Người dệt áo “vua”

11/12/2008 11:01 GMT+7

Có một người chuyên dệt lụa để may áo không những cho người bình thường mà còn cho cả nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo các nền kinh tế. Người có duyên dệt những tấm lụa đó chính là anh Hồ Viết Lý, Giám đốc Công ty TNHH Dệt lụa tơ tằm Toàn Thịnh, TPHCM.

Từ ước mơ của cậu bé mồ côi

Chào đời năm 1954 trong một gia đình có 4 anh em, cha mẹ làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Mới 4 tuổi đầu, cậu bé Hồ Viết Lý đã mồ côi mẹ. Sinh ra và lớn lên tại xã Duy Xuyên huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, mảnh đất chuyên trồng dâu, nuôi tằm nhưng từ nhỏ, cậu bé đã nhận ra điều nghịch lý là ở nơi chuyên trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ nhưng lại không có nghề dệt lụa! Có lẽ vì thế nên cậu sớm ấp ủ ước mơ: “Lớn lên mình sẽ dệt được những tấm lụa tuyệt đẹp…”.

Nuôi ước mơ dệt lụa nhưng lớn lên Hồ Viết Lý lại đi… dạy học và làm công tác đoàn thể tại địa phương - những cái nghề chẳng liên quan gì đến chuyện dệt lụa. Những tưởng từ đây giấc mơ dệt lụa bị dập tắt, nhưng không phải thế, lúc nào niềm đam mê cháy bỏng ấy cũng âm ỉ trong tâm hồn cậu. Rồi một lần vào Sài Gòn công tác, chàng trai xứ Quảng tình cờ gặp cô gái cùng quê vào Sài Gòn làm nghề dệt vải tại “làng dệt Bảy Hiền”.

Thấy người cùng nghề, anh cảm mến ngay. Dần dần, hai người “bén duyên” nhau từ lúc nào không biết. Năm 1980, họ chính thức nên vợ nên chồng. Từ đó, hai vợ chồng Lý trở lại với nghề dệt, dù chỉ là dệt các loại vải bình thường. Hồ Viết Lý rất vui khi nhớ lại - ngày ấy, do máy móc dệt vải còn thô sơ nên “làng dệt Bảy Hiền” chỉ dệt các loại vải thô sơ như: ka-tê, mùng, ú… để bán ở các chợ, chứ chưa xuất khẩu gì được. Đến khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới thì cách làm thủ công với sản phẩm chất lượng chưa cao đã buộc những người trong cuộc phải có đột phá mới...

Từ đây, niềm đam mê dệt lụa lại bùng cháy trong tâm hồn anh. Thấy làng dệt làm ăn có chiều hướng chựng lại, Hồ Viết Lý mang nỗi băn khoăn bàn với vợ: “Nếu mình cứ dệt vải thô như vậy hoài về lâu dài sẽ không ổn, phải vươn tới dệt lụa mới mong đưa nghề dệt bay cao, bay xa…”. Những tưởng sẽ bị vợ phản đối vì nghề dệt lụa cực kỳ khó, nào ngờ ý tưởng của anh được vợ ủng hộ ngay: “Đúng rồi, phải dệt lụa cho được anh ạ. Nghề dệt lụa rất khó nhưng nếu mình làm được mới thắng lợi chứ…”. Lời động viên của vợ như tiếp thêm sức mạnh khiến Lý lao ngay vào cuộc để thực hiện bằng được “ước mơ dệt lụa”.

Nhìn tấm lụa mong manh là thế nhưng để dệt nên những tấm lụa là cả một quá trình phức tạp, công phu, đòi hỏi phải có óc thẩm mỹ tinh tế, kỹ thuật cao và quyết tâm rất cao. Với quyết tâm “được ăn cả, ngã về không”, Lý khăn gói lặn lội về làng chuyên dệt lụa ở La Khê (Hà Đông) - nơi có thương hiệu áo lụa Hà Đông nổi tiếng để tìm hiểu cách dệt lụa truyền thống. Xem rất kỹ cách dệt lụa của nơi lụa nổi tiếng nhất nước nhưng anh vẫn thấy còn thiếu chút gì đó cho những tấm lụa mang tâm sức của mình nên Lý đã lặn lội sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp để tìm cách dệt lụa chất lượng cao. Anh kể: “Đến xứ người, mình chỉ học cách dệt lụa bằng mắt thôi chứ không ai chịu chỉ bí quyết cho mình cả…”.

