Người dân nơi phát hiện bom 340 kg: Thở phào nhẹ nhõm sau một đêm phập phồng

30/11/2020 20:51 GMT+7

Hàng trăm người dân ở phố Cửa Bắc (P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình, Hà Nội) đã thở phào nhẹ nhõm khi quả bom 340 kg được di dời thành công đến nơi xử lý hủy nổ.

Phố phường vắng người 

Khoảng 21 giờ ngày 29.11, hàng trăm người dân sống trong phạm vi bán kính 200 m tính từ nhà số 15 Cửa Bắc (P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình, Hà Nội) được sơ tán để đảm bảo an toàn trong quá trình lực lượng chức năng di chuyển quả bom 340 kg. 
Từ khi phát hiện quả bom, bà Doãn Thị Lễ (65 tuổi) đã đóng cửa quán nước của bà cách vị trí quả bom khoảng 50m và di tản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Bà Lễ cho biết, cả ngày hôm qua (29.11) đường phố vắng tanh vì mọi người không được vào khu vực này.

Lực lượng chức năng di chuyển quả bom ra khỏi hiện trường tối 29.11

Ảnh: Đậu Tiến Đạt

“Đêm hôm qua, gia đình tôi ra đường Thanh Niên cách đó khoảng 2km cho an toàn”, bà Lễ cho biết. Chia sẻ với PV, bà Lễ cho biết bà sống ở khu vực này đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên bà nghe thấy có bom còn nguyên ngòi nổ.
“Khi nghe tin quả bom được di chuyển tôi thấy nhẹ nhàng vì cứ nghe thấy bom là sợ. Thời chiến tranh tôi đã từng chứng kiến bom nổ, dù sơ tán đi xa nhưng vẫn thấy mảnh vụn nên giờ khoảnh cách gần như vậy là phải đi. Hồi xưa nghe báo động bom đạn là rát hết tai, phải bỏ chạy, sợ lắm nên hôm qua nghỉ bán, đến tối cả nhà di tản hết để bảo toàn tính mạng”, bà Lễ kể lại.

Số nhà 15 Cửa Bắc là nơi phát hiện có bom chưa phát nổ

Ảnh: Dương Lan

Từ khi phát hiện có bom, bà Lễ cũng như nhiều hộ dân khác được nhà chức trách yêu cầu không sử dụng điện thoại, bộ đàm trong phạm vi bán kính 200 m từ nhà số 15 Cửa Bắc.
“Từ sáng hôm qua tôi cứ loanh quanh ở nhà chờ đến 8 giờ tối nghe tin di tản nên khoá cửa rồi đi. Tất cả mọi người xung quanh đây không được dùng điện thoại, cửa hàng dọc đường phải đóng cửa hết. Cả ngày hôm qua cứ chờ tin từ bên chính quyền, phố phường vắng tanh như đợt dịch Covid-19”, bà Lễ kể lại.

Bà Lễ kể lại khoảnh khắc cả nhà phải di tản vì khu vực gần đó có bom

Ảnh: Dương Lan

“Chả buồn cơm nước, chợ búa”

Bà Nguyễn Bích Ngọc (49 tuổi) cho biết bà rất ngạc nhiên khi nghe tin về quả bom chưa phát nổ ngay gần khu vực bà sinh sống. Gia đình bà di tản từ đêm hôm qua đến sáng hôm nay mới trở về để đảm bảo an toàn.
“Từ tối hôm qua cả nhà di tản sang nhà em gái đến sáng nay mới về. Nghe tin có bom cảm thấy sợ, chưa dời đi là chưa yên tâm khi chính quyền đưa quả bom đi mới trở về nhà”, bà Ngọc nói.
Theo chia sẻ của bà Ngọc, tối hôm qua chính quyền đến từng nhà để vận động người dân di tản ra xa khu vực có bom để đảm bảo an toàn. Trước đó, gia đình bà ở nguyên trong nhà, không dùng điện thoại vì nhà bà cách số nhà phát hiện bom khoảng 10 m.

Đến sáng ngày 30.11, đường phố quanh khu vực phát hiện bom trở lại bình thường

Ảnh: Dương Lan

 
“Từ khi có thông báo có bom là ai nấy đứng ngồi không yên, chả buồn cơm nước, chợ búa. Ngày hôm qua cả nhà ăn linh tinh qua bữa đến tối lo cho người già vì họ đi lại khó khăn nên cho ông bà di tản sang nhà em gái đầu tiên rồi đến cả nhà, sáng hôm nay mới về”, bà Ngọc cho biết.
Dù đã quen với chuyện bom đạn của thời chiến tranh nhưng ông Phùng Trọng Sự (60 tuổi, người dân phố Cửa Bắc) cũng không bao giờ nghĩ đến khu vực này còn có bom chưa phát nổ. Khi nghe chính quyền vận động di tản, gia đình ông chấp hành để đảm bảo an toàn.
“Tôi sống ở đây mấy chục năm nhưng lần đầu tiên thấy quả bom chưa phát nổ vẫn đang còn có ở đó. Từ khi phát hiện gia đình tôi không di chuyển đi đâu, hạn chế dùng điện thoại đến khi có thông báo di tản. Ngày xưa, sống chung bom đạn là bình thường nhưng giờ còn có bom cũng hơi ngạc nhiên. Nhưng phải từng là bộ đội, qua chiến đấu mới quen nên hôm qua tôi cứ đưa cả nhà cứ di tản cho an toàn”, ông Sự cho biết.
Vì sao nhà chức trách khuyến cáo không sử dụng điện thoại trong quá trình xử lý bom?
Trước thắc mắc vì sao nhà chức trách khuyến cáo không sử dụng điện thoại trong quá trình xử lý bom, trao đổi với Thanh Niên tối 30.11, ông Đinh Ngọc Vũ (người từng có nhiều năm kinh nghiệm rà phá bom mìn trong và ngoài nước và hiện đang là Phó giám đốc Trung tâm hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị) cho biết khuyến cáo trên là có lý do.
Theo ông Vũ, bom có nhiều loại đầu nổ, trong đó có loại chạm nổ, có loại hẹn giờ cơ học, có loại hẹn giờ hóa học, có loại từ trường... Đối với loại đầu nổ từ trường, khi có từ trường hay có sóng điện thoại thì kích hoạt quả bom nổ. Vì thế khi nhà chức trách chưa chắc chắn đầu nổ loại gì thì khuyến cáo không sử dụng điện thoại là biện pháp an toàn để hạn chế rủi ro, trong trường hợp lỡ quả bom mang đầu nổ từ trường. Tuy nhiên, cũng theo ông Vũ, loại đầu nổ từ trường là khá hiếm.
                                                                                                                            (Nguyễn Phúc)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.