Người giữ trái táo cắn dở

27/02/2016 05:07 GMT+7

Apple vừa bước vào một 'cuộc chơi mạo hiểm' mà đối thủ là chính phủ Mỹ khi CEO Tim Cook công khai thể hiện thái độ quyết liệt trong việc bảo vệ tính bảo mật của các thiết bị cầm tay của hãng này.

Apple vừa bước vào một 'cuộc chơi mạo hiểm' mà đối thủ là chính phủ Mỹ khi CEO Tim Cook công khai thể hiện thái độ quyết liệt trong việc bảo vệ tính bảo mật của các thiết bị cầm tay của hãng này. 

Trước dư luận trái chiều cũng như những phân tích thiệt hơn, Tim Cook vẫn vững như bàn thạch - một phong cách làm nên người đứng đầu danh sách Những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của thế giới do tạp chí Fortune bình chọn năm 2015.
Người giữ trái táo cắn dở 1
Ảnh: AFP
Học làm CEO
Cuối năm 2015, vụ khủng bố ở San Bernardino (California) cướp đi sinh mạng của 14 người và khiến hơn 20 người bị thương. Đôi vợ chồng thủ phạm bị cảnh sát bắn chết sau khi bỏ chạy. Ngay sau khi thu được chiếc iPhone 5c của họ, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) liên lạc với Apple yêu cầu công ty này thiết lập một “cổng sau” trong hệ điều hành iOS để giúp các điệp vụ tiếp cận thông tin lưu trong chiếc điện thoại này. Tim Cook lập tức đáp trả theo cách chưa từng xảy ra trước đây. Trong lá thư mở đăng trên trang web công ty, khẳng định yêu cầu này của FBI là không có tiền lệ: “Chúng tôi không thấy tiền lệ nào về việc một công ty Mỹ bị buộc phải tiết lộ thông tin khách hàng… Chính phủ Mỹ đã yêu cầu chúng tôi điều mà đơn giản là chúng tôi không có và điều mà chúng tôi xét thấy quá nguy hiểm để thực hiện”.
Và Tim Cook đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận giữa một bên là các công ty công nghệ đang muốn bảo vệ thông tin khách hàng để giành miếng bánh lớn của thị trường và một bên là những người ủng hộ phe thực thi công lý. Sở dĩ Apple không muốn tạo ra cái “cổng sau” đó vì nếu công cụ này rơi vào tay kẻ xấu thì lập tức những nguồn tài nguyên công nghệ khác cũng như quyền riêng tư của người sử dụng chịu rủi ro cao. Nhưng một tình thế còn mang tính rủi ro cao hơn nữa mà nhiều người đang lo là nếu bị đẩy vào thế khó, tòa án hay thậm chí cơ quan lập pháp Mỹ sẽ có những giải pháp mạnh tay hơn và tới lúc đó thì Apple có thể mới hiểu ra rằng thà họ chịu thiệt trong vụ San Bernardino.
Câu chuyện vẫn chưa có lời đáp trả từ phía FBI. Còn về phía Apple và Tim Cook, họ chắc chắn đang chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng, nếu xảy ra. Đây không phải là lần đầu Tim Cook rơi vào thế khó kể từ khi chính thức trở thành người thừa kế của Steve Jobs năm 2011. Sự tiếp quản này, manh nha từ năm 2004 khi Steve Jobs nghỉ ngơi để chữa bệnh, là thử thách lớn đối với người đầu quân về Apple năm 1998 ngay sau khi Steve Jobs quay về công ty cũ. Họ tạo nên một bộ đôi quyền lực nhờ sự khác biết cả trong tính cách và cách quản lý. “Thực tình mà nói, sự căng thẳng trong thực tế còn khủng khiếp hơn tôi hình dung nhiều”, Cook kể lại.
Những ai từng gièm pha “Apple không thể đổi mới dưới thời của Tim” hẳn chắc hả hê trước một loạt sai lầm Tim Cook mắc phải khi ngồi ghế nóng. Thất bại của ứng dụng nhận diện giọng nói Siri hay sai lầm trong đầu tư cho hệ thống bản đồ Google Maps để đánh bật Google Maps trở thành trò cười của nhiều đối thủ. Những thách thức về nhân sự như chuyện sa thải một vài cốt cán cũ thời Steve Jos và nhận người ngoài Apple cho vị trí cấp cao để rồi chỉ vài tháng thử lửa phải cho nghỉ việc cũng khiến Tim Cook hứng chịu mũi dùi dư luận. Với Tim Cook, ông không bao giờ bào chữa mà ngược lại rất thành thực tự nhận đây là quá trình tự đào tạo cho vị trí CEO và từng lên tiếng xin lỗi người sử dụng về chương trình Google Maps nhiều bất cập. “Đây là một lời nhắc nhở tôi về tầm quan trọng của sự thích ứng văn hóa công ty. Phải mất một thời gian mới nhận ra điều đó”, CEO 56 tuổi này cho biết.