Sau một thời gian đi nhiều nơi, trở về anh bắt tay đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để dệt lụa. Anh tự nghiên cứu cách dệt lụa sao cho vừa mang tính truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, vừa mang tính hiện đại mà không ai có thể bắt chước được. Nhiều người hỏi sao anh không thuê kỹ sư cho khỏe, anh bảo: “Thuê kỹ sư hoặc chuyên gia thì dễ nhưng nếu nghiên cứu cách dệt lụa thành công thì rất dễ bị “nhân bản” khiến mất thế độc quyền...”. Sau bao ngày đêm trăn trở với cách dệt lụa, cuối cùng anh cũng dệt được tấm lụa đầu tiên.

Anh bồi hồi và hạnh phúc khi cầm trên tay xấp lụa mịn màng, mát lạnh; anh có cảm giác hạnh phúc như đón đứa con đầu lòng chào đời vậy. Từ đó, Hồ Viết Lý trở thành người dệt lụa duy nhất tại TPHCM. Chất liệu, kiểu dáng của “lụa Lý” tại Sài Gòn có vẻ đẹp riêng so với lụa Hà Đông và lụa Lâm Đồng. Có trong tay mặt hàng mang tính đẳng cấp, Hồ Viết Lý nâng cấp cơ sở dệt Toàn Thịnh lên thành Công ty TNHH Dệt lụa tơ tằm Toàn Thịnh với quy mô sản xuất lớn và nhanh chóng xuất khẩu các mặt hàng lụa xuất khẩu sang thị trường Nhật, Pháp, Mỹ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Hàn Quốc…

... Đến lụa Lý bay xa

Niềm vui của anh Hồ Viết Lý khi hoàn thành những chiếc áo lụa dành cho 39 nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao Á- u (ASEM 5). Ảnh: C.T.V.

Tại Hội nghị cấp cao Á- u (ASEM 5) năm 2004 và Hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế APEC 14 năm 2006 diễn ra tại Việt Nam, nhà thiết kế Minh Hạnh đã chọn “lụa Lý” để may trang phục cho 39 vị lãnh đạo ASEM 5 và 21 vị lãnh đạo nền kinh tế thành viên APEC. Chiêm ngưỡng các vị lãnh đạo các nền kinh tế có mặt tại Việt Nam sang trọng trong bộ trang phục “thuần Việt”, người dân cả nước cũng như quan khách quốc tế đều trầm trồ thán phục…

Sau Hội nghị APEC, ban tổ chức đã tặng bộ trang phục lụa cho các vị lãnh đạo mang về nước làm kỷ niệm. Từ đây, như có “phép mầu”, lụa của Hồ Viết Lý đã thật sự bay xa trong niềm tự hào của người dệt nên nó và của tất cả người dân Việt khác…

Khi các sự kiện khép lại, chúng tôi hỏi anh Hồ Viết Lý rằng vì sao trong cả “rừng” vải vóc, tơ lụa mà lụa Lý lại được chọn để may áo cho “vua” (cách gọi vui lãnh đạo các nền kinh tế)? Anh Lý đáp: “Đến Việt Nam, nói đến mặc đẹp là phải nói đến lụa vì ông bà đã từng nói “người đẹp vì lụa” mà. Hơn thế, lụa luôn thể hiện đẳng cấp, đẳng chủng và độ bền cao so với các loại vải khác…”.

Để “lụa Lý” được lựa chọn may áo cho lãnh đạo các nền kinh tế, Hồ Viết Lý đã thao thức suốt 86 ngày đêm, bên máy dệt để tạo được bảy màu lụa khác nhau với họa tiết hoa sen đặc sắc. Mỗi lần dệt xong một mẫu lụa, anh Lý lại bay ra Hà Nội trình Ban tổ chức và Viện Thiết kế. Cho đến khi những tấm áo lụa hoàn thành, Lý mới thở phào nhẹ nhõm… Anh tâm sự: “Thế là tôi đã toại nguyện ước mơ dệt lụa, giờ đây chỉ mong sao con đường tơ lụa của Việt Nam tiến xa hơn nữa để nhiều người dân trong nước cũng như các nước trên thế giới đều mặc lụa Việt Nam. Tôi thật sự tự hào vì người Việt Nam đã biết biến những điều không thể thành có thể”. 

Theo Minh Ngọc/ SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.