Người giữ những nghề 'xưa cũ' Sài Gòn: Tiếng guốc cuối cùng chợ Bến Thành

30/05/2016 09:36 GMT+7

Họ đã sống gần một thế kỷ ở Sài Gòn. Qua bao biến đổi của thành phố, đến nay, trong dòng đời tấp nập, họ vẫn là những người miệt mài giữ những nghề cũ kỹ, nét xưa của thế kỷ trước.

“Giờ chẳng còn mấy ai đi guốc gỗ nữa. Nhiều khi mấy ngày không bán được một đôi. Có người hỏi thuê, xin sang lại sạp, cũng được hơn hai chục triệu đồng mỗi tháng. Nhưng nghĩ, mình gắn với cái nghề đóng guốc gỗ này hơn nửa thế kỷ rồi nên cứ giữ”, bà Liên chia sẻ.
Tìm “tiếng” guốc gỗ
Người Sài Gòn vẫn kháo nhau, ở Sài Gòn, muốn tìm trăm thứ gì từ đặc sản đến bình dân, từ xưa cũ đến tân thời cứ vào chợ Bến Thành. Giữa ngôi chợ trăm tuổi, nổi tiếng là biểu tượng của Sài Gòn này, có một sạp guốc chừng 1,5m2 đã tồn tại hơn 50 năm nay. Bà chủ sạp cũng đã ngót nghét qua tuổi “thất thập cổ lai hi”.
Bà Nguyễn Thị Liên (ngụ Bàn Cờ, Q.3) là người lớn tuổi nhất duy nhất còn sót lại kinh doanh đóng guốc gỗ trong chợ Bến Thành.
“Tui làm nghề đóng guốc này đã hơn 50 năm rồi. Ban đầu là theo làm cùng với cô. Sau đó, cô mất thì cho lại cái sạp này”, bà Liên nói.
Thế là từ 50 năm nay, bà miệt mài mỗi sáng mở hàng, chiều tối tan chợ thì đóng cửa, dọn hàng. Những năm gần đây, lớn tuổi, guốc bán cũng không chạy nữa nhưng hằng ngày bà vẫn lọ mọ làm công việc như 50 năm qua của mình, chỉ khác một điều, bà không mở hàng sớm mà đến tầm hơn 10 giờ sáng mới mở hàng.
Những đôi guốc gỗ của sạp bà Liên lọt thỏm trong ngôi chợ trăm tuổi đắt đỏ nhất Sài Gòn - Ảnh: Nguyên Mi

Giờ chẳng còn mấy ai đi guốc gỗ nữa. Nhiều khi mấy ngày không bán được một đôi. Có người hỏi thuê, xin sang lại sạp, cũng được hơn hai chục triệu đồng mỗi tháng. Nhưng nghĩ, mình gắn với cái nghề đóng guốc gỗ này hơn nửa thế kỷ rồi nên cứ giữ

