Người dân có được quay clip CSGT xử phạt mình?

27/12/2016 13:32 GMT+7

Mới đây Phòng CSGT (Công an tỉnh Nghệ An) đã quyết định xử phạt tài xế Nguyễn Triều Dương (ngụ Thái Bình) 25 triệu đồng trong đó có lỗi: tuyên truyền thông tin nhằm xúc phạm tổ chức, danh dự cá nhân. Như vậy, trong trường hợp nào người dân ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ là hợp pháp?

Ngày 26.12, Đội trưởng Đội điều tra xử lý, thuộc Phòng CSGT (Công an tỉnh Nghệ An) đã ra quyết định xử phạt tài xế Nguyễn Triều Dương (ngụ Thái Bình) 25 triệu đồng vì 3 lỗi: vi phạm luật Giao thông đường bộ; xúc phạm danh dự người thực thi công vụ; tuyên truyền thông tin nhằm xúc phạm tổ chức, danh dự cá nhân.
Như vậy, trong trường hợp nào, việc người dân ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ là hợp pháp?
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết ngày 4.1.2016, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 01/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT.
Cụ thể tại Điều 5 quy định về quyền hạn có quy định CSGT được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
Trường hợp người dân có các thắc mắc, khiếu nại hoặc nghi ngờ có dấu hiệu người giả dạng CSGT có thể căn cứ biển hiệu tuần tra kiểm soát thông báo cho cơ quan CSGT quản lý tuyến, địa bàn hoặc thông tin về Phòng CSGT đường bộ - đường sắt các tỉnh, thành phố để được giải quyết theo quy định.
Nếu người dân nghi ngờ có người giả mạo CSGT có thể trình báo đến PC67 Ảnh: Độc Lập
Như vậy, người dân được quyền ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tiết giao thông nhưng không được yêu cầu CSGT xuất trình lịch công tác.
Một lãnh đạo CSGT Đội Tuần tra dẫn đoàn nói thêm: “Hiện nay trong quá trình xử lý vi phạm, CSGT thường ghi hình lại để làm bằng chứng, nhất là với các trường hợp người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá quy định. Người dân cũng được quyền ghi hình khi CSGT đang làm nhiệm vụ nhưng nếu có lời lẽ lăng mạ, xúc phạm, CSGT cũng ghi hình lại để làm bằng chứng xử lý”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.