'Người lạ' giúp dân bị xâm nhập mặn trong những ngày cách ly phòng dịch Covid-19

02/04/2020 15:32 GMT+7

Thiên tai xâm nhập mặn đang gây khốn khổ cho hơn 192.000 hộ dân ĐBSCL vì họ vừa phải phòng trách dịch Covid-19 còn phải tìm nước ngọt sử dụng . Rất may, nhiều tấm lòng ở các nơi đã đưa nước về tận tay người cần.

 

Giúp người dù mình cũng gặp khó!

“Chia sẻ với nhau trong khó khăn đó mà!” trở thành câu cửa miệng của hết thảy những người ở tỉnh Tiền Giang mà PV Báo Thanh Niên đã có dịp tiếp xúc trong lúc thiên tai xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 hoành hành.

Do thiên tai xâm nhập mặn, từ sau Tết Canh Tý 2020, toàn bộ ao đìa cũng như cây cối ở xứ Gò Công Đông khô cằn, nứt nẻ. Việc hỗ trợ nước ngọt bằng sà lan của chính quyền địa phương và các nhà tài trợ đã gặp khó khăn từ việc các đê bao ngọt hóa đã ngăn lại.

Sà lan lớn chỉ có thể neo đậu ở khu vực Cảng cá Vàm Láng (TT.Vàm Láng, H.Gò Công Đông) rồi các phương tiện vận chuyển đường bộ tiếp tục chở nước vào xóm, ấp.

Thay vì ở bên gia đình cùng phòng dịch thì nhiều kỹ sư làm việc tại Khu công nghiệp Chuyên sâu Phú Mỹ 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã cùng với các thuyền viên vượt biển bằng sà lan về miền Tây rồi tận tay trao nước cho bà con bị thiên tai

ẢNH: BẮC BÌNH

Tại 4 huyện vùng “ngọt hóa” Gò Công, đa số chủ phương tiện vận tải chở nước bằng đường bộ đã tự bỏ tiền túi ra để giúp người khó khăn do không có phương tiện vận chuyển.

Trong mùa hạn mặn và mọi người hạn chế ra đường vì Covid-19 này, chàng thanh niên Nguyễn Minh Đạt (34 tuổi, ngụ xã Thân Cửu Nghĩa, H.Châu Thành, Tiền Giang), chủ một quán cơm gần đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương trở thành người quá quen mặt với đa số cư dân ở huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) và huyện Bình Đại, TP.Bến Tre (Bến Tre).

Tính đến ngày 2.4, anh Đạt đã chở gần 200 xe bồn nước ngọt đến hầu hết các xóm ấp trong các địa phương trên.

“Mình kéo đường ống lớn của một công ty nước về ngay chỗ quán cơm, hễ tài xế nào có địa chỉ rõ ràng, chở nước từ thiện là mình sẽ bơm lên xe bồn để tài xế đó chở đi. Bán cơm buổi sáng và thời gian còn lại trong ngày mình trực tiếp chở nước đi cho bà con. Tính đến nay, chi phí mua nước và bồn chứa, xăng dầu đã tốn hơn 60 triệu đồng. Cũng may là có vài người bạn đã đồng hành với mình chứ tiền lãi từ quán cơm là không cán đáng nổi đâu”, anh Đạt chia sẻ. 

Do nhu cầu về nước ngọt quá cấp thiết nên một số địa phương ở Tiền Giang, Bến Tre đã gặp nhiều khó khăn trong triển khai cách ly Covid-19 giống như Bộ Y tế đã khuyến cáo

ẢNH: BẮC BÌNH

“Thật sự thì việc kinh doanh của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi sự khó khăn chung của dịch Covid-19 nhưng chúng tôi thấy rằng mình cần làm một điều gì đó để phần nào giúp cho người dân miền Tây bị thiên tai xâm nhập mặn. Bà con đang phải đối mặt với 2 khó khăn lớn là dịch Covid-19 và thiếu nước ngọt vì thiên tai xâm nhập mặn. Chúng tôi chỉ hy vọng sự đồng hành của mình sẽ góp phần lan tỏa tinh thần thiện nguyện vì đồng bào thiên tai đến các tổ chức, cá nhân khác trong cả nước”, ông Tạ Quốc Bảo (đại diện nhà đầu tư Khu công nghiệp Chuyên sâu Phú Mỹ 3, đơn vị đã cùng Báo Thanh Niên hỗ trợ nước ngọt đủ dùng đến hết đợt thiên tai cho dân hai huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) và Châu Thành (Bến Tre) nói.

Trong những ngày thực hiện cách ly xã hội theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ, những kỹ sư làm việc tại cho Nhà đầu tư Khu công nghiệp Chuyên sâu Phú Mỹ 3 vừa phải cẩn trọng phòng dịch nhưng cũng không quãng khó khăn để mang tặng nước ngọt đến tay bà con miền Tây.

Nhà hảo tâm là những người “lạ”

Ngày 1.4, ông Nguyễn Phúc Linh (Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre) cho biết tỉnh đã tiếp nhận viện trợ từ 28 tổ chức, cá nhân với tổng số 3.832 bồn chứa nước; 1.051 ống hồ xi măng chứa nước; 42.420 bình nước uống 20 lít; 10 máy lọc nước mặn, 200 máy lọc nước sạch; 18 điểm nước uống miễn phí, 10.000 can nhựa (20 lít), 21 chuyến tàu, sà lan cấp trên 40.000 m3; 100 lượt xe chở nước ngọt qua Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu đã không bị thu tiền; hơn 95 triệu đồng và 5.000 khẩu trang vải, nhiều nhu yếu phẩm như mì tôm, sửa, nước uống… ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Sau khi được nhận hỗ trợ, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre đã tiến hành phân bổ về các huyện theo chỉ định của nhà tài trợ và theo tình hình thực tế của từng địa phương. Ước tổng giá trị viện trợ hàng chục tỉ đồng.

Trong thời điểm thiên tai, nông dân là người bị tổn thương nhất vì vừa không có nước ngọt sinh hoạt lại phải bôn ba đi khắp các kênh rạch để tìm cỏ tươi cho gia súc

ẢNH: BẮC BÌNH

 
“Đa phần các nhà thiện nguyện đến từ ngoài tỉnh, trong đó, thậm chí có một số nhà tài trợ lần đầu đến Bến Tre và không có bất cứ hoạt động kinh doanh nào trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, qua theo dõi, chúng tôi cũng ghi nhận có khá nhiều nhóm bạn trẻ đã tự vận động trong điều kiện có thể để giúp đỡ bà con bị thiên tai… Tất cả thật sự rất đáng quý, đáng trân trọng, biểu dương”, ông Linh nói.

Tương tự, Long An đã nhận được gần 2,4 tỉ đồng từ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn.

Những người dân vùng bị thiên tai vui mừng mang nước ngọt về nhà sử dụng

ẢNH: BẮC BÌNH

“Chúng tôi đã trích quỹ phúc lợi cơ quan, đồng thời vận động thêm các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông ủng hộ được hơn 200 triệu đồng thông qua UBMTTQVN tỉnh gửi đến bà con”, ông Huỳnh Cao Chánh, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Long An, cho hay.

Ông Trương Văn Nọ, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An, cho biết hầu hết các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước đều đã có đóng góp cho hoạt động này. Thông qua UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An, nhiều cá nhân trong và ngoài tỉnh, người Long An ở nước ngoài cũng đã tích cực tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 và ủng hộ nhân dân khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn.  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.