Người lao động 'tố' Telcom đuổi việc trái luật

05/06/2017 08:26 GMT+7

Nhiều cán bộ của Công ty CP phát triển công trình viễn thông (Telcom, công ty con thuộc sở hữu của VNPT) vừa gửi đơn kêu cứu, 'tố' lãnh đạo công ty cho người lao động thôi việc trái luật , lén lút bán tài sản nhà nước.

Nếu như cái tên Telcom còn lạ lẫm trên thương trường, thì với nhiều người trong ngành viễn thông, Công ty công trình Bưu điện (thuộc Tổng cục Bưu điện), tiền thân của Telcom lại quá hào hùng. Hơn 60 năm phát triển, Công ty công trình Bưu điện đã trở thành cánh chim đầu đàn trong ngành xây lắp công trình viễn thông, đào tạo ra nhiều kỹ sư, lãnh đạo xuất sắc cho VNPT. Công ty từng vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng nhất, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Độc lập hạng ba...
Tuy nhiên, kể từ khi chuyển đổi thành Telcom (năm 2004, Tập đoàn VNPT chiếm 49% vốn điều lệ) đến nay, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, công ty thua lỗ triền miên. Công nợ tính đến 30.9.2016 gần 85 tỉ đồng, gấp đôi vốn chủ sở hữu. Xét trên tất cả các tiêu chí từ tổng tài sản, dòng tiền, nợ... thực chất công ty đã bị âm vốn chủ sở hữu.
Trong đơn thư kêu cứu gửi tới Thanh Niên, hàng chục lao động, cán bộ, kỹ sư đang làm việc tại các xí nghiệp, công ty thành viên của Telcom bày tỏ bức xúc trước sự điều hành, quản lý thiếu minh bạch của lãnh đạo công ty. Chị L.T.K.B, một lao động tại Xí nghiệp 3 (trực thuộc Telcom) cho biết, xí nghiệp đột ngột giải thể vào ngày 1.1 vừa qua trong khi toàn bộ nhân viên, lao động của công ty đang nghỉ Tết dương lịch và không nhận được bất cứ một thông báo nào.
“Theo bộ luật Lao động, muốn giải thể, cho nghỉ cũng phải thông báo trước 30 - 45 ngày, đằng này họ không nói năng gì, đùng một cái cho người gọi điện bảo xí nghiệp giải thể rồi, mọi người không cần phải đi làm nữa”, chị B., nói.
Đáng nói, đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa giải quyết dứt điểm thủ tục, quyền lợi cho hơn 50 người lao động bị mất việc. “Chúng tôi đến công ty làm giấy tờ để nghỉ việc nhưng họ nhùng nhằng mãi không giải quyết, lương nợ nhiều tháng không trả. Khi hỏi thì lãnh đạo công ty nói một cách rất vô lý rằng trước kia làm mấy tháng trời không có lương, giờ nghỉ rồi mới kêu ầm lên”, chị B. Phản ánh.
Cống hiến cho công ty hàng chục năm trời, từ ngày bị “đuổi ra đường”, chị N.K.D phải chạy hàng chợ khắp nơi để nuôi con. Chị N.K.D cho biết: “Họ không họp hành lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của lao động, đùng một cái cho tôi cùng hàng chục lao động nghỉ luôn. Tôi cũng chỉ nghe tin qua mọi người là xí nghiệp giải thể, chứ không nhận được thông báo gì”.
Lén lút bán tài sản nhà nước?
Thực hiện chủ trương của nhà nước về thoái vốn, cổ phần hóa, VNPT quyết định bán toàn bộ 49% vốn điều lệ đang sở hữu tại Telcom. Ngày 30.9.2016, tập đoàn này ban hành quyết định số 28 xác định tổng giá trị của Telcom gần 84 tỉ đồng. Trong đó, 2,45 triệu cổ phần của VNPT tương đương hơn 41 tỉ đồng, giá trị 1 cổ phần bán ra là 16.793 đồng.
Theo quyết định này, toàn bộ tài sản của Telcom đã được xác định đầy đủ, thậm chí qua thẩm định giá và “chốt” vào thời điểm 30.9.2016. Trong đó, đáng chú ý công ty vẫn đang sở hữu tổng cộng 14 xe ô tô. Tuy nhiên, khi còn chưa thoái được vốn nhà nước thì ban lãnh đạo của Telcom đã quyết định bán thanh lý 5 chiếc xe ô tô vào tháng 12.2016.
Việc bán xe vào thời điểm này, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đã vi phạm quy định, nguyên tắc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khi tái cơ cấu, cổ phần hóa.
“Giá trị của công ty vào thời điểm 30.9.2016 đã được xác định trên sổ sách, chốt mỗi cổ phần 16.793 đồng. Nó bao gồm cả tài sản hữu hình, vô hình, trong đó có 14 chiếc xe. Việc bán xe cho thấy có dấu hiệu tẩu tán tài sản, làm sụt giảm giá trị thật của cổ phiếu, lừa dối các nhà đầu tư muốn mua”, ông Long nói.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của người lao động, việc bán xe cũng còn nhiều điều khuất tất. Theo quy định, công ty phải niêm yết và thông báo công khai trước đó ít nhất 7 ngày. Tuy nhiên, theo một cán bộ của Telcom, thông báo chỉ được dán niêm yết tại công ty trong vòng chưa đầy một buổi sáng. Thậm chí, việc bán xe, niêm yết không qua phòng Hành chính mà chỉ được xác nhận bởi một… ông bảo vệ.
Chưa hết, việc định giá tài sản theo đơn thư khiếu nại của người lao động tại Telcom cho thấy nhiều điều bất bình thường, có dấu hiệu thất thoát. “5 chiếc xe ô tô trong đó có cả các thương hiệu như Civic, BMW, Altis dù là cũ nhưng cũng không thể bán quá bèo bọt chỉ có cả thảy 1,3 tỉ đồng. Chúng tôi được biết trước đó lãnh đạo công ty định giá 3 lần, mỗi lần đều hạ xuống, khiến giá trị của xe bị sụt giảm đi rất nhiều”, một cán bộ của Telcom nói.
Trước những khiếu nại, bức xúc của cán bộ, người lao động tại Telcom, PV đã liên hệ với Chủ tịch HĐQT của Telcom là ông Vũ Đức Quang và Tổng giám đốc Dương Vũ Cường, tuy nhiên hai ông này đùn đẩy, né tránh không trả lời. Về phía Tập đoàn VNPT, ông Nguyễn Lê Kỳ, Trưởng Ban Pháp chế - Thanh tra của VNPT tiếp nhận thông tin và cho biết tập đoàn đã cho người về thanh, kiểm tra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.