Người dân hẻm Q.3 bị phong tỏa vì ca Covid-19: ‘Cầu trời mình không bị nhiễm’

07/05/2021 14:41 GMT+7

Bất thình lình con hẻm 359 đường Lê Văn Sỹ (Q.3) bị phong tỏa vì một ca tái dương tính Covid-19 . Cuộc sống của người dân sống bên trong và gần con hẻm bỗng chốc bị đảo lộn.

Theo ghi nhận của Thanh Niên sáng 7.5, cơ quan chức năng đã thực hiện phong tỏa, cách ly con hẻm cũng như bố trí các rào chắn với 5 chốt trực (2 đầu hẻm Lê Văn Sỹ và Trường Sa, 3 chốt tại các hẻm nhánh). Lực lượng công an và dân quân luôn có mặt để bảo vệ nơi phong tỏa và hướng dẫn người dân giao nhận hàng hóa tiếp tế để đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19. Người dân bên trong và xung quanh hẻm đều thực hiện tốt việc đeo khẩu trang và “ai ở nhà nấy cho lành”.

Thấp thỏm bên con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ bị phong tỏa vì Covid-19

Người bên trong hẻm “nhà ai nấy ở"

Liên lạc với ông Nguyễn Văn Hiếu (45 tuổi, ngụ số nhà 359/1/23 Lê Văn Sỹ) đang sống bên trong con hẻm bị phong tỏa qua điện thoại, ông cho biết nhà của mình khá xa nơi ở của người bị phát hiện nhiễm Covid-19 nên cũng đỡ lo lắng. Người này cũng nói thêm vì người có kết quả dương tính với Covid-19 đã đi xung quanh hẻm mua đồ nên tất cả người dân trong hẻm đều được lấy mẫu xét nghiệm.
“Sáng nay mới xét nghiệm lần 1. Chiều nay còn xét nghiệm lần 2, lần 3 nữa. Giờ chưa biết kết quả nên chưa nói trước được gì. Cầu trời cho mình không bị nhiễm Covid-19 để đỡ lo còn đi làm nuôi gia đình. Nếu bị cách ly 21 ngày thì mình cũng phải bình tĩnh, tuân theo quy định phòng dịch của nhà nước thôi", ông Hiếu tâm sự.

Ông Lê Văn Thắng (54 tuổi, Q.3) đến để tiếp tế cho người em họ

ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH

Ông Hiếu cho biết thêm từ chiều tối 6.5 người dân trong hẻm đã không được ra ngoài nên trước mắt phải nhờ người thân ở hẻm kế bên là ông Lê Văn Thắng (54 tuổi) đem đồ ăn vào. Vì nhà ông có 4 người nên phải nhờ người ta mua 4 phần.
Theo lời kể của ông Hiếu, con hẻm thường ngày nhộn nhịp bao nhiêu thì giờ vắng tanh không còn ai, người nào ở nhà nấy không ai ra ngoài. Nếu muốn ra ngoài lấy đồ thì phải báo với cơ quan chức năng và phải rửa tay, giữ khoảng cách 2 mét.
Trước điểm phong tỏa, chúng tôi bắt gặp ông Thái Văn Trinh (ngụ Q.3) mang đồ ăn đến và đang đợi bạn là người dân ở trong hẻm ra để lấy cơm. Người đàn ông này cho biết trước đây ông thường đến đây chơi nên quen biết với người dân trong hẻm này.
“Sáng nay tôi tính ghé qua chơi mà nghe tin hẻm có người nhiễm Covid-19 nên không qua nữa, đi làm nên được bạn nhờ mua đồ ăn mang qua luôn. Mình cũng giúp nhưng mà sợ lắm chỉ để đồ ở bàn rồi đợi người ta lại lấy thôi, mà chưa thấy ra, chờ lát người ta ra nhận rồi mình về. Chắc lần này thôi chứ lần sau không dám lại đâu, sợ lắm. Đưa xong mình cũng rửa tay sát khuẩn đầy đủ, khẩu trang thì chắc chắn phải đeo rồi", ông Trinh nói.

Một em bé đi cùng máy bay BN2999, trường mầm non ở TP.HCM được xét nghiệm Covid-19

Người bên ngoài “đứng ngồi không yên”

Cũng sống trong hẻm 359 đường Lê Văn Sỹ, tuy nhiên quán nước gia đình ông N. (34 tuổi) không nằm trong diện phong tỏa. Dù vậy, ông không xem đó là một sự may mắn.
“Dù tôi vẫn buôn bán nước để phục vụ cho nhu cầu của người dân gần đây nhưng cũng thấy sợ chứ bộ, qua giờ đứng ngồi không yên. Trong khu phong tỏa là bạn bè của tôi, rất là nhiều luôn nên lo lắm!”, ông N. bộc bạch.

Người dân trong hẻm đều “nhà ai nấy ở”, khi giao nhận hàng đều tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch

ẢNH: CAO AN BIÊN

Một người dân sống gần con hẻm lo lắng vì nơi bà làm việc ở trong con hẻm bị phong tỏa

ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH

Với ông N., việc buôn bán vào thời điểm này dù đông hay ế khách cũng không quá quan trọng, quan trọng là sức khỏe của tất cả mọi người. Mong muốn lớn nhất của ông bây giờ là ai cũng có ý thức phòng chống dịch, phối hợp với chính quyền địa phương cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này một lần nữa.
Một người dân (xin được giấu tên) sinh sống kế bên hẻm 359 Lê Văn Sỹ chia sẻ khoảng hơn 18 giờ ngày 6.5 là bắt đầu thấy lực lượng chức năng đem hàng rào đến phong tỏa con hẻm.
Chị cho biết thêm, trước khi con hẻm bị phong tỏa, chị làm việc dọn dẹp thêm buổi tối ở một ngôi nhà phía trong hẻm và được trả công 90.000 đồng/1 buổi. Nhưng từ khi thấy hẻm phong tỏa thì không đi làm nữa nên xem như mất một phần thu nhập từ việc dọn dẹp.
“Những nhà nghèo khổ như nhà tôi phải đi làm mới có tiền không đi làm thì không có gì ăn, không tới làm được nữa thì ở nhà thôi. Cũng may là mình không bị cách ly nếu không thì không ai nuôi mẹ vì bà không có đi lại được, tôi không có gia đình nên cố nuôi mẹ, anh chị em có gia đình thì ra ở riêng. Giờ chỉ mong hết dịch để còn đi làm lại bình thường”, chị tâm sự. 

Phạt người nước ngoài vì không đeo khẩu trang trong “khu nhà giàu” giữa dịch Covid-19

Như Thanh Niên đã thông tin, từ tối 6.5 đến sáng 7.5, cơ quan chức năng Q.3 đã phong tỏa tạm thời, cách ly một đoạn trong hẻm 359, đường Lê Văn Sỹ, đồng thời lấy mẫu nhiều người để giám sát Covid-19.
Trong hẻm 359 có nơi lưu trú của bệnh nhân T.H.T (20 tuổi, ngụ An Giang), là bệnh nhân tái dương tính Covid-19. Theo thông tin ban đầu, bệnh nhân T. đã nhiễm Covid-19, từng cách ly điều trị và về TP.HCM ngày 19.4. Ngày 6.5, bệnh nhân đi xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để xuất khẩu lao động và bị phát hiện dương tính Covid-19 trở lại nên đã được cách ly.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.