Người đàn ông tặng tiền cho phụ nữ xách giỏ đi chợ: 'Ý hay, nhưng tôi không đủ tiền'

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
20/08/2019 09:08 GMT+7

Nhiều bạn đọc Thanh Niên thích thú khi biết việc làm lạ kỳ của ông Lê Văn Triêm (65 tuổi, trưởng Ban quản lý chợ Trung Chỉ) khi ông tặng 10.000 đồng cho ai xách giỏ đi chợ … Một số bạn còn hiến kế cho ông Triêm!

Bạn đọc làm... 'quân sư' cho ông Triêm

Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng bản tin Chuyện lạ cứ xách giỏ đi chợ là phụ nữ được một người đàn ông tặng… tiền!, phản ánh chuyện ông Triêm (trưởng Ban quản lý chợ Trung Chỉ, P.Đông Lương, TP.Đông Hà, Quảng Trị) tặng 10.000 đồng cho những người xách giỏ đi chợ, hạn chế túi niloong, rất nhiều bạn đọc cảm phục hành động đẹp của người đàn ông có thu nhập chỉ vỏn vẹn 1,3 triệu đồng từ công việc trong ban quản lý chợ này.

Chợ Trung Chỉ chỉ là một ngôi chợ nhỏ ở TP.Đông Hà

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Ngay dưới bài viết có hàng chục bình luận cảm ơn, chúc mừng và động viên ông Triêm. Ví như bạn Miền Tây (ở Đồng Tháp) viết: “Chuyện này không phải nhỏ đâu, mà rất có ý nghĩa, bởi vì "không nói, mà làm", quá hay ông bạn ơi, hay hơn ngàn ngàn lần "những người cứ hởi hởi rồi thôi", mong ở các lĩnh vực của đời sống xã hội khác cũng có những người những tổ chức làm như ông bạn BQL chợ nói trên, nhất là những ông bà quan chức......hãy "không nói, mà làm".

Tâm sự người đàn ông chuyên tìm chị em xách giỏ đi chợ để tặng tiền

Bạn Thanh Nguyên (ở Bình Dương) gửi gắm: “Thật tuyệt vời! Mong thế giới này có thật nhiều người ý có ý thức và có trách nhiệm với môi trường sống mà thiên nhiên đã ban tặng! Hãy cùng nhau bảo vệ môi trường!”.
Không chỉ thế, nhiều bạn còn cao hứng “hiến kế” cho ông Triêm để việc làm của ông tăng tính lan tỏa, cổ vũ trong cuộc vận động chống rác thải nhựa. Bạn Rạch Miễu (ở Bến Tre) làm 'quân sư': “Nên tặng tiền khi xách giỏ ra khỏi chợ mà trong giỏ không có túi nilong”.

Ông Triêm hay thăm hỏi bà con tiểu thương ở chợ Trung Chỉ

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Bạn Chính Danh (ở Cao Bằng) cho rằng: “Mua một đống túi giấy hay túi tự huỷ phát cho bà con vừa tạo hình ảnh đẹp vừa giải quyết chuyện môi trường luôn”. Bạn Trang (ở Hà Nội) thì lại khuyên ông Triêm tặng tiền cho cả người bán hàng nữa vì: “Mình đi chợ cố không xài bịch ni lông mà chị bán cá bán thịt cứ bọc 2 cái, nói em không cần đâu, nhưng họ bảo vậy mới sạch”.
Mạnh dạn nhất là bạn Lê Ngọc (ở TP.HCM) viết: “Cảm ơn bác nhưng cháu có ý này khi giữ xe thấy người đi chợ không xách giỏ thì nên tặng họ 1 cái giỏ (vì giỏ giờ cái khoảng 30.000 đồng) và đa số được tặng rồi lần sau bà con cũng không nhận thêm nữa đâu, ít tốn chi phí hơn và mang tính lâu dài hơn ạ”.

'Toàn ý kiến hay nhưng tôi... không đủ tiền để làm!'

Đó là câu trả lời thật thà của ông Triêm khi PV Thanh Niên quay trở lại chợ Trung Chỉ và nói cho ông hay về những gợi ý của bạn đọc.

Ông Triêm bảo mình không đủ tiền để thực hiện những ý tưởng tốt đẹp mà bạn đọc gợi ý.

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Sáng, ông Triêm vẫn bắt đầu công việc của mình ở nhà xe và ngồi “tia” những bà nội trợ xem ai có xách giỏ đi chợ để... ù té ra, tặng tiền.
“Lúc đầu tôi tặng có nhiều người tưởng tôi đùa. Tôi nói tôi làm thật và bảo với họ rằng về điều kiện kinh tế chưa chắc tôi bằng họ nhưng đây là việc tôi muốn làm. Có người từ chối không nhận và cũng có người nhận rồi sau đó trả lại cho rồi, thế là tôi cũng đi tặng lại người khác. Bữa giờ không biết cho bao nhiêu nữa”, ông Triêm kể.

Nhiều người dân đã có ý thức khi không dùng túi ni lông khi đi chợ Trung Chỉ

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Với những ý tưởng của bạn đọc, ông Triêm cho biết, ông chỉ xin dừng lại ở việc tặng tiền 10.000 đồng thôi chứ không dám... mở rộng quy mô của chương trình lớn đến thế.
“Nói thật, tôi làm quản lý chợ được 1,3 triệu/tháng, nếu làm như các bạn bày cho thì tôi tiền đâu mà làm. Nhưng dù sao tôi cũng rất cảm ơn các bạn, bởi các bạn có ý tưởng tốt là rõ ràng các bạn đã có ý thức trong việc hạn chế chất thải nhựa, bảo vệ môi trường”, ông Triêm cho hay.

Việc làm nhỏ của ông Triêm đã có ý nghĩa mạnh mẽ trong phòng trào chống rác thải nhựa

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Tuy thế, ông Triêm cho biết, sắp tới ông đang có ý tưởng để vận động những tiểu thương trong chợ Trung Chỉ, đặc biệt là tiểu thương hàng cá, hàng thịt thay vì sử dụng bao ni lông thì sẽ sử dụng lá chuối, lá môn để gói cá, thịt cho người mua.
“Tôi sẽ có hình thức động viên tiểu thương, hoặc là cũng sẽ tặng tiền, hai là có thể báo lên phường, đề nghị phường giảm thuế cho bà con nếu họ làm tốt”, ông Triêm bật mí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.