Người dân Lâm Đồng gồng mình chống hạn hán

09/03/2020 20:05 GMT+7

Hạn hán khốc liệt kéo dài đang khiến Lâm Đồng thiếu nước tưới cho cây trồng. Tương tự người dân tại nhiều địa phương đang đối diện với tình trạng thiếu nguồn nước sinh hoạt khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Ao hồ, sông suối trơ đáy

Theo ghi nhận, nắng nóng bắt đầu ở Lâm Đồng từ tháng 12.2019 kéo dài đến nay và có nguy cơ tiếp diễn. Nắng hạn kéo dài khiến nguồn nước tự nhiên sông, suối và ao hồ thủy lợi tại hầu hết các địa phương trong tỉnh đã tụt giảm nghiêm trọng. Tại Lạc Dương, Di Linh, Bảo Lâm... nhiều ao hồ thủy lợi và suối tự nhiên đã cạn trơ đáy.
Người dân Lâm Đồng gồng mình chống hạn6

Đào ao hồ nhỏ đang là giải pháp góp phần mang lại hiệu quả chống hạn được người dân Lâm Đồng tích cực triển khai

Ghi nhận tại các vùng cà phê trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng như Di Linh, Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc đang có hàng chục ngàn ha cà phê trong tình trạng “khát nước”. Từ sau tết Canh tý 2020 đến nay, người dân đã 3 đợt tưới nước chống hạn cho cà phê. Tuy nhiên đến nay, gần như các ao hồ thủy lợi ở các huyện Di Linh, Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc cơ bản đã cạn kiệt nguồn nước.
Tại nhiều khu vực như các xã Tân Thượng, Gia Bắc, Sơn Điền… (H.Di Linh), Lộc Lâm, Lộc Bắc, Lộc Bảo… (H.Bảo Lâm) đang bị thiếu nguồn nước tưới trầm trọng. Hàng chục ngàn ha cà phê của người dân đang trong tình trạng rũ lá, khô bông
Ông K’Kim (xã Tân Thượng, H.Di Linh) cho biết: “Ở khu vực này không có hồ đập, chủ yếu tận dụng nguồn nước từ ao nhỏ và khe suối. Rẫy cà phê lại nằm ở đồi cao cách xa nguồn nước từ 500 - 1.000 mét, vì vậy muốn tưới được phải sử dụng từ 2 máy bơm và từ 10 đến 17 cuộn ống. Bình quân một ngày bà con chúng tôi chỉ tưới được 3 sào và tiêu tốn trên 60 lít dầu. Tình hình nắng hạn khốc liệt thế này, tưới trước rồi cũng khô sau. Giờ chỉ có mưa mới cứu được cà phê”.
Người dân Lâm Đồng gồng mình chống hạn1

Công trình nước sinh hoạt “đắp chiếu” đẩy hơn 170 hộ dân Tôn K’Long (H.Đạ Tẻh) vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

Còn theo ông Nguyễn Đình Bình (Chủ tịch UBND xã Lộc Lâm, H.Bảo Lâm), hiện tại nguồn nước tưới chống hạn cho cây trồng trên địa bàn xã gần như không còn.
“Bà con đang tập trung nạo vét và đào mới ao hồ để tìm nguồn nước cứu cà phê. Song, với tình hình hạn hán hiện tại may ra nguồn nước cũng chỉ đủ cứu cà phê. Còn để cà phê ra được bông và đậu trái thì chỉ có trời mưa mới được”, ông Bình cho hay.
Tại huyện Lạc Dương, hồ Đan Kia (suối Vàng) cũng dần cạn trơ đáy, khiến hơn 50.000 hộ dân nơi đây như ngồi trên đống lửa do thiếu nguồn nước sản xuất rau, hoa và cà phê.
Người dân Lâm Đồng gồng mình chống hạn2

Người dân H.Bảo Lâm nạo vét giếng tìm nước sinh hoạt

Còn tại TP.Bảo Lộc và các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên, nguồn nước tại các sông suối và ao hồ thủy lợi đã tụt giảm xuống mức báo động. Hệ thống sông Đạ Quay chảy qua H.Đạ Huoai đã cạn trơ đáy. Nguồn nước tưới chống hạn của bà con đang phụ thuộc vào hệ thống ao hồ tự đào nên cũng khan hiếm và gặp nhiều khó khăn.
Nghiêm trọng nhất là khu vực thôn Tôn K’Long (xã Đạ Pal, H.Đạ Tẻh). Hiện tại, gần Hơn 330 ha cà phê của người dân Tôn K’Long đang khát nước trầm trọng. Nhiều diện tích đã héo rũ, cháy lá, khô cành có nguy cơ đốn hạ làm củi.
Bà con đã tìm đủ cách tìm nguồn nước chống hạn như khoan giếng, đào ao hồ… nhưng tất cả đều bị vô hiệu.
Bà Nguyễn Thị Chi - Trưởng thôn Tôn K’Long lo lắng: “Đến nay, toàn thôn chỉ có khoảng 50 ha cà phê được tưới nước, nhưng cũng chỉ đủ cứu cây nên không thể ra bông. Hơn 330 ha cà phê còn lại của bà con đã hơn 2 tháng chưa có giọt nước nào".
Người dân Lâm Đồng gồng mình chống hạn3
Người dân Lâm Đồng gồng mình chống hạn4
Người dân Lâm Đồng gồng mình chống hạn5

Bà con các vùng cà phê Bảo Lâm, Di Linh gồng mình tưới nước chống hạn cứu cà phê

Khan hiếm nguồn nước sinh hoạt

Thống kê cho thấy, tại nhiều địa phương như Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai, và TP.Bảo Lộc đang có hàng ngàn hộ dân thiếu nguồn nước sinh hoạt. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên trong thời gian tới nếu hạn hán tiếp tục kéo dài.
Tại các xã Gia Bắc, Sơn Điền, Tân Thượng, Tam Bố (Di Linh), Lộc Bắc, Lộc Bảo và Lộc Lâm (H.Bảo Lâm)… nguồn nước sinh hoạt của người dân phụ thuộc chủ yếu vào giếng đào, giếng khoan và hệ thống nước tự chảy. Hiện tại, hầu hết hệ thống giếng khoan tập trung tại các địa phương này đều bị nhiễm phèn. Trong khi đó, giếng đào của người dân cũng đã cạn trơ đáy và nguồn nước tự chảy đang tụt giảm mạnh.
Ông K’Giáp (Phó Chủ tịch xã Lộc Lâm) cho biết: “Toàn xã có khoảng có gần 700 hộ dân, hiện số hộ thiếu nguồn nước sinh hoạt là hơn 80%. Để có nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, bà con chỉ có cách vào rừng, khe suối dùng can, chai nhựa cõng nước về dùng. Huyện đang hỗ trợ kinh phí khoan thêm 3 giếng khoan để cung cấp nước cho bà con. Tuy nhiên nguồn nước ngầm tại địa phương hầu hết bị nhiễm phèn, khi giếng khoan có nước cũng chỉ phục vụ cho bà con tắm rửa, còn nước ăn uống vẫn phải vào rừng cõng về”.
Người dân Lâm Đồng gồng mình chống hạn7
Người dân Lâm Đồng gồng mình chống hạn8

Hạn hán khốc liệt khiến hồ Đan Kia – Suối Vàng (huyện Lạc Dương) cạn trơ đáy

Tại thôn Tôn K’Long, xã Đạ Pal (H.Đạ Tẻh), hạn hán đang diễn ra khốc liệt không chỉ khiến hàng trăm ha cà phê đang thiếu nước tưới, mà còn đẩy hơn 170 hộ dân, với gần 500 nhân khẩu vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Theo người dân nơi đây, từ năm 2016 trở về trước, nguồn nước sinh hoạt của bà con luôn dồi dào nhờ nguồn cung cấp từ công trình nước sinh hoạt nông thôn được Hiệp hội L’Appel (Cộng hòa Pháp) đầu tư xây dựng từ năm 2007 dẫn về từ suối Đạ Cọ.
Thế nhưng, vào cuối năm 2016, thượng nguồn suối Đạ Cọ bị một số hộ dân ở xã Lộc Tân (H.Bảo Lâm) chặn dòng khiến hạ lưu con suối này cạn trơ đáy. Công trình nước sinh hoạt được đầu tư hàng tỷ đồng cũng “đắp chiếu” khiến trang thiết bị, máy móc ngày một xuống cấp, hư hỏng.
Từ đó đến nay, người dân Tôn K’Long đã tìm mọi cách để kiếm nguồn nước sinh hoạt như đào, khoan giếng, dùng can đi lấy nước... nhưng tất cả đều không có hiệu quả.
Người dân Lâm Đồng gồng mình chống hạn9

Máy bơm nước của người dân H.Lạc Dương nằm chờ nước bên hồ Đan Kia – Suối Vàng

Người dân Lâm Đồng gồng mình chống hạn10

Hạn hán khiến sông Đạ Quay (H.Đạ Huoai) cạn trơ đáy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.