Thấy những lời hứa hẹn về việc chữa bệnh thần kỳ có vẻ hoang đường, nên ngay khi nhóm người nước ngoài này “dụ” được vài tiểu thương về nhà thì anh Hồng cũng lấy xe bám theo.
“Nhờ vậy mà tui mới phát hiện là khi những người trong chợ đi theo nhóm người nước ngoài kia thì cũng có hai người chạy trên một xe máy kè kè phía sau. Những người này để ý xem “con mồi” cầm theo những đồ vật gì, túi xách ra sao để đi tìm vật tương tự, đưa vào bên trong nhà để bọn kia tráo đổi đồ của người bị hại”, anh Hồng tiết lộ.
Một vụ nữa cũng xảy ra trong năm 2016, khi anh vô tình nhìn thấy hai thanh niên giật dây chuyền của một người phụ nữ ngay cổng sau Bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM).
“Nhưng lúc này vắng người, không ai đuổi theo nên bọn chúng chạy từ từ, không hề sợ hãi. Tui tính bắt liền, nhưng lại lo nếu bắt trước cổng bệnh viện thì dễ gây náo loạn hoặc nguy hiểm cho bệnh nhân và người đi thăm bệnh. Nên là tui cũng chạy rà rà theo sau xe hai tên này. Đang đi thì tên cầm lái dừng lại để nghe điện thoại, tui mới chạy tới thò tay rút chìa khóa xe rồi ném vô nhà dân ngay sát đó”.
Ông Nguyễn Văn Hưng (Phó Trưởng Công an phường 14, quận 5) có những nhận xét tích cực về "anh hùng" Huệ Hồng Ảnh: Lưu Trân
|
Bị bất ngờ, hai đối tượng này ngã xuống đường, “tui mới giằng co được chừng đâu mười lăm, hai chục phút thì khống chế được tên ngồi sau, tên trước thì vùng ra rồi bỏ chạy. Vụ này xảy ra tại phường 11, quận 5 nên tui đưa về cho công an phường 11. Sau khi kiểm tra thì công an phát hiện trong người tên này có một sợi dây chuyền vàng, một túi xách có giấy tờ của người nước ngoài, tiền mặt và vài thứ trang sức nữa”.
|
|
Anh Huệ Hồng chia sẻ, sợ nhất là khi phát hiện đối tượng phạm tội nhưng lại đang ở nơi công cộng, có đông người qua lại: “Vì như vậy rất dễ gây ra hiệu ứng đám đông, ví dụ khi người dân thấy mình bắt được một tên trộm thì thường sẽ bao vây xung quanh, thậm chí nếu tên trộm có phản kháng lại là bị “đánh hội đồng” ngay. Trường hợp như vậy rất dễ gây ra sự cố ngoài ý muốn, có thể khiến đối tượng phạm tội gặp nguy hiểm, hoặc người dân vô tình trở thành đối tượng gây rối trật tự công cộng…
|
|
|
Càng kể, người đàn ông “thích lo việc thiên hạ” này lại càng hào hứng thấy rõ. Anh vỗ cái đét lên đùi rồi nói tiếp: “Mà để ý kỹ, đồng đội của tui những lúc cấp bách đều... chính là người dân".
Gần nhất là vụ tráo tiền ở quận 5. "Bữa đó tui thấy hai ông người nước ngoài chạy xe máy từ từ trên đường. Đáng nói là phía sau xe có treo bịch sữa to, cố tình che biển số xe lại. Chạy một đoạn thì hai người tấp vô tiệm lư đồng số 272 Hải Thượng Lãn Ông. Một người vô mua đồ, người kia thì đợi sẵn bên ngoài. Sau khi chọn mua một món, lúc thanh toán thì ông khách này giả bộ đổi tiền lẻ để dễ xài chứ không nhận tiền mệnh giá lớn", anh Hồng nhớ lại.
Anh Hồng liền nhờ anh xe ôm gần đó cùng quan sát, rồi bắt đầu gọi điện về cho phường báo tình hình.
"Ngay khi ổng nhét tiền vô túi thì tụi tui bay tới khống chế liền, tên ngồi trên xe máy thấy vậy liền rồ ga bỏ chạy thì các chiến sĩ công an đón đầu rồi bắt gọn luôn”, anh Hồng kể lại tình huống bắt quả tang người nước ngoài "tráo tiền".
Những lúc rảnh rỗi, anh Hồng còn kiêm luôn công việc chạy xe ôm để vừa "có thể khảo sát tình hình phố xá, vừa kiến thêm thu nhập" Ảnh: Lưu Trân
|
Anh nói thêm, với những trường hợp các đối tượng thuộc dạng chuyên nghiệp và có khả năng là một tổ chức quy mô lớn thì “nên đấu trí chứ đừng đấu sức”. Theo anh, đầu tiên là phải biết cách bám đuôi, theo dõi thật cẩn thận. Đồng thời phải liên lạc với chính quyền và các chiến sĩ công an ở quận, phường… để được hỗ trợ kịp thời. Khi đã lần ra được “hang ổ” hoặc địa điểm các đối tượng này tụ tập thì mới hành động, “vậy mới tóm được trọn gói, chứ cứ thấy một lần rồi lao ra bắt liền thì chưa chắc gì đã diệt được tận gốc đâu”.
Lâu dần, khi mọi người đã bắt đầu quen với chuyện “ở đâu có trộm, cướp hay tội phạm là thường xuyên có Huệ Hồng giải quyết”, người ta đem tới tặng anh áo quần, gói bánh, hộp sữa hay những loại thuốc, dầu xoa bóp. “Mà thôi, tặng gì mà tặng lắm. Tui thì bình thường mặc áo thun, quần dài đi làm cho thoải mái, còn trong giờ làm việc của phường thì tui có bộ đồng phục bảo vệ dân phố đó. Bánh kẹo thì người ta cho con tui ăn lấy thảo, cho ít thôi, nhiều quá cũng không nên”, anh nói.
Trên tường là những hình ảnh và bằng khen của "người hùng bắt cướp" Trần Huệ Hồng Ảnh: Lưu Trân
|
Trao đổi với chúng tôi về trường hợp của “người hùng bắt cướp” Huệ Hồng, ông Nguyễn Văn Hưng (Phó Trưởng Công an phường 14, quận 5) cho biết: “Anh Hồng thì đã theo nghề cũng được hai mấy năm rồi. Tính riêng từ năm 2015 đến nay, anh Hồng đã phối hợp với công an và trực tiếp phá 7 vụ phạm pháp hình sự (trộm cắp, cướp giật, đánh bạc...), bắt giữ 23 đối tượng. Anh Hồng không biết võ, nhưng lại rất giỏi phán đoán và quan sát nhạy bén. Chúng tôi đã hỗ trợ cho anh Hồng tham gia các khóa huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ bắt cướp, phòng chống tội phạm. Hiện anh Hồng đang làm bảo vệ dân phố và cũng là tổ tưởng của Tổ Phản ứng nhanh phòng chống tội phạm, do phường thành lập”.
Tất cả số bằng khen được trao tặng trong 27 năm đều được anh Hồng cất giữ cẩn thận trong một chiếc vali Ảnh: Lưu Trân
|
Hàng xóm và những người từng nhận được sự giúp đỡ từ anh Hồng đều có chung nhận xét: “Ảnh sống tốt lắm. Nhà nghèo vậy đó, nếu thời gian để đi tuần tra tới lui, kiên trì bám theo mấy đối tượng phạm tội… mà để đi làm thêm việc gì đó thì ảnh cũng kiếm được ít tiền bỏ túi, lại không phải gặp nguy hiểm. Nhưng mà mỗi người mỗi tính, anh Hồng thích giúp người thì có khi làm việc “bao đồng” vậy mới thấy vui, thấy ý nghĩa. Chứ chưa chắc có nhiều tiền là sống hạnh phúc đâu”.
Hiện tại, anh Hồng đã có vợ và hai con, “nếp tẻ đủ cả”, nhưng anh chia sẻ là bản thân rất ít khi ở nhà, hầu hết thời gian trong ngày anh đều ở ngoài đường: “Thật ra khi biết tui có ý định theo nghề này, người thân không ai phản đối, chỉ dặn tui là phải biết giữ an toàn cho bản thân, lỡ có chuyện gì thì người đau buồn là gia đình, cha mẹ, vợ con”.
tin liên quan
Bác tài xế tình nguyện và 65 lần hiến máu
Ngoài việc tình nguyện làm tài xế cho Hội Chữ thập đỏ xã đưa bệnh nhân đi cấp cứu, ông Nguyễn Văn Tác (47 tuổi, ngụ xã Trung Hưng, H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) đã tham gia hiến máu nhân đạo 65 lần.
"Người hùng" cũng tâm sự: "Từ ngày đầu theo nghiệp này đến nay, nói thật tui cũng chẳng nhớ nổi mình đã tham gia săn bắt cướp được bao nhiêu vụ. Nhưng tui thấy rõ sự chín chắn của mình qua từng năm tháng, từng độ tuổi. Tui chỉ mong đừng ai thờ ơ hay dửng dưng với chuyện bất bình trên đường nữa, như vậy thì cuộc sống mới ý nghĩa và tốt đẹp hơn được”.