Người dân TP.HCM thấy se lạnh suốt Tết Tân Sửu, có gì bất thường?

18/02/2021 12:58 GMT+7

Trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu, người dân TP.HCM cảm thấy se lạnh, nhất là khi chạy xe ngoài đường vào sáng sớm và chiều tối. Thời tiết như vậy có gì bất thường so với mọi năm?

Sáng sớm 18.2 (tức mồng 7 Tết Tân Sửu), người dân TP.HCM nhìn thấy sương mù nhẹ, tiết trời se lạnh, nhiệt độ báo trên các ứng dụng mặc định ở di động vào khoảng 21oC vào thời điểm 7 giờ sáng. Trước đó, một số buổi tối và sáng trong kỳ nghỉ Tết, nhiệt độ trên điện thoại báo cũng dao động ở mức này.
Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, nhiệt độ thực tế đo được sáng nay tại trạm Nhà Bè là 21,3oC, ngày 17.2 là 22,1oC, ngày 16.2 là 23,3oC. Tương tự, nhiệt độ đo được tại Q.1 sáng nay là 23oC, ngày 17.2 là 23oC, ngày 16.2 là 22,5oC.
Theo ông Quyết, hiện không khí lạnh đang di chuyển ra phía đông và suy yếu dần. Trong khi trên cao áp cao cận nhiệt đới có trục qua nam Trung bộ. Do tác động của không khí lạnh kết hợp với dòng phân kỳ trên cao nên khu vực Nam bộ không mưa, ban ngày trời nắng gián đoạn. Nhiệt độ ngày tăng nhẹ, và đêm ít biến động, các tỉnh Đông Nam bộ trời lạnh về đêm và sáng sớm. Miền Tây trời se lạnh về đêm và sáng sớm.
Nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh Đông Nam bộ dao động trong khoảng từ 31 - 32oC, cao nhất tại Đồng Xoài (Bình Phước) 33,3oC, miền Tây 28 - 30oC, cao nhất Vị Thanh (Hậu Giang) 30,4oC. Cá biệt tại Vũng Tàu là 27,5oC.
Nhiệt độ thấp nhất đêm hôm qua ở các tỉnh Đông Nam bộ từ 18,7 - 22,1oC, riêng Vũng Tàu 23,9oC. Miền Tây từ 20,2 - 22,7oC. Hôm qua, tại TP.HCM, nhiệt độ thấp nhất tại Nhà Bè 22,1oC, cao nhất là 29,9oC .
Dự báo 24 - 48 giờ tới, không khí lạnh tăng cường sâu xuống phía nam, khoảng ngày 19.2 có cường độ ổn định sau suy yếu dần. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới đi qua Nam Trung bộ, hoạt động ổn định sau nâng dần trục lên phía bắc.

So với số liệu 10 năm, nhiệt độ tại TP.HCM dịp Tết không có gì bất thường, mức nhiệt độ thấp nhất chỉ nhích nhẹ hơn so với các năm trước

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thời tiết Nam bộ mây thay đổi, ngày nắng, đêm không mưa, nhiệt độ xu hướng tăng nhẹ trên hầu khắp khu vực. Không khí lạnh di chuyển ra phía đông và suy yếu dần. Trong khi trên cao áp cao cận nhiệt đới có trục qua nam Trung bộ.
"Hiện nay đang có một xoáy thấp hoạt động ở phía đông Philippines, có xu hướng di chuyển về hướng tây bắc, khả năng ngày 22.2 sẽ đi vào biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới hoặc bão, có hướng di chuyển về phía đảo Hải Nam.
Áp thấp nhiệt đới này sẽ hoạt động trên biển đông đến khoảng ngày 25.2 thì suy yếu thành vùng áp thấp rồi tan dần, khó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tuy nhiên từ 22 - 26.2 sẽ gây gió mạnh trên biển, các hoạt động của tàu thuyền cần hết sức lưu ý. 
Theo ông Quyết, so sánh chuỗi 10 năm gần đây từ 2011 - 2020, TP.HCM trong các ngày từ 30 Tết đến mồng 2 Tết Tân Sửu, nhiệt độ cao nhất phổ biến 31 - 32oC, thấp nhất 22 - 23oC. Trong khi đó, Tết Tân Sửu năm 2021, từ ngày 23 tháng Chạp (4.2) đến 18.2 tại TP.HCM cao nhất dao động phổ biến từ 30 - 31oC, riêng từ 29 đến mồng 5 Tết năm nay nhiệt độ cao nhất từ 29 - 30oC do trời nhiều mây nắng yếu nên ban ngày không quá nắng.
Nhiệt độ thấp nhất năm nay tại TP.HCM từ 4.2 đến 17.2 đều trên 22oC đối với các quận trung tâm thành phố. Còn đối với khu vực Q.7, Cần Giờ, Nhà Bè cũng phổ biến dao động từ trên 21 - 23oC.
"Như vậy so với chuỗi số liệu thời tiết nhiều năm thì tết năm nay ngoại trừ 27 Tết có trận mưa khá lớn Nhà Bè 40.1mm, thời tiết diễn ra bình thường, ban ngày trời nắng yếu, sáng sớm cảm giác se lạnh, nhưng nhiệt độ thấp nhất dịp Tết Tân Sửu năm nay cũng không có ngày nào dưới 21oC, không bất thường gì so với mọi năm", ông Quyết nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.