Người dân phải trả thêm bao nhiêu một tháng vì tăng giá điện ?

Chí Hiếu
Chí Hiếu
20/03/2019 20:41 GMT+7

Với việc tăng giá điện thêm 8,36% từ hôm nay, 20.3, Bộ Công thương cho biết, hộ gia đình dùng khoảng 200 số điện/tháng thì số tiền tăng thêm mỗi tháng là 31.600 đồng.

Chiều nay, 20.3, Bộ Công thương tổ chức họp báo để thông tin về quyết định của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện từ ngày 20.3. Theo quyết định, mức giá bán lẻ điện bình quân áp dụng từ hôm nay là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức giá này cao hơn giá bán lẻ bình quân hiện hành là 143,79 đồng/kWh, tương đương mức tăng 8,36%.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, cho biết cùng với quyết định điều chỉnh giá điện, Bộ Công thương cũng ban hành bảng giá bán điện cho các nhóm khách hàng.
Trong đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc, theo cách tính lũy tiến, bậc cao nhất áp dụng cho hộ dùng từ kWh 401 trở lên thì có giá 2.927 đồng/kWh. Bậc thấp nhất (bậc 1: 0 - 50 kWh) thì mức giá 1.678 đồng/kWh. Từ kWh thứ 51 - 100 (bậc 2) giá 1.734 đồng/kWh. Bậc 3 (từ 101 - 200 kWh) có mức giá 2.014 đồng/kWh. Giá điện bậc 4 (201-300 kWh) là 2.536 đồng/kWh. Bậc 5 (301 - 400 kWh) giá điện ở mức 2.834 đồng/kWh.
Ông Tuấn cho hay, với việc tăng giá điện như trên, nếu một hộ gia đình dùng 100 kWh mỗi tháng thì số tiền điện phải trả thêm so với trước đây là hơn 14.000 đồng/tháng, tương đương tăng thêm 8,4%. Và theo số liệu năm 2018 thì cả nước có 9,2 triệu hộ dùng điện ở mức này, chiếm 35,6%.
Số hộ chỉ dùng 50 kWh/tháng thì số tiền tăng thêm chỉ ở mức 7.000 đồng/tháng. Với hộ dùng khoảng 200 số điện/tháng thì số tiền tăng thêm mỗi tháng là 31.600 đồng. Trong khi dùng 400 số điện/tháng thì số tiền tăng do tăng giá lần này là 77.000 đồng/tháng. Hiện số hộ dùng từ 400 số điện trở lên mỗi tháng chiếm tỷ lệ 7,1%.
Còn nếu hộ dùng 300 số thì số điện/tháng tiền tăng thêm hàng tháng là 53.000 đồng. Cả nước có khoảng 15% số hộ dùng điện ở mức từ 300 kWh trở lên.
Tương tự, Bộ Công thương đã có tính toán tác động tới hộ sản xuất và hộ dùng điện theo giá kinh doanh. Cụ thể, cả nước có khoảng 443.000 hộ khách hàng kinh doanh. Và với việc tăng giá thì tính bình quân mỗi khách hàng trả tăng thêm 500.000/hộ/tháng.
Còn số hộ dùng điện sản xuất hiện có khoảng 1,413 triệu hộ và tính bình quân số tiền điện mỗi hộ đang trả khoảng 12,39 triệu đồng/tháng. Với việc tăng giá điện như trên, trong trường hợp sản lượng tiêu thụ của các hộ này vẫn giữ nguyên thì số tiền trung bình mỗi hộ phải trả thêm là 870.000/tháng.
Tuy nhiên, đó là tính trung bình, còn đối với các hộ khách hàng tiêu thụ điện lớn, Bộ Công thương có một số khảo sát riêng. Ví dụ, khảo sát một số doanh nghiệp xi măng cho thấy, có hộ thấp thì phải trả thêm 13 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp lớn số tăng thêm là 95 triệu đồng/tháng.
Hay với 40 doanh nghiệp trong ngành thép được khảo sát, doanh nghiệp có số tiền tăng thêm ít nhất là 50 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng thêm 7,3%. Còn doanh nghiệp cao hơn thì tăng thêm 8,28%.
Bộ Công thương cũng cho biết, cơ quan này đã phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) để tính toán tác động của việc tăng giá điện lần này tới các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng GDP.
Cụ thể, với mức tăng giá điện thêm 8,36% từ hôm nay, thì CPI năm 2019 tăng trong khoảng 3,3 - 3,9%, tức việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.