Người giữ trái táo cắn dở 2Với Giáo hoàng Francis - Ảnh: Reuters
Và trở thành CEO vĩ đại
“Tim Cook không bao giờ muốn trở thành Steve Jobs. Ông ấy chỉ muốn là chính mình, ông ấy khác Jobs ở chỗ để nhân viên thực hiện công việc của họ và chỉ can thiệp ở phút cuối nếu cần” - lời nhận xét của một quản lý cấp cao và có thâm niên ở Apple hơn cả Cook. Sự khác biệt ấy thể hiện ở một vài con số đủ để Tim Cook vượt qua cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm. Tính đến năm 2015, chứng khoán của Apple tăng lên 126 USD từ mức 54 USD kể từ khi Jobs qua đời, đưa giá trị vốn hóa thị trường lên 700 tỉ USD và đưa Apple thành công ty đầu tiên vượt qua mức này. Cùng thời điểm đó, mức dự trữ tiền mặt tăng gấp 3 lần kể từ năm 2010 lên hơn 150 tỉ USD.
Apple dưới thời Tim Cook cũng đánh dấu được sự chuyển đổi lớn khi thay vì tập trung “ánh sáng” cho nhân vật trung tâm như Steve Jobs thì Tim Cook lùi về sau và tạo điều kiện để những tài năng của công ty được tỏa sáng bên ngoài. Nếu Jobs khắt khe hạn chế sự giao tiếp của nhân viên cấp dưới với báo chí thì Tim Cook lại cởi mở và tạo điều kiện để các báo tìm hiểu về người của công ty. “Mục đích của tôi là đẩy mạnh hình ảnh công chúng của các cấp quản lý cũng như của nhân viên công ty”, Cook cho biết.
Và quyết định “bước ra ánh sáng” năm 2014 của một CEO kín tiếng như Tim Cook đã khiến ông trở thành biểu tượng của thế giới mới. Ông trở thành CEO đầu tiên trong các công ty Fortune 500 công khai mình là người đồng giới. Ông còn giỏi xoay xở trong việc hướng sự chú ý của dư luận vào những hoạt động xã hội của Apple như nhân quyền, giáo dục, nữ quyền… Bản thân Tim Cook còn công bố ông sẽ hiến tặng toàn bộ tài sản của mình cho các chương trình từ thiện và hơn thế sẽ phát triển một phương pháp có tính hệ thống thay vì chỉ ngồi nhà ký séc.
Vài nét về một CEO kín tiếng
- Là con trai của một công nhân đóng tàu và một nhân viên tiệm thuốc.
- Tốt nghiệp ngành cơ khí công nghiệp Đại học Auburn năm 1982, lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Duke năm 1988.
- Làm việc ở IBM 12 năm và 6 tháng ở Compaq trước khi gia nhập Apple năm 1998.
- Là người trầm tính, không bao giờ nói lớn tiếng nhưng lại khiến người đối diện e ngại với ánh nhìn sắc bén. Một đồng nghiệp cũ của ông từng chứng kiến cảnh ông chất vấn nhân viên kể lại: “Ông ấy hỏi những câu mà ông ấy biết rằng bạn không thể trả lời. Và cứ hỏi cho đến khi ông tự ngưng”.
- Ông bắt đầu ngày làm việc của mình lúc 4 giờ rưỡi sáng bằng cách gửi email cho cấp dưới. Ông tự hào mình là người đầu tiên có mặt ở văn phòng và người cuối cùng rời công ty.
- Là người say mê tập gym và yêu thích các hoạt động thể chất như đi bộ đường dài, đạp xe. Là người ngưỡng mộ cua rơ Lance Amstrong và hâm mộ giọng ca Bob Dylan. Ngoài Apple, ông dành tình yêu của đời ông cho đội bóng bầu dục Auburn Tigers khi các kỷ vật liên quan đến đội bóng này được trưng bày khắp nơi từ nhà đến công ty.
- Phát hiện mắc bệnh đa xơ cứng (chứng rối loạn não bộ và tủy sống) năm 1996 nhưng vẫn lạc quan cho biết nhờ vậy mà ông “biết nhìn thế giới theo cách khác”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.