Bà Nguyễn Thị Liên

Khách đến mua hàng, đầu tiên sẽ chọn kiểu đế guốc. Bà sẽ lấy cỡ vừa chân. Sau đó, khách chọn quai guốc. Thế là bà đo chân, đóng guốc cho khách. Dù đã hơn 70 tuổi nhưng thao tác của bà vẫn nhanh nhẹn và tỉ mỉ. Xong guốc, khách mang rất vừa vặn.
Những đôi guốc ở sạp bà Liên được làm từ nhiều loại gỗ nhưng chủ yếu là gỗ thông và gỗ xoan. Theo bà Liên, hai loại gỗ này bền và nhẹ.
Kiểu dáng guốc thuần Việt và sang trọng nhất là kiểu bằng sơn mài, khảm, quai nhung, gót nhọn, dáng thuôn.
Thăng trầm theo đôi guốc
Trong tiếng búa đóng guốc lóc cóc, bà kể: “Thời kỳ những năm 70, 80, guốc được nhiều người ưa chuộng lắm! Sạp tui hằng ngày đóng guốc cho khách không ngơi tay. Guốc gỗ gắn liền với hình ảnh, nét duyên của người phụ nữ xưa. Tui còn nhớ, khách ruột của hàng tui hồi đó là cô Cẩm Nhung – người đẹp nổi tiếng một thời ở Sài Gòn”.
Mẫu quai guốc gỗ nhiều màu sắc - Ảnh: Nguyên Mi
Đến khi giầy, dép nhựa tràn ngập thị trường với nhiều loại, kiểu dáng thì không còn ai mặn mà mang guốc gỗ nữa, nhất là người trẻ. Hàng guốc của bà Liên vì thế cũng thưa dần rồi vắng khách hẳn. “Đến khoảng năm 2000 thì rộ lên trào lưu mang guốc lại. Đặc biệt, khách du lịch rất thích thú với guốc gỗ Việt Nam. Thế nên sạp guốc lại đắt khách.
Nhưng giờ, guốc gỗ lại đang ngắt ngoải. “Buồn lắm, chẳng ai mua!”, bà Liên tiu nghỉu.
“Giờ chẳng còn mấy ai đi guốc gỗ nữa. Nhiều khi mấy ngày không bán được một đôi. Có người hỏi thuê, xin sang lại sạp, cũng được hơn hai chục triệu đồng mỗi tháng. Nhưng nghĩ, mình gắn với cái nghề đóng guốc gỗ này hơn nửa thế kỷ rồi nên cứ giữ”, bà Liên chia sẻ.

tin liên quan

Taxi xưa ở Sài Gòn
(TNTS) Ngoài chiếc Lambro và xích lô máy, chiếc taxi dòng 4 bánh Renault 4CV màu xanh dương trở thành hình ảnh quen thuộc gợi nhớ về một thời xưa cũ của Sài Gòn. Để sở hữu chiếc xe này, anh Dzung Trần, một người tự nhận mình hoài cổ, đã phải mất thời gian khá dài, nhưng bù lại là niềm vui không gì so sánh được.
Giữa ngôi chợ đắt đỏ, có giá nhất Sài Gòn, bà Liên vẫn kiên trì giữ lấy sạp guốc, với giá mỗi đôi guốc chỉ khoảng 100.000-150.000 đồng. “Làm vì thứ nhất giữ chút gì xưa cũ còn lại ở Sài Gòn. Mong rằng sau này, người ta lại chuộng đi guốc trở lại. Lại được nghe tiếng guốc lộc cộc, xôn xao rất duyên của người phụ nữ”, bà Liên hi vọng.
Đôi tay gầy guộc của bà Liên nhanh nhẹn, tỉ mỉ đóng quai guốc - Ảnh: Nguyên Mi
Một phần nữa là: “Đi làm vì giờ ở nhà thì lại nhớ việc, nhớ nghề, không khéo lại đổ bệnh nằm đó nữa. Ra chợ vui, thấy mình cũng khỏe, có ích hơn”, bà Liên bày tỏ.
Người phụ nữ đã qua gần hết thế kỷ này thâm trầm: “Ngồi ở đây hơn nửa thế kỷ rồi. Chợ là chốn thị phi, người qua kẻ lại nhiều; nghe, thấy chuyện đời cũng nhiều. Thấy đời người nay vầy mai khác lên xuống vô chừng lắm! Lắm truân chuyên! Cũng như cái thịnh – suy của hàng guốc này”.
Theo bà Liên, bà bán guốc vì gắn bó với nghề xưa cũ, hoài cổ vì một nét xưa của Sài Gòn và cũng là người phụ nữ Việt Nam. Cũng vậy, giờ những khách hàng mua guốc mộc, guốc gỗ cũng vì… hoài cổ.
“Giờ người ta mua guốc như thưởng thức một món đặc sản. Khách lớn tuổi đi chợ mua để nhớ về thời xưa, cái thời trẻ của mình. Hoặc khách mua mang về chưng làm kỉ niệm, chứ guốc không còn được mang vào chân thông dụng như xưa nữa rồi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.