Người dân TP.HCM có được đi ăn uống, cà phê Tết khi thành phố ngưng một số dịch vụ?

09/02/2021 12:23 GMT+7

Sau khi TP.HCM phát hiện thêm nhiêu ca mắc Covid-19 , UBND TP đã quyết định từ 12 giờ ngày 9.2 dừng nhiều loại hình hoạt động kinh doanh như rạp chiếu phim, gym, bar, vũ trường... để phòng chống dịch. Vậy người dân được đi chơi Tết, uống cà phê, ăn uống thế nào để không bị xử phạt?

Chiều tối 8.2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM. Kết luận cuộc họp, ông Phong yêu cầu dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, thẩm mỹ viện, karaoke, vũ trường, quán nhậu, quán bar, pub, beer club, massage, xông hơi, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử.

TP.HCM cho phép áp dụng Chỉ thị 15 hoặc 16 tại nhiều khu vực phòng Covid-19

Đối với các hoạt động tại đường hoa, đường sách tết trên đường Nguyễn Huệ, TP.HCM không tổ chức lễ khai mạc và chỉ mở cửa đón khách tham quan từ 8 - 17 giờ. Để phòng dịch Covid-19, UBND TP.HCM khẳng định sẽ xử phạt nghiêm hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Vậy người dân TP.HCM được đi chơi Tết thế nào để đảm bảo an toàn phòng chống dịch mà không bị xử phạt?

Tham quan Hội hoa xuân thế nào?

Ông Lê Công Phương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM - đơn vị tổ chức Hội hoa Xuân Tân Sửu 2021 tại Công viên Tao Đàn cho biết, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, hiện nay tất cả các cổng ra vào của Hội hoa xuân đều được bố trí người trực, nhắc nhở khách đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn.
Bên trong khuôn viên Hội hoa Xuân có lực lượng bảo vệ nhắc nhở bà con phải đeo khẩu trang. Nhưng thực tế, ông Phương cho rằng vẫn có một số du khách tháo khẩu trang khi chụp hình, chụp xong đeo lại ngay. Tuy nhiên, trước tình hình dịch diễn biến như hiện nay, từ hôm nay, BTC sẽ yêu cầu du khách chụp hình cũng phải đeo khẩu trang, thực hiện quyết liệt để chung tay phòng chống dịch.

Hoa sứ rực rỡ màu sắc tại Hội hoa xuân

Ảnh: Vũ Phượng

Tham gia bảo vệ tại Hội hoa Xuân Tết Tân Sửu 2021, ngoài lực lượng tại chỗ, công ty Cây xanh còn hợp đồng với 1 công ty bảo vệ, lực lượng công an TP, công an quận, công an phường, dân quân để đảm bảo cho du khách tham quan an toàn.
Theo ông Phương, bình thường Hội hoa xuân hoạt động từ 7 giờ đến 23 giờ, nhưng theo hướng dẫn mới của UBND TP thì sẽ mở cửa từ 8 giờ đến 17 giờ.
"Khu vực tổ chức Hội hoa xuân là hơn 7ha, năm nay các tiểu cảnh bố trí, thiết kế tạo sự thông thoáng, các khu trưng bày cũng thiết kế lại để giữ khoảng cách cho bà con đi tham quan. Số lượng khách năm nay vắng hơn mọi năm rất nhiều. Riêng khu ẩm thực hôm nay sẽ sắp xếp lại để đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các bàn, công ty sẽ họp vận động các cửa hàng cùng thực hiện để phòng chống dịch, duy trì được Hội hoa xuân", Giám đốc Công ty Cây xanh chia sẻ.

Phòng Covid-19, tháo khẩu trang chụp hình đường hoa ở TP.HCM sẽ bị phạt

Đi đường hoa Nguyễn Huệ thế nào?

Trong cuộc họp chiều tối 8.2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã thông báo sẽ không tổ chức lễ khai mạc, và chỉ mở cửa tham quan từ 8 giờ đến 17 giờ. Trước đó, theo kế hoạch, chương trình khai mạc sẽ được diễn ra vào tối nay (28 Tết).
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Đông Hòa - Phó tổng giám đốc Saigontourist Group - đơn vị tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) cho biết, theo hướng dẫn của UBND TP, đường hoa Nguyễn Huệ năm nay mở cửa đón khách từ 8 giờ đến 17 giờ hằng ngày.

Lễ khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) dự kiến tối 28 Tết bị hủy

Ảnh: Độc Lập

Trước mắt, kế hoạch được BTC đưa ra là du khách vào tham quan đường hoa Nguyễn Huệ phải thực hiện nghiêm 5K gồm: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người và khai báo y tế
"Như mọi năm, du khách vào tham quan đường hoa Nguyễn Huệ có thể đi thoải mái, đi hết một lượt xuống có thể vòng lại. Năm nay, vì để đảm bảo khoảng cách, giải quyết bài toán an toàn nên nếu được UBND cho mở cửa đường hoa thì BTC sẽ mở 2 cổng cho khách vào tham quan, đi theo 1 chiều, sau đó có thể đi ra bằng 6 cổng còn lại chứ không được đi vòng lại", Phó tổng giám đốc Saigontourist Group chia sẻ.
Cũng theo BTC đường hoa Nguyễn Huệ, BTC sẽ căn cứ vào mật độ du khách đi tham quan, mức độ ùn tắc có thể tạm ngưng nhận khách trong một khoảng thời gian để đảm bảo an toàn, kiên quyết không cho khách không đeo khẩu trang vào tham quan, thậm chí phối hợp với lực lượng chức năng xử phạt khi khách không đeo khẩu trang.

Đầu bếp ở TP.HCM liên quan đến ca Covid-19, phong tỏa cả quán nhậu

Có được đi ăn uống, cà phê?

Lãnh đạo UBND P.Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM) cho biết, như 2 đợt trước, dù GPKD của các hàng quán trên phố Tây Bùi Viện là quán ăn, nhà hàng nhưng khi được vận động thì các hàng quán đều đóng cửa, chấp hành các biện pháp phòng chống dịch.
Trên tinh thần đó, đợt này dù UBND TP không cấm hoạt động quán ăn nhưng UBND phường vẫn đi tuyên truyền, vận động đóng cửa hàng quán vì lợi ích chung của cộng đồng. "Những ngày qua một số hàng quán mở cửa, dù có nhạc xập xình nhưng vắng hoe, không có khách. Đợt này đi vận động cũng trên tinh thần đó, phường mong muốn người dân cùng chung tay trong công tác phòng, chống dịch để mọi thứ sớm ổn định trở lại", đại diện UBND phường Phạm Ngũ Lão thông tin.
Ông Từ Lương - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cũng cho biết, các quán cà phê, quán ăn đợt này vẫn được mở cửa đón khách bình thường. Tuy nhiên, người dân cần chú ý không ngồi quá đông người, hạn chế tối đa ngồi trong phòng kín có máy lạnh mà nên ngồi không gian thoáng, rộng, giữ khoảng cách để đảm bảo an toàn.
Trong công văn 459 do UBND TP.HCM ban hành ngày 8.2, ở điều 11 nêu rõ: đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không phục vụ 30 người trở lên trong cùng một thời điểm, bố trí chỗ ngồi thông thoáng, đảm bảo khoảng cách giữa 2 người từ 1 mét trở lên, các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của cơ quan y tế, tăng cường hình thức giao nhận hàng tại nhà, khuyến khích lập vách ngăn trên bàn ăn giữa các khách hàng. 

CẬP NHẬT: Danh sách 33 điểm đang phong tỏa tại TP.HCM để phòng Covid-19

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.