Người đàn ông 'đồ đỏ' bán vé số, chạy xe ôm... miễn phí 'cám ơn cuộc đời'

18/04/2020 12:12 GMT+7

Ông Lê Thanh Hiếu 48 tuổi (ở H.Phú Quốc, Kiên Giang) trông như ông lão vì bệnh tật, lưng còng. Bán từng tờ vé số mưu sinh nhưng ông vẫn chạy xe miễn phí, chia quà từ thiện cho người cùng cảnh ngộ.

Ông vé số mặc quần áo đỏ

Rong ruổi trên những nẻo đường ở huyện đảo Phú Quốc, dễ dàng có thể bắt gặp một người đàn ông lưng còng mặc nguyên một bộ quần áo màu đỏ, đi bán vé số trên một chiếc xe máy 50cc cũ. Đặc biệt là phía đuôi xe, phía dưới biển số còn có thêm một bảng nhỏ ghi thêm dòng chữ “Xe ôm miễn phí 5km” kèm số điện thoại liên lạc. Thi thoảng trên xe ông còn treo lủng lẳng những hộp cơm mà ông mang đi cho những người cùng hoàn cảnh.
Một ngày đầu tháng 4.2020, tôi đã tìm đến khu nhà trọ của ông đang sinh sống tại tổ 8, ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, may mắn là đang lúc ông ở nhà. Điều bất ngờ khi vào bên trong phòng trọ, tôi ghi nhận có rất nhiều vật dụng cũng có màu đỏ.

Cuộc đời tôi có rất nhiều cha mẹ nuôi và từng sống trên 20 ngôi chùa từ Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây

Ông Lê Thanh Hiếu

Ông Hiếu giải thích, sở dĩ thích đồ màu đỏ vì hy vọng nó sẽ mang lại nhiều may mắn cho ông và những người gặp ông. Ngoài ra, do ông bị sốt bại liệt từ lúc sơ sinh, nhiều sợi gân trên cơ thể ông bị co rút lại nên giờ ông như một người còng lưng nên rất khó nhìn thẳng về phía trước, mặc quần áo màu đỏ để người ta thấy mà tránh mình.
 ... rồi đi trao cho những người cùng cảnh nghèo như mình Ảnh: Hoàng Trung

... rồi đi trao cho những người cùng cảnh nghèo như mình

Ảnh: Hoàng Trung

Tôi lại càng bất ngờ hơn khi ông đưa giấy chứng minh thư ra, ông mới 48 tuổi mà nhìn cứ ngỡ như là một ông lão. Đó là do tướng tá của ông, lưng bị còng nên nhiều người cứ nghĩ ông là một ông lão.

Chạy xe ôm miễn phí vì nhiều lần được cho quá giang

Ông tiếp tục kể về cuộc đời mình, trong đó có một số chi tiết ông cho biết cũng chỉ nghe kể lại.
Ông nói, ngay sau khi sinh ra tại một bệnh viện ở TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), do bị sốt bại liệt rất nặng, tắc phổi mãn tính, dự báo sẽ không sống nổi nên mẹ ông đã bỏ ông ở bên vệ đường tại ngã tư với mong muốn gặp ai đó thì người ta chôn cất giúp.
Thế nhưng may mắn, lần đó ông không chết và được người ta đưa về nuôi. Nhưng rồi cha mẹ nuôi cũng hết khả năng và ông lại phải lang bạt nhiều nơi, hết sống với cha mẹ nuôi này thì lại sống với cha mẹ nuôi khác, có khi lại sống ở chùa.
“Cuộc đời tôi có rất nhiều cha mẹ nuôi và từng sống trên 20 ngôi chùa từ Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây”, ông Hiếu cho biết.
“Có những lúc tôi thấy người ta đem cơm cho con chó ăn mà tôi ao ước mình cũng có được phần cơm như thế. Nhiều khi tôi nghĩ đời mình thua cả con chó nên muốn tự tử chết quách cho xong, thế mà cũng có người cứu và tôi lại sống”, ông Hiếu chia sẻ tiếp.
 Sáng 12.4, ông được người ta cho 2 túi gạo (mỗi túi 10kg)... Ảnh: Hoàng Trung

Sáng 12.4, ông được người ta cho 2 túi gạo (mỗi túi 10kg)...

Ảnh: Hoàng Trung

Đầu năm 2017, ông ra Phú Quốc và với sự giúp đỡ của nhiều người, ông bắt đầu đi bán vé số mưu sinh. Tuy nhiên, với căn bệnh quái ác bám theo suốt cuộc đời mình, tiền bán vé số cũng chỉ đủ để ông uống thuốc. Những ngày nắng thì tiền thuốc ít hơn, còn ngày mưa, thời tiết sẽ làm cho ông đau đớn hơn nên phải uống thuốc nhiều hơn, gấp đôi ngày thường.
“May mắn cho tôi là mỗi khi lên cơn đau thì có những dấu hiệu báo trước chừng 5 phút. Khi đó, tôi tấp vào lề, uống liều thuốc rồi ngồi nghỉ chút thì qua cơn”, ông Hiếu nói.
Giải thích về việc đã nghèo sao lại chạy xe ôm miễn phí, ông Hiếu cho biết trước đây, ông thường đi bộ từ TT.Dương Đông lang thang đến xã Cửa Cạn, xã Gành Dầu (10 - 30km), đến khi bán hết vé số, ông lại phải lội bộ về, nhiều người đi đường đã cho ông quá giang.
“Tôi nghĩ, cuộc đời mình đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người nên giờ mình cũng nên giúp lại cho người khác nếu có thể. Trên xe tôi có để bảng chạy miễn phí 5km nhưng nhiều khi tôi chở người ta từ Dương Đông đến cảng Bãi Vòng hơn 10 km tôi cũng không lấy đồng nào”, ông Hiếu nói.
Ngoài bán vé số và chạy xe ôm miễn phí, ông còn hay nhận cơm từ thiện của các nhà hảo tâm đi phân phát cho những người có cùng hoàn cảnh như ông hoặc thấy hoàn cảnh nào khó khăn thì ông đến gặp những mạnh thường quân báo cáo nhờ giúp đỡ.
Ông cũng hay đi nhận quần áo cũ về giặt rồi đem cho người nghèo. Tất cả xuất phát từ quan niệm “đời mình đã nhận nhiều sự giúp đỡ, thì giờ giúp lại được ai thì giúp”. Trong thâm tâm ông vẫn muốn kịp tìm được mẹ mình trong cuộc đời này.
 ...và ngay sau đó, ông mang gạo đi cho 2 nữ phụ hồ nghèo gần đó Ảnh: Hoàng Trung

...và ngay sau đó, ông mang gạo đi cho 2 nữ phụ hồ nghèo gần đó

Ảnh: Hoàng Trung

Bạn Mai Thị Hồng Thắm (29 tuổi, một người thường xuyên làm các việc thiện nguyện ở Phú Quốc) đánh giá ông Hiếu là người tốt.
“Với ai thì tôi không biết, nhưng đối với tôi, ông ấy là người tốt. Vừa đi bán vé số, vừa đi xin quần áo cũ cho người nghèo, vừa lấy bánh mì, cơm từ thiện cho người cùng hoàn cảnh, lại chạy xe ôm miễn phí. Thật khó có thể có được người nào nghèo lại có tâm như thế”, bạn Thắm chia sẻ.
Còn nói về ông vé số áo đỏ, bạn Vương Thuỳ Dung (28 tuổi, ngụ xã Dương Tơ) cho biết có thể nói cả Phú Quốc ai cũng biết ông Hiếu. Dù nghèo, nhưng hay làm việc thiện, nói chuyện rất dễ gần, dễ mến.
“Có lần, tôi gửi gạo từ thiện cho chú, chú bảo cho nhiều quá chú ăn không hết, nên chú sẽ cho lại những bạn bán vé số nghèo như chú. Chú nói rằng không biết mình có còn sống được đến ngày mai không, nên lấy nhiều để làm gì”, bạn Dung kể lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.