định mẹ cho con và quyền nuôi con đối với cháu Tr.Th.Y.Th sinh ngày 12.10.2015.
Như Báo Thanh Niên đã thông tin qua loạt bài “232 ngày đòi con vì tin lời... thầy bói” đăng ngày 16 và 17.7) , sự việc của chị Trân bắt nguồn từ việc sau khi chị sinh con 1 tuần thì cháu bé nổi bớt son trên đầu và bên hông rồi quấy khóc không nín.
Chị Trân ôm con rời khỏi TAND Q.Ninh Kiều
Chỉ vì tin lời thầy bói, ngày 5.11.2015, ngày 5.11.2015, Trân và mẹ là bà Hồng Thị Ửng, 53 tuổi đưa cháu Th từ TP.HCM về nhà vợ chồng em gái ruột của Trân là Nguyễn Thị Ngọc Chi, 28 tuổi, tạm trú tại ấp Đông Lợi, xã Đông Phước, H.Châu Thành, Hậu Giang. Quấn con cẩn thận bằng chiếc khăn xanh, Trân và bà Ửng rón rén đặt bé nằm trước hiên nhà Chi. Căn nhà tạm bằng cây lá tềnh toàng nằm cạnh con đường nhỏ dẫn vào UBND xã Đông Phước.
Chị Trân dự tính người em sẽ nuôi giúp cho qua vận hạn. Song sự việc sau đó trở nên phức tạp khi cháu Th với các bớt son trên đầu được nhiều người giành nhận nuôi, thậm chí ngã giá 2 lượng vàng.
Cuối cùng bé không được trao cho người dì mà được trao cho vợ chồng bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Hậu Giang tạm nhận nuôi. Ngày 20.11.2015, chị Trân biết con thất lạc về nhận lại con thì tên trong giấy CMND và giấy chứng sinh không trùng khớp (bởi trước đó chị Trân mượn giấy CMND của bạn làm hồ sơ xin việc và khai tên trong giấy chứng sinh). Cháu Th được bà Xương trả lại cho Phòng LĐ-TBXH, Trung tâm Y tế H.Châu Thành rồi chuyển cho Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hậu Giang, sau đó chuyển lên Trung tâm công tác xã hội Cần Thơ nuôi dưỡng với hồ sơ trẻ bị bỏ rơi.

Chị Trân và đại diện Trung tâm CTXH Cần Thơ nghe hoà giải
Trả con về với mẹ
Tại phiên hoà giải, chị Trân yêu cầu Trung tâm Công tác xã hội Cần Thơ giao trả cháu Th cho chị nuôi dưỡng vì đã có kết luận pháp y về AND của Trung tâm pháp y tỉnh Hậu Giang kết luận cháu Th là con chị Trân. Phía đại diện Trung tâm CTXH Cần Thơ cho rằng, sẽ giao trả cháu cho chị Trân theo quy định.
Thẩm phán Nguyễn Chế Linh, Phó Chánh án TAND Q.Ninh Kiều người trực tiếp hòa giải cho biết, xét thấy các đương sự là chị Trân và Trung tâm CTXH Cần Thơ đã tự nguyện thoả thuận được với nhau về việc giải quyết các vấn đề có tranh chấp trong vụ án. Từ đó, toà lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện thoả thuận và hoà giải thành. Xác định cháu Tr.Th. Y. Th là con của chị Trân và giao cháu Th cho chị Trân trực tiếp nuôi dưỡng. Chị Trân được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mẹ đối với con theo quy định của phát luật.
“Trong thời hạn 7 ngày kể từ hôm nay nếu không có đương dự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận thì toà án ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự và quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Chị Trân có thể làm các thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho con và nuôi dưỡng con như bao người mẹ khác”, Thẩm phán Linh nói.
Câu chuyện 232 ngày đòi con của chị Trân khép lại nhưng phía trước mẹ con chị là những ngày thực sự khó khăn. Chị Trân đã mất việc làm ở Bình Dương, phải ở nhờ nhà cô ở H.Châu Thành, Hậu Giang, kinh tế thì kiệt quệ khi phải đi cầu cứu khắp nơi.
“Tôi biết nghe bói toán là sai, nhưng Phải chi từ đầu địa phương công bằng để con tôi cho dì nó nuôi thì có lẽ sự việc cũng không phức tạp vậy”, người mẹ này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.