Người đàn ông mở bếp cơm từ thiện và chạy xe ôm miễn phí

09/09/2020 10:02 GMT+7

Được nhiều người cưu mang, giúp đỡ để vượt qua những bất hạnh, giờ đây khi cuộc sống yên ổn, ông Lê Thành Hiếu tự mở bếp cơm chay từ thiện và chạy xe ôm miễn phí để trả ơn đời.

Gọi là bếp cơm vì nấu xong sẽ đem đi phân phát cho bà con chứ không ai ngồi ăn một chỗ. Bếp được đặt trong khoảng sân của một ngôi nhà nhỏ tại số 18 đường Phan Đình Phùng, KP.1, TT.Dương Đông, H.Phú Quốc. Khu vực bếp cơm chỉ để thêm một chiếc bàn tròn và vài chiếc ghế nhỏ.
Ông Lê Thành Hiếu (48 tuổi, ngụ TT.Dương Đông, H.Phú Quốc, Kiên Giang) cho biết bếp hoạt động vào các ngày 1, 14, 15, 30 âm lịch hằng tháng. Từ 5 giờ sáng, nhiều người có mặt tại bếp cơm để cùng nhau nấu 400 suất cơm chay cho người nghèo. Mỗi người một việc, người nấu cơm, người gọt rau củ quả…
Gần 9 giờ sáng, việc nấu nướng hoàn tất, mọi người bắt tay vào việc chia khẩu phần. Người bới cơm, người múc đồ xào, người cho canh vào túi, người lấy nước tương. Thực đơn ngày cuối tháng gồm rau củ quả xào, đậu hũ kho, canh chua. Riêng ông Hiếu thì đi giao cho các nơi đã “đặt hàng” từ trước. Sau khi sắp xếp đủ 200 suất cơm trong những chiếc túi lớn, ông chạy xe máy đi “ship cơm”.
Tôi chạy theo chiếc xe 50 cc của ông Hiếu đến giao cơm dưới chân cầu Nguyễn Trung Trực. Khi 200 suất cơm vừa tới đã có người ra nhận rồi đi phân phát cho những người xung quanh, phần lớn là có hoàn cảnh khó khăn. Giao cơm xong, lúc trở về ông Hiếu còn xách theo một túi đồ, là mớ quần áo cũ người ta cho ông để về giặt sạch rồi đem cho những người khó khăn khác.
Ông Trần Nhựt Rạng (50 tuổi), chủ một quán ăn trên đường Nguyễn Trãi, cho biết những ngày tiệm cơm chay của ông Hiếu hoạt động, ông giao lại quán cơm cho nhân viên quản lý, còn mình thì đến cùng mọi người nấu cơm từ thiện.
“Do tiệm cơm từ thiện mới hoạt động 1 tháng nên vẫn còn nhiều việc chưa suôn sẻ, đặc biệt là khâu nấu nướng. Tôi mong sao với kinh nghiệm nấu quán ăn của mình có thể giúp cho tiệm cơm này dần hoàn thiện hơn, để sau này không chỉ phục vụ 4 ngày/tháng mà có thể nhiều hơn nữa”, ông Rạng chia sẻ. Còn bà Nguyễn Thị Hương (55 tuổi, quê Sóc Trăng), bán đồ ăn vặt bên lề đường Phan Đình Phùng, cho biết cứ tới những ngày bếp ăn hoạt động là bà tạm gác lại việc buôn bán để cùng mọi người nấu cơm từ thiện ở bếp cơm ông Hiếu.
Qua tìm hiểu của PV, ông Lê Thành Hiếu quê ở Sóc Trăng, cuộc đời có quá nhiều bất hạnh, bị cha mẹ bỏ lúc mới lọt lòng do ông mắc phải căn bệnh sốt bại liệt quái ác. Nhưng may thay, ông không chết mà được một người nhận làm con nuôi. Trong đời mình, ông Hiếu không nhớ nổi đã có bao nhiêu cặp vợ chồng nhận làm con nuôi, cũng không nhớ nổi đã tá túc trong bao nhiêu ngôi chùa ở miền Tây.
“Bất hạnh như vậy nhưng nhờ được nhiều người giúp đỡ nên tôi tồn tại đến hôm nay. Vì vậy, hiện nay ngoài việc bán vé số mỗi ngày kiếm sống, tôi tình nguyện chạy xe ôm miễn phí và phục vụ cơm chay 0 đồng để cảm ơn cuộc đời đã cưu mang mình”, ông Hiếu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.