Người đàn ông tốt bụng 23 năm hiến máu gần 100 lần

08/07/2017 10:20 GMT+7

Bắt gặp người đàn ông trạc ngũ tuần, dáng vẻ nhanh nhẹn tại bàn hiến máu của Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM, tôi ấn tượng bởi cách nói chuyện lạc quan và càng khâm phục khi biết ông đã hiến máu đến 89 lần.

Đó là ông Trần Kiến Phước, 53 tuổi ngụ quận 8 TP.HCM, người vẫn đều đặn cho đi “những giọt máu hồng” trung bình cứ 3 tháng/lần.
"Mỗi lần cho máu xong, cảm giác vui và hạnh phúc vẫn y như ngày đầu”
Ngày 4.12.1994, ông Phước tình cờ đọc một tờ báo có thông tin phát động hiến máu nhân đạo. Sáng hôm sau, ông tức tốc đến Trung tâm Hiến máu nhân đạo (số 201 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1). Lúc ấy, TP.HCM chỉ có ba người hiến máu và ông Phước là người thứ ba.
Ông chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất: “Lần hiến máu đầu tiên tôi vẫn nhớ như in, mới đầu hồi hộp nhưng sau cảm thấy rất hạnh phúc. Dăm ba hôm, tôi gọi điện cho bác sĩ thì họ nói, 250cc máu của tôi đã được chuyển đến bệnh viện Nguyễn Tri Phương quận 5 để mổ cứu người. Cho máu xong tôi vẫn đi làm mà không thấy mệt, thậm chí còn thấy vui vẻ hơn”.
Ban đầu, ông Phước không biết gì về hiến máu, nghe thành phố đang thiếu máu nên xung phong đi. Cho máu xong, ông mới biết mình thuộc nhóm máu O, có thể cho được nhiều người.
Nghe theo lời dặn của bác sĩ, ông uống thuốc bổ để tăng lượng hồng cầu và duy trì một chế độ ăn uống bổ dưỡng như trứng, thịt bỏ... trong 2 ngày. Nhất là tăng cường lượng nước cho cơ thể để không bị lên cân. Bên cạnh đó, để đảm bảo đủ tiêu chuẩn sức khỏe, ông còn chơi các môn thể thao như bóng chuyền, bóng rổ hàng ngày.
Những điều như “Trước ngày đi hiến máu phải ngủ sớm và uống 2 viên thuốc bổ máu, sau khi hiến máu về, uống 2 viên thuốc bổ máu nữa để nhanh lấy lại hồng cầu, bác sĩ rút dây tiêm là phải cầm chắc chỗ lấy máu, ngồi hai phút thì vận động bình thường”, ông đã thuộc nằm lòng.
Chân dung ông Trần Kiến Phước Ảnh: Hoàng Quyên
Khi được hỏi tại sao ông lại hiến máu đến 89 lần, ông cười: “Tôi cảm thấy máu mình cứu người là được rồi, không cần gì nhiều hơn. Tôi chỉ nghĩ làm việc gì cũng phải xuất phát từ cái tâm. Tôi luôn tâm niệm câu nói của sư thầy “cứu được một mạng người còn hơn xây 7 ngôi chùa”. Mỗi lần cho máu xong, cảm giác vui và hạnh phúc vẫn y như ngày đầu”.
"Thành tích" hiến máu 
 - Kỷ niệm chương, bằng khen của Thủ tướng về việc góp phần hiến máu nhân đạo cứu nhiều người.
- Bằng khen của Hội chữ thập đỏ TP.HCM.
- Là người có số lần hiến máu nhiều nhất trong số 100 người được tôn vinh nhân ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu (14.6) năm 2014.
- Giấy chứng nhận 80 lần hiến máu do Viện huyết học - truyền máu TW cấp.
2 con gái nối gót cha nhiệt tình hiến máu
Ông Phước đã có ngót nghét 20 năm kinh nghiệm tuyên truyền, vận động mọi người hiến máu tại những nơi mình đi qua trong những lần còn làm nghề chuyển phát nhanh. Khi chuyển qua làm thủ kho tại một công ty trên địa bàn quận 6, ông vẫn kiên trì vận động hiến máu qua các phiếu hiến máu của mình và các tờ rơi của Trung tâm Hiến máu.
Tuy vậy, có những lần ông đã bị làm khó dễ bởi sự hồ nghi hay những e ngại của nhiều người về vấn đề sức khỏe. Những lúc có người nói hiến máu không tốt cho sức khỏe thì ông luôn lấy mình ra làm nhân chứng sống. Họ không tin nữa thì ông mới trình giấy chứng nhận đảm bảo sức khỏe khi đã hiến máu hơn 80 lần.
Ông kể: “Nhiều người nhìn thì không tin tôi đã hiến máu toàn phần tới 89 lần. Họ cứ hỏi đi hỏi lại về tình trạng sức khỏe, tôi giải thích là hiến máu không ảnh hưởng gì, nếu biết cách ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện".

Năm 1991, tôi biết nhiều trường hợp đi bán máu nhưng tôi không bao giờ nghĩ sẽ làm việc ấy. Giúp được ai bằng máu của mình thì giúp, chứ không bán. Nghĩ máu mình đang tái sinh trong một cơ thể khác, tôi rất vui.
Theo ông Phước, hiến máu là nghĩa cử cao đẹp nên ông luôn vận động người thân, hàng xóm, đồng nghiệp... tham gia. Đặc biệt, hai cô con gái biết cha hiến máu nhiều lần mà sức khỏe vẫn đảm bảo nên cũng tình nguyện hiến. Theo ông Phước, mỗi ngày ông đều cầm tờ rơi phát động hiến máu về nhà, luôn nói về ý nghĩa của việc hiến máu nên các con “thấm dần”.
Ông Phước cho hay sẽ tiếp tục hiến máu tới năm 60 tuổi nếu sức khỏe cho phép và sẽ tích cực vận động mọi người cùng cho đi những giọt máu đào.
Ngoài hiến máu, ông còn tích cực tham gia phát quà từ thiện tại các chùa, thăm các viện dưỡng lão, cứu trợ trẻ mồ côi, đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Ông Phước cũng đi xuyên Việt từ Đông Nam Bộ, Đắk Lắk... cho đến các tỉnh phía Bắc để phát quà từ thiện cho các hộ nghèo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.