Người dân Ninh Thuận đối mặt với khô hạn

07/03/2015 17:08 GMT+7

(TNO) Mới vào mùa khô nhưng nhiều khu vực nông thôn ở Ninh Thuận đang đối mặt với nắng hạn gay gắt.

(TNO) Mới vào mùa khô nhưng nhiều khu vực nông thôn ở Ninh Thuận đang đối mặt với nắng hạn gay gắt.

Người dân xã Phước Trung đào ao trữ nướcNgười dân xã Phước Trung đào ao trữ nước
Đến hai thôn Tham Dú và Đồng Dày, xã Phước Trung, huyện Bác Ái, Ninh Thuận), nơi có hơn 200 hộ dân sinh sống, chúng tôi chứng kiến cảnh cỏ cây héo rũ một màu vàng úa do nắng hạn kéo dài, người dân đang ngày đêm vật vã với nguồn nước sinh hoạt.
Ông Trần Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Phước Trung, cho biết do nắng hạn kéo dài (năm 2014 chỉ có vài cơn mưa nhỏ) nên phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị khô nứt. Các khe suối quanh làng và hai hồ thủy lợi Phước Trung và Phước Nhơn phục vụ sản xuất cho người dân địa phương đến nay gần như khô cạn, đã có nhiều gia súc (cừu, bò) ở các trang trại bị chết do thiếu nước uống và thức ăn.

Theo ông Dương, khó khăn hiện nay là nguồn nước sinh hoạt cho người dân và nước uống cho đàn gia súc. 

“Để đối phó với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ngoài việc vận động người dân đào ao, giếng ở khu gần các khe suối để giữ trữ nước, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thuê xe bồn vận chuyển nước sạch cung cấp miễn phí (25 m3 nước/ngày) cho người dân”, ông Dương cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Pi Năng Hưng (50 tuổi, ở thôn Tham Dú), người dân tiếp nhận nguồn nước sạch chỉ đủ phục vụ ăn uống hằng ngày; còn nước sinh hoạt như tắm giặt bà con phải tự túc, tận dụng trong điều kiện còn có thể lấy được từ khe suối, ao hồ nhưng không đảm bảo vệ sinh và sẽ cạn trong thời gian tới nếu trời không có mưa. 

Ngược về phía nam của tỉnh Ninh Thuận, vùng khô hạn xã Phước Minh được biết đến như một địa điểm ít mưa nhất trên cả nước.

Ông Trần Mạnh Cương, Chủ tịch UBND xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), cho biết trong năm 2014 chỉ có duy nhất cơn mưa vào ngày 23 tháng 10 (âm lịch) là ướt đất. Ngoài ra, vùng đất của xã Phước Minh đều bị nhiễm mặn bởi đồng nuối Quán Thẻ nên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp hầu như bỏ hoang.

Theo ông Cương, người dân địa phương thu nhập chủ yếu dựa vào chăn nuôi. Hiện toàn xã có khoảng 9.000 con cừu và hàng ngàn gia cầm khác, nhưng từ đầu năm 2015 đến nay đã có hơn 1.000 con cừu chết. Ông Cương khẳng định, cừu chết không phải do dịch bệnh mà thiếu thức ăn, nước uống nên dần bị suy nhược cơ thể mà chết.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, ở Ninh Thuận, khả năng xảy ra lũ tiểu mãn trong tháng 5 và tháng 6 rất thấp, nắng hạn sẽ kéo dài và diễn ra trên diện rộng, đến giữ tháng 9.2015 mới có mưa. Vì vậy, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc và nước phục vụ cho sản xuất là rất cao.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận Phan Quang Thựu cho biết hiện mực nước của 20 hồ thủy lợi trên địa bàn chỉ chiếm khoảng 15% dung tích thiết kế. 

Theo ông Thựu, ngành đang tập trung nhiều biện pháp chống hạn, như tổ chức nạo vét khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương thủy lợi, hướng dẫn nông dân áp dụng những phương pháp tưới phun mưa, nhỏ giọt trong sản xuất để tiết kiệm nguồn nước, gieo trồng các cây chịu hạn; tổ chức đào giếng, ao hồ dự trữ nước sinh hoạt cho người dân và nước uống cho đàn gia súc…

Ông Trần Xuân Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra. 

“Ngoài các nguồn lực sẵn có ở địa phương, tỉnh có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí chống hạn vụ đông xuân năm 2014-2015 và vụ hè thu năm 2015, với tổng kinh phí hơn 113 tỉ đồng, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân”, ông Hòa cho biết. 
Lấy nước về tắm giặt
Xe bồn chở nước sạch cung cấp cho người dân
Ngoài giờ học, các em giúp bố mẹ đi lấy nước
Nhiều vườn cây ở xã Phước Minh chết khô 
Người chăn nuôi di chuyển đàn cừu đến nơi có nước và thức ăn - Ảnh: Thiện Nhân